Biến khu công nghiệp thành khu dân cư: Hệ lụy khôn lường!

22/10/2019 19:13

Trong khi Long An tích cực xin chuyển một phần khu công nghiệp thành khu dân cư thì tỉnh Đồng Nai lại đau đầu tìm cách Khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi khu dân cư.

Việc xén đất khu công nghiệp để phân lô bán nền đi ngược với chủ trương di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và để lại hệ quả nặng nề.

Chuyển đổi hàng trăm hecta

Theo tài liệu của chúng tôi, hiện tại ở tỉnh Long An đã có 5 khu công nghiệp được giảm diện tích để phân lô bán nền. Cụ thể, Khu công nghiệp Đức Hòa I-Hạnh Phúc ở xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa từ 274,23ha xuống còn 257,61ha, giảm 16,26ha. Khu công nghiệp Đức Hòa III-Anh Hồng tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa từ 55,24ha xuống còn 44,87ha, giảm 10,37ha.

                                   
Long An đang ồ ạt xin chuyển khu công nghiệp thành khu dân cư.

Thứ ba là Khu công nghiệp Đức Hòa III-Hồng Đạt ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa từ 99,4ha xuống còn 29,4ha, giảm 70ha. Khu công nghiệp Đức Hòa III-Việt Hóa tại xã Đức Lập hạ, huyện Đức Hòa từ 83,21ha xuống còn 44,48ha, giảm 38,74ha. Cuối cùng là Khu công nghiệp Cầu Tràm ở xã Long Trạch, huyện Cần Đước từ 77,82ha xuống còn 64,91ha, giảm 16,73ha.

Theo UBND tỉnh Long An, 3 khu công nghiệp là Đức Hòa I-Hạnh Phúc, Đức Hòa III-Anh Hồng và Đức Hòa III-Việt Hóa đều chưa có quyết định chủ trương đầu tư giảm diện tích khu công nghiệp của UBND tỉnh, chưa lập quy hoạch 1/500,.

Cả 3 khu công nghiệp này cũng chưa lập làm thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy tại vị trí giảm diện tích khu công nghiệp. Đồng thời, 3 khu công nghiệp này đã thực hiện xong việc san lấp mặt bằng nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Riêng Khu công nghiệp Đức Hòa III-Hồng Đạt đã có quyết định chủ trương đầu tư số 4936/QĐ-UBND của tỉnh Long An, huyện Đức Hòa cũng duyệt quy hoạch 1/500 tại quyết định số 2395/QĐ-UBND. Khu công nghiệp đã xong thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy tại vị trí giảm diện tích khu công nghiệp.

Điều đáng nói, chủ đầu tư Khu công nghiệp Đức Hòa III-Hồng Đạt là Công ty Cổ phần Hồng Đạt-Long An đã chuyển nhượng 2.500 lô đất cho các khách hàng theo hình thức ký hợp đồng nguyên tắc. Hiện tại đã có 65 hộ dân đã xây dựng nhà ở tại đây. Sở Xây dựng tỉnh Long An đã xử phạt Công ty Cổ phần Hồng Đạt-Long An về hành vi xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư không có giấy phép.

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Cầu Tràm là Công ty Trung Thành đã ký hợp đồng số 01/HĐĐQ2019 với Công ty Cổ phần Bất động sản BNC làm đại lý độc quyền để bán dự án. Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt Công ty Trung Thành về hành vi xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư không có giấy phép.

Đối với Khu công nghiệp Đức Hòa III-Việt Hóa, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Trang trí Nội thất Chung Phú đã bán 249 lô đất nền, còn lại 30 hồ sơ nộp tại Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa.

Khu công nghiệp Đức Hòa III-Việt Hóa tự ý cắt 38,74ha không thuộc phần diện tích của Thủ tướng Chính phủ đồng ý giảm tại công văn số 1748/TTg-CN ngày 7/12/2018. Phần đất này là đất hành chính, dịch vụ trong Khu công nghiệp Đức Hòa III-Việt Hóa được duyệt theo quy hoạch 1/500 vào ngày 17/8/2009. Công ty TNHH MTV Xây dựng và Trang trí Nội thất Chung Phú đã đổi tên phần đất này là Khu dân cư Vista Land để bán đất nền ra cho người dân.

                   
Sau khi mua lại các khu công nghiệp là nợ xấu của Sacombank, Him Lam đang tích cực xin chuyển một phần khu công nghiệp thành khu dân cư.

Chưa hết, Công ty Cổ phần Him Lam đang làm các thủ tục đề nghị giảm đến hơn 446ha đất khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III. Diện tích xin chuyển này cao hơn 5 lần tổng diện tích 4 khu công nghiệp vừa được cho chuyển đổi tháng 12/2018.

Trong đó, khu công nghiệp Đức Hòa III-Song Tân (diện tích hơn 391ha) xin giảm hơn 56ha, Đức Hòa III-Slico (195ha) xin giảm hơn 38ha, Đức Hòa III-Minh Ngân (141ha) xin giảm hơn 55ha và Đức Hòa III-Resco diện tích hơn 295ha thì xin bỏ hẳn đất công nghiệp chuyển sang đất ở.

