Thông tin này được ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức diễn ra mới đây.
Liên quan đến các doanh nghiệp sai phạm gần đây mà báo chí đã phản ánh, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh nói rằng, đối với dự án C-River View, Công ty C-Holdings xây dựng tầng hầm và móng không phép đã bị xử lý vi phạm. Sau đó, dự án này vẫn được xây dựng tới tầng 3 và đã bị Sở Xây dựng tiếp tục xử phạt theo tình tiết tăng nặng, đồng thời đình chỉ thi công.
“Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến mọi người hạn chế ra đường. Lực lượng thanh tra xây dựng của Sở tại TP Thủ Dầu Một có người về hưu nên hạn chế về nhân sự. Trong vụ việc này, lãnh đạo Sở Xây dựng đã xác định trách nhiệm của Thanh tra Sở trong việc để xảy ra tình trạng tái phạm của Công ty C-Holdings khi xây dựng không phép tại dự án C-River View”, ông Anh nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho rằng, trong Quy chế 05 về phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn có trách nhiệm của địa phương và Thanh tra Sở, phải phối hợp xem xét chủ đầu tư có chấp hành hay không. Đây là vấn đề nan giải trong thời gian vừa qua.
“Chúng tôi nhận định đây là thiếu sót của Thanh tra Sở Xây dựng. Đánh giá cuối năm, chúng tôi sẽ đánh giá Thanh tra Sở chưa hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao. Ngoài ra, công tác cán bộ có hạn chế. Tuy nhiên, đối với tình hình dịch bệnh như vậy, phải xử lý vụ việc như thế nào vừa để đảm bảo kỷ cương (đơn vị cũng đã ngưng xây dựng), vừa cố gắng để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đất đai, xây dựng, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế trên địa bàn. Đây cũng là nhiệm vụ mà ngành xây dựng cần quan tâm, vừa có tình vừa có lý, đảm bảo tối đa quyền lợi của các bên”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói thêm.
Đối với dự án Đông Bình Dương, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh nói rằng, dự án đã được xử lý vi phạm về việc huy động vốn trái phép. Công ty đã chấp hành nộp phạt, kể cả treo dự án 1 năm do phân phối sản phẩm khi chưa đủ điều kiện. Còn đối với việc xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện, công ty đã dừng xây dựng và nộp phạt, đang tiếp tục hoàn tất thủ tục pháp lý.
Về việc tại sao không tháo dỡ, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, trong quyết định xử lý vi phạm có nêu trong vòng 60 ngày phải hoàn tất thủ tục pháp lý theo Nghị định 139 (Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2017 quy định mức về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng). Tuy nhiên, Sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi Nghị định này, bởi trong vòng 60 ngày, doanh nghiệp khó hoàn tất xong thủ tục pháp lý, nên phải xem xét để cho công ty hoàn tất thủ tục về đất đai, thủ tục.
“Về vấn đề này, tỉnh Bình Dương cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, vướng mắc của doanh nghiệp cũng phải thấu hiểu”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Trước đó, như Reatimes đã phản ánh trong bài viết Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương liệu có bị “đô la” che mắt?, khoảng 3 năm qua, hiếm có địa phương nào ghi nhận số lượng dự án sai phạm xây dựng nhiều như Bình Dương. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi vấn về năng lực cũng như sự liêm chính của Sở Xây dựng tỉnh này.
Điển hình cho việc “nhờn luật” ở tỉnh Bình Dương phải kể đến Công ty Cổ phần C-Holdings, doanh nghiệp của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) với 2 dự án đầu tay trên địa bàn đều xây dựng trái phép.
Tại dự án C-Sky View, ngày 25/10/2019, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định xử phạt số 108/QĐ-XPVPHC, vì tổ chức thi công khi chưa được cấp Giấy phép xây dựng. Điều lạ là công trình đã thi công gần 800 cọc khoan nhồi mới bị Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện. Và đặc biệt hơn, dự án cũng được hợp thức hóa sai phạm chỉ sau… 3 ngày, bằng Giấy phép xây dựng số 4300/GPXD, ngày 28/10/2019, do chính Giám đốc Sở Xây dựng Võ Hoàng Ngân ký tên.
