Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA tiếp tục bị phạt vì hàng loạt sai phạm

21/07/2023 11:49

Từng bị Thanh tra Bộ Y tế phạt vì loạt sai phạm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA (1015 Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5, TP HCM) vừa tiếp tục bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt 56 triệu đồng.

Thanh tra Sở Y tế TP HCM vừa ban hành Quyết định xử phạt số 207 ngày 5/7 đối với Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA) vì quảng cáo “chui”.

Nhiều sai phạm

Theo đó, Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA vi phạm quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định; ghi tên các khoa, phòng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA 56 triệu đồng, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.

Đây không phải lần đầu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA bị phạt. Trước đó, Thanh tra Bộ Y tế cũng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh viện này 79 triệu đồng. Những hành vi vi phạm gồm: Quảng cáo dịch vụ đặc biệt (khám bệnh, chữa bệnh) không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định tại Khoản 1, Điều 49, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo.

Với hành vi này, bệnh viện bị phạt 45 triệu đồng. Đồng thời, Thanh tra Bộ Y tế buộc phải dừng ngay việc quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế còn xử phạt Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA 30 triệu đồng về hành vi: Quảng cáo có sử dụng từ ngữ “duy nhất” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 34 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bệnh viện phải rà soát, gỡ bỏ toàn bộ quảng cáo sử dụng từ ngữ “duy nhất” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA còn bị phạt 4 triệu đồng về hành vi: Ghi tên các khoa, phòng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 39, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Với hành vi này, ngoài phạt tiền, Thanh tra Bộ Y tế buộc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA phải phải ghi đúng tên các khoa, phòng trong cơ sở khám, chữa bệnh theo hồ sơ giấy phép hoạt động.

Quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Y tế cũng nêu rõ: Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên là 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà không chấp hành, bệnh viện sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Loạt hành vi vi phạm của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA khiến nhiều người dân bức xúc, lên án việc quảng cáo trái phép nhằm trục lợi, thu hút khách hàng.

“Quảng cáo trái phép là hành vi kinh doanh gian dối, chộp giật, làm xấu hình ảnh của nghề y, đồng thời, tự loại mình trên thương trường chăm sóc sức khỏe con người”, chị Nguyễn Thu Huyền (40 tuổi, TP HCM) nêu quan điểm.

Dư luận cũng đặt câu hỏi việc bệnh viện này mắc nhiều sai phạm và vẫn tái phạm phải chăng là sự thách thức đối với cơ quan chức năng, coi thường sức khỏe, tính mạng con người?

benh-vien-da-khoa-quoc-te-dna-8594-1696481188.jpg

Bệnh viện đa khoa quốc tế DNA

Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế

Theo các chuyên gia, dù có Luật Quảng cáo và nhiều văn bản điều chỉnh lĩnh vực này nhưng ý thức tuân thủ của nhiều cá nhân, đơn vị còn hạn chế, dẫn đến tình trạng lộn xộn, thậm chí vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức kinh doanh. Việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và ý thức tuân thủ pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân.

Y tế là lĩnh vực liên quan sức khỏe, có sự tác động vào cơ thể để chữa lành bệnh. Vì vậy, hoạt động quảng cáo, tiếp thị phải có giới hạn và chừng mực. Người dùng sản phẩm y tế rất dễ bị tổn hại đến sức khỏe nếu chất lượng dịch vụ không được như quảng cáo.

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết, khoản 12, Điều 2, Luật Quảng Cáo 2012 quy định: Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người và môi trường như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, trang thiết bị y tế...

Theo luật sư Tùng, mục đích đặt ra là kiểm soát chặt chẽ hơn với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, bảo vệ an toàn cho sức khỏe con người và môi trường, thì việc quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ này phải thực hiện nghiêm ngặt hơn so với hàng hóa thông thường.

Xác nhận nội dung quảng cáo là một trong những nội dung quy định nghĩa vụ của chủ thể với những ngành nghề đặc thù. Do vậy, việc quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, ngoài việc tuân thủ các điều kiện trên, còn phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định tại điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

“Có thể thấy rằng, các hàng hóa, dịch vụ trên đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người. Vì vậy, phải quản lý chặt chẽ trên mọi mặt, dù là trong sản xuất, kinh doanh hay quảng cáo trong cộng đồng”, luật sư Tùng nhấn mạnh.

Theo Ngọc Tuấn/TTCS
Bạn đang đọc bài viết "Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA tiếp tục bị phạt vì hàng loạt sai phạm" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.