Ngày 4-10, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết mới đây UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng lập ban chỉ đạo để tham mưu giải quyết những vấn đề liên quan đến Dự án Khu nhà ở Suối Giữa (tên cũ là Dự án Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp) nằm tại phường Tương Bình Hiệp và phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu.
Dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận đầu tư vào tháng 3-2008 và được UBND TP Thủ Dầu Một phê duyệt quy hoạch chi tiết, tháng 2-2010.
Đến tháng 8-2015, UBND TP Thủ Dầu Một tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô diện tích hơn 30,6ha; tháng 4-2020, dự án được UBND tỉnh giao thuê đất đợt 1 với diện tích khoảng 10ha.
Dự án bị chậm triển khai nguyên ngân là do Công ty Á Châu chưa thỏa thuận được việc chuyển nhượng với các chủ sử dụng đất phần 3,7ha còn lại, do vậy, chưa có cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Tuy nhiên, khách hàng đã mua đất tại dự án này dưới hình thức "hợp tác đầu tư" từ những năm 2017 – 2018, người nộp ít cũng đã hơn 200 triệu đồng, người nộp nhiều thì hơn 700 triệu đồng, thậm chí có lô đất bị sang tay nhiều lần, người mua cuối cùng phải chi chêch lệch cả nửa tỉ đồng. Để phản đối chủ đầu tư, khách hàng đã nhiều lần căng băng rôn, đòi quyền lợi. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn "giậm chân tại chỗ".
Một dự án khác cũng khiến người dân bức xúc nhiều năm qua là Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng). Sau gần 2 năm cân nhắc, UBND tỉnh Bình Dương vừa chính thức ban hành Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngừng hoạt động dự án diện tích 47.882,8 m2 tại phường Dĩ An, TP Dĩ An này.
Lý do ngừng thực hiện Dự án là để rà soát việc quản lý, sử dụng đất theo ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và các bộ, ngành Trung ương. Thời gian ngừng thực hiện được tính từ ngày 4-8-2022 đến khi được UBND tỉnh Bình Dương hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An - chủ đầu tư Dự án - phải cùng với các đơn vị ngành đường sắt thực hiện việc rà soát theo ý kiến của Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương. Trong thời gian rà soát, Công ty phải có trách nhiệm quản lý khu đất và chịu trách nhiệm khắc phục, xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dân liên quan đến việc huy động, chuyển nhượng đất không đúng quy định.
Trong khoảng thời gian 2018, 2019, rất nhiều người dân đã ký hợp đồng cùng Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An thực hiện dự án, nhiều người đã chuyển số tiền cả tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người thất vọng và lâm vào cảnh khó khăn khi vẫn chưa có đất để xây nhà an cư lập nghiệp.
Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, người dân không quan tâm đến vòng đời của một dự án bất động sản, hám rẻ nên nhiều khi chỉ mới có chủ trương đầu tư hoặc quy hoạch 1/500 đã bị đơn vị phân phối dụ mua với những lời có cánh và viễn cảnh sinh lời cao. Đến khi dự án không thực hiện được thì quay ra kiện cáo khắp nơi, có trường hợp chủ đầu tư còn kiện ngược lại khách hàng.
"Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp bất động sản đều dùng Hợp đồng hợp tác kinh doanh để né luật. Tuy nhiên, đối với những hình thức có thu tiền của khách hàng, có tiến độ thanh toán đều là huy động vốn trái phép và sẽ bị xử phạt hết"- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho hay.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cũng cho biết thời gian qua, Sở Xây dựng đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền liên quan tới các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở mới được ban hành; vận động các tầng lớp dân cư tham gia thực hiện góp phần phát triển nhà ở đúng quy định. Sở đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư dự án tổ chức cắm bảng thông tin liên quan đến pháp lý dự án, thông tin dự án đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm…
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh việc triển khai thực hiện dự án bảo đảm đúng quy định.