Được biết, dự án C-Sky View trước đó được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương “ưu ái” cho phép bán nhà hình thành trong tương lai dù chưa thi công xong phần móng. Cụ thể, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã ban hành Văn bản số 5139/SXD-QLN, ngày 23/12/2019, thông báo Chung cư Chánh Nghĩa Quốc Cường đủ điều kiện được huy động vốn theo hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại công trường, đến tháng 4/2020, chung cư này vẫn chưa thi công xong phần đài, giằng móng.
Tiếp nối C-Sky View, doanh nghiệp của Cường đô la tiếp tục triển khai xây dựng trái phép dự án thứ 2 là C-River View (phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ngày 9/2/2021, Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương ra Quyết định xử phạt số 20/QĐ-XPVPHC, xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần C-Holdings.
Theo Quyết định xử phạt, chủ đầu tư dự án C-River View đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Ngoài việc bị xử phạt 40 triệu đồng theo quy định tại Điểm C, Khoản 5, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, ngày 27/11/2017 của Chính phủ, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty Cổ phần C-Holdings phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, Công ty Cổ phần C-Holdings không xuất trình được thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.
Mặc dù vậy, hết thời hạn 60 ngày, công trình này không những không bị cưỡng chế mà còn thi công lên đến tầng 3. Thanh tra Sở Xây dựng cũng vừa ban hành Quyết định số 02/QĐ-XPVPHC, ngày 10/1/2022, xử phạt Công ty C-holdings số tiền 50 triệu đồng. Yêu cầu doanh nghiệp này phải thực hiện Quyết định xử phạt hành chính số 20/QĐ-XPVPHC. Thời hạn khắc phục hậu quả là 60 ngày.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương từng dính bê bối vụ án hối lộ tiền tỷ Như tin báo chí đã đưa, vào tháng 6/2007, Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương vòi hối lộ hơn 1,6 tỷ đồng. Theo đó, Công an tỉnh Bình Dương đã hoàn tất kết luận điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Sở Xây dựng tỉnh, đề nghị truy tố Đoàn Bích Thủy (nguyên chánh thanh tra sở) về tội nhận hối lộ. Theo kết luận điều tra, từ tháng 12/2003 đến 4/2004, Dương Văn Hiền (phó phòng hành chính Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) phải chi gần 1,2 tỷ đồng cho Đoàn Bích Thủy để hoàn công các công trình xây dựng của công ty. Cũng trong khoảng thời gian này, Đoàn Bích Thủy và êkip còn “làm luật” để nhận trên 450 triệu đồng của Công ty New Decor Wood Industries, Công ty TNHH Japan New Funiture, Công ty Showa Gloves và Công ty Kinh Đô. Trong vụ án nhận hối lộ của Đoàn Bích Thủy, cơ quan điều tra đã không đề nghị truy tố người đưa hối lộ vì cho rằng một số cán bộ Sở Xây dựng Bình Dương cố tình gây khó dễ, bắt buộc những người nộp hồ sơ hoàn công phải “cống nạp”. Đây được xem là giai đoạn hai của vụ tiêu cực lớn xảy ra tại Sở Xây dựng Bình Dương. Trước đó, ngày 30/12/2004, Công an Bình Dương bắt quả tang Nguyễn Thành Nhơn, cán bộ Sở Xây dựng, đang nhận hối lộ 14 triệu đồng. Nguyễn Thành Nhơn bị xử phạt 14 năm tù. Riêng Võ Hoàng Ngân (ông Ngân hiện đang là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương) và Lê Hữu Nhơn (ông Nhơn hiện đang là Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương) đã thoát tội do Cơ quan điều tra cho rằng: “Không đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội”. |
Theo Huy Hoàng/Reatimes