Trước đó, kể từ phiên giao dịch ngày 2/6, lần đầu tiên, các công ty chứng khoán đã tạm dừng tính năng sửa/hủy lệnh của khách hàng khi giao dịch trên sàn HoSE để giảm tải cho hệ thống. Điều này khiến mỗi quyết định đặt lệnh của nhà đầu tư sẽ thành "mũi tên bắn đi", không thể thu hồi.
Nhà đầu tư bức xúc vì bị "bịt mắt" đặt lệnh
Thực tế, trong phiên giao dịch sáng 7/6, trong khi chỉ số VN30-Index đã cho thấy trạng thái giảm điểm khá mạnh thì chỉ số VN-Index lại… "bật xanh". Rõ ràng sự hiển thị này hoàn toàn sai lệch so với thực tế, khiến nhà đầu tư khó hình dung được mức thiệt hại của thị trường chung. Chưa kể, bảng giá điện tử của các công ty chứng khoán cũng bị "đơ" liên tục, không hiện đúng giá đang giao dịch, lệnh vào bị treo, chậm, nhà đầu tư cũng khó hủy sửa lệnh.
Việc không đặt được lệnh mua bán đúng giá dự kiến sẽ làm gia tăng các quyết định sai lầm khi nhà đầu tư sốt ruột.
Với tâm lý lo sợ thị trường sẽ rơi tự do, nhiều nhà đầu tư buộc phải "nhắm mắt" đặt lệnh bán MP (lệnh thị trường, ưu tiên khớp ngay lập tức). Nhiều người ví von đây là tình trạng "dẫm đạp lên nhau trong bóng đêm" để tìm… lối thoát. Chính vì vậy, cuối phiên giao dịch, một nhà đầu tư đã đăng đàn trên nhiều diễn đàn chứng khoán, đề nghị các nhà đầu tư đoàn kết lại để kiến nghị UBCK Nhà nước hủy ngay việc không cho hủy/sửa lệnh.
Cụ thể, nhà đầu tư với nickname Thảo Dược Trường Xuân, đặt vấn đề: Mỗi ngày, nhà đầu tư phải nộp các khoản thuế phí đến hàng trăm tỷ đồng, tại sao quyền lợi của chúng ta không được đảm bảo? Tại sao việc không cho hủy lệnh/sửa lệnh không được đưa ra xin ý kiến nhà đầu tư một cách công khai?
Mỗi ngày tổng 3 sàn giao dịch khoảng 30 ngàn tỷ đồng. Giả sử thuế phí các loại từ các nhà đầu tư phải nộp là 0,5% thì các sàn, công ty chứng khoán… sẽ thu về khoản tiền bằng 0,5 x 30 ngàn tỷ = 150 tỷ đồng/ngày. Một tháng trừ 4 ngày thứ 7 và 4 ngày chủ nhật, còn lại bình quân 21 ngày thì họ thu về 3.150 tỷ đồng. Một năm 12 tháng thì chúng ta phải nộp là 37.800 tỷ đồng.
"37.800 tỷ đồng phải nộp trong 1 năm nhưng chúng ta có được tôn trọng không? Quyền lợi của chúng ta có được đảm bảo không?", nhà đầu tư Thảo Dược Trường Xuân đặt vấn đề.
Cũng theo nhà đầu tư này, từ việc không cho sửa và hủy lệnh này nhiều người bán buộc phải dùng lệnh MTL (lệnh thị trường giới hạn) hoặc đặt lệnh chủ động bán giá thấp. Như vậy vô tình gia tăng áp lực bán tháo và gây hoảng loạn lên thị trường, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư.
"Từ những điều vô lý, không minh bạch, coi thường nhà đầu tư như trên, tôi khẩn thiết đề nghị nhà đầu tư chúng ta đồng lòng cùng đứng lên đòi lại quyền lợi cho mình. Yêu cầu UBCK Nhà nước không được cấm hủy/sửa lệnh; đồng thời yêu cầu UBCK khẩn trương khắc phục sự cố nghẽn mạng của sàn HoSE", nhà đầu tư này kết luận.
Ý kiến của nhà đầu tư Thảo Dược Trường Xuân ngay sau đó nhận phản hồi đồng tình của rất nhiều nhà đầu tư khác.