Ngày 26/3, UBND tỉnh Long An đã có thông báo kết luận đồng thuận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Được tại cuộc họp về việc giảm diện tích mà Công ty Cổ phần Him Lam đề nghị. Các cơ quan của tỉnh Long An đang hoàn thiện dự thảo tờ trình để trình Thủ tướng xem xét.

Hệ lụy lâu dài

Ông Mai Văn Nhiều, Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Người phát ngon UBND tỉnh Long An cho biết, UBND tỉnh đã lường trước được sự bát nháo khi giảm diện tích khu công nghiệp để làm nhà ở.

“Đây là hệ quả tình hình sôi động của phân lô bán nền, diễn biến thị trường có đôi lúc quá tầm kiểm soát của UBND tỉnh. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo ngay từ đầu và có văn bản gửi các sở ngành và UBND các quận huyện nắm tình hình. Long An đã có 2 cuộc thanh tra toàn diện và sẽ xử lý cụ thể”, ông Nhiều nói.

Ông Nguyễn Văn Triều, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, việc xin chuyển đổi từ đất khu công nghiệp sang khu dân cư căn cứ theo nghị định 82. Ngoài ra, việc xin chuyển đổi này mục đích chính vẫn là phục vụ cho nhu cầu nhà ở công nhân, người lao động nghèo, chuyên gia đang rất cấp thiết tại các khu công nghiệp.

ThS Nguyễn Ngọc Phương, Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho rằng, việc nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp tại Long An chuyển một phần đất sang làm khu dân cư đang đi ngược xu hướng chung là di dời nhà máy ra xa khu dân cư.

Tách bạch với nơi sản xuất nhằm tạo ra môi trường sống an lành cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Quá trình này nhằm khắc phục tình trạng phát triển tự phát do lịch sử để lại nhưng phải trả giá rất đắt, không chỉ là tiền mà là đảo lộn đời sống của hàng vạn người dân.

Việc cho chuyển đổi đất công nghiệp thành khu dân cư ở Long An chính là đi lại vết xe đổ của nhiều tỉnh thành khác. Tới đây, khi môi trường sống bị đe dọa, giữa doanh nghiệp và cư dân lại xảy ra mâu thuẫn, khi đó lại phải di dời hoặc cuộc sống lại bị đảo lộn hay nhà máy lại phải ra đi…

Ông Phương dẫn chứng, 10 năm trước UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi khu dân cư để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Thế nhưng hiện nay, tỉnh Đồng Nai vẫn loay hoay với việc di dời vì doanh nghiệp không đồng thuận, mức bồi thường quá cao.

Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, hơn 10 năm trước Đồng Nai có đề án di dời khu công nghiệp Biên Hòa I. Đề án này mang lại lợi ích to lớn, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và chỉnh trang, phát triển thành phố Biên Hòa nhưng tỉnh thực hiện đề án quá chậm.

                                         
Trong khi Long An tích cực xin chuyển một phần khu công nghiệp thành khu dân cư thì tỉnh Đồng Nai lại đau đầu tìm cách Khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi khu dân cư.

Hiện nay, di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn thêm. Bởi hơn 1 triệu người dân Biên Hòa và hàng triệu dân các tỉnh Đồng Nam bộ phụ thuộc vào nước sông Đồng Nai nhưng do các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa I xả thải ra sông, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

“Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, cuối năm 2022 Đồng Nai sẽ đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I. Trước ngày 31/12/2022, tất cả doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động tại đây”, ông Cường khẳng định.

Để đẩy nhanh di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai sẽ chấm dứt cho thuê và thu hồi đất của những doanh nghiệp đã hết hạn thuê đất. Với doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất, tỉnh đưa vào danh sách thực hiện bồi thường để họ sớm chuyển đi.

UBND tỉnh Đồng Nai giao Tổng Công ty phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) thực hiện. Đề án chậm triển khai là do một số doanh nghiệp không đồng tình, vướng mắc về chính sách hỗ trợ di dời và phương án sử dụng đất sau di dời. Tại Khu công nghiệp Biên Hòa I hiện có khoảng 80 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất đến năm 2051.

Theo Tổng Công ty Sonadezi, tổng mức đầu tư đề án di dời và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I là hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 2.400 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 7.500 tỷ đồng, gần 1.300 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Đề án được chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2018-2020.

Liệu rằng, việc Long An đang ồ ạt đồng ý việc chuyển một phần khu công nghiệp thành khu dân cư, để người dân sống chung với nhà máy rồi sau này lại phải loay hoay như tỉnh Đồng Nai?

Duy Quang

Theo Cung Cầu

https://cungcau.vn/bien-khu-cong-nghiep-thanh-khu-dan-cu-he-luy-khon-luong-d186976.html

Bạn đang đọc bài viết "Biến khu công nghiệp thành khu dân cư: Hệ lụy khôn lường!" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.