Chuyên gia nói gì?
Liên quan đến ý kiến về việc "cấm" nhà đầu tư không cho hủy/sửa lệnh, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, khi nhà đầu tư đưa ra một lệnh, nhưng lệnh đó không được thi hành thì họ có quyền rút lệnh đó lại, đưa ra một lệnh mới hoặc có quyền sửa đổi lệnh đó. Tại vì trường hợp nghẽn mạch của HoSE là trường hợp bất khả kháng, nó không phải là do ý muốn của nhà đầu tư, do đó nhà đầu tư có quyền rút lại lệnh đã đặt, hoặc sửa lệnh.
"Nếu HoSE nghẽn mạch thì UBCK Nhà nước phải ra chỉ thị cho nhà đầu tư có thể rút lại lệnh hoặc sửa lệnh. Không thể vì tình trạng đơ của hệ thống mà bắt nhà đầu tư giữ lại lệnh/không được sửa lại lệnh đó. Vì lúc nhà đầu tư đặt lệnh, cho đến lúc lệnh được thực hiện thì giá cả đã thay đổi rất nhiều, nhất là trường hợp bị nghẽn mạch thì việc ảnh hưởng lên giá cả rất mạnh mẽ", ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, trên nguyên tắc với lệnh không được thực hiện thì nhà đầu tư không mất tiền, tuy nhiên UBCK Nhà nước phải đảm bảo điều đó xảy ra.
Trong khi đó ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, lại cho rằng, nhìn chung không ai thích, không ai muốn cũng không ai đồng ý với việc không cho hủy/sửa lệnh. Bởi vì không phải lúc nào nhà đầu tư đặt lệnh đúng với cái giá mong muốn, nhiều khi nhìn bảng điện như vậy nhưng khi đặt lệnh xong thì giá cũng biến động, dẫn đến nhà đầu tư đặt giá không khớp, mà vì giá không khớp khiến nhà đầu tư có nhu cầu hủy/sửa lệnh đó.
"Một yếu tố quan trọng phải nhắc đến hiện nay là do hệ thống bị chậm. Kết quả trả về và kết quả hiển thị trên bảng điện cũng bị chậm, dẫn đến những gì nhà đầu tư thấy cũng không chính xác. Đặc biệt, trong phiên sáng 7/6 thì vấn đề này càng hiển thị rõ. Ví dụ như nhà đầu tư nhìn thấy giá đang khớp nhưng thực ra giá đã nhảy ra một con số khác rồi, thành ra việc nhà đầu tư có nhu cầu sửa lệnh. Hủy lệnh là có thật và điều này là chính đáng", ông Phương nói.
Tuy nhiên, theo Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, hiện nay HoSE đã thông báo việc hủy/sửa lệnh làm ảnh hưởng lớn đến kết quả chung, và việc hạn chế hủy/sửa lệnh sẽ làm tốt hơn cho hệ thống, làm cho hệ thống không bị sập… thì có lẽ nhà đầu tư nên vì cái chung trước. Sở đã thông báo như thế thì đành phải chấp nhận thôi.
"Tình hình chung là như vậy nên phải chịu. Theo HoSE thông báo thì từ đầu tháng 7 sẽ chạy hệ thống mới của FPT, hy vọng sẽ tốt hơn. Từ nay đến lúc đó cũng chỉ còn có gần 1 tháng thôi, tất cả cùng ráng thôi chứ sao giờ", ông Phương chia sẻ.
Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế sửa lệnh để tránh quá tải cho HoSE Sau khi HoSE chủ động "ngắt phích điện" ngừng phiên giao dịch chiều 1/6, mở phiên giao dịch sáng 2/6, Công ty Chứng khoán SSI đã gửi thông báo đến khách hàng. Trong thông báo viết: "Hiện nay, trong những thời điểm khi giá trị giao dịch trên thị trường tăng mạnh, đặc biệt là trên sàn HoSE, tính ổn định của hệ thống giao dịch và tính chính xác của thông tin lệnh có khả năng bị ảnh hưởng. Vì vậy, SSI khuyến nghị quý khách hạn chế thực hiện sửa/hủy lệnh sàn HoSE trong những giai đoạn cao điểm để chủ động theo dõi được đầy đủ và chính xác thông tin tình trạng lệnh". |