Tập 20 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Phó giáo sư - TS - BS Nguyễn Thị Thu Ba, Trưởng phòng khám Hô hấp - Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM. Chương trình tuần này sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức để bảo vệ con trẻ, tránh các bệnh về hô hấp khi thời tiết giao mùa.
Bệnh hô hấp là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, trên thực tế có khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời do gặp các vấn đề về hô hấp. Trẻ em dưới 5 tuổi có thể mắc các bệnh về đường hô hấp từ 4 đến 6 lần mỗi năm, từ đó khiến trẻ bị suy nhược sức khỏe, còi cọc, chậm phát triển và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, vào thời điểm thời tiết giao mùa sẽ là lúc trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp nhất. Trong tình huống tuần này, người con gái trong nhà bị sốt, ho nhiều ngày liên tục, trong khi người cha cho rằng con còn nhỏ nên không cần uống thuốc sẽ tự khỏi. Người mẹ lại cho rằng nên đưa con đến bác sĩ khám bệnh, nếu để lâu có thể bị viêm phổi rất nguy hiểm, lúc này người ông xuất hiện và đề nghị cho cháu nội uống kháng sinh chữa bệnh. Cuộc tranh cãi xảy ra khi cả ba người không thể thống nhất ý kiến và quyết định nhờ đến chuyên gia tư vấn.
Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ba cho biết: “Bệnh lý hô hấp là bệnh lý gây ảnh hưởng đến các cơ quan liên quan đến hô hấp như mũi, phế quản, khí quản, phổi, màng phổi. Bệnh hô hấp có thể xảy ra bất cứ thời gian nào, tuy nhiên, khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là từ mùa thu sang đông, mùa nóng bắt đầu chuyển lạnh dễ dẫn đến ảnh hưởng đường hô hấp hơn”.
Nguyên nhân trẻ dưới 5 tuổi dễ bị bệnh hô hấp khi thời tiết vào mùa: Hệ hô hấp chưa phát triển toàn diện, hệ miễn dịch trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, khả năng thích ứng với thời tiết kém, hoặc một số trường hợp khác như trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, trẻ có bệnh mãn tính, thiếu sữa mẹ hoặc do trẻ sinh mổ.
Dấu hiệu nhận biết các bệnh lý hô hấp như: Bệnh cúm: sốt, ho, khò khè; Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thì ngoài ho, sốt, trẻ còn bị chảy mũi, đờm và khò khè; Viêm xoang sẽ xuất hiện biểu hiệu đau ở các xoang (mắt, hàm, trán, hai bên má), chảy mũi và ho; Khi bị Viêm thanh khí phế quản, trẻ sẽ khàn tiếng, khó thở và bị đau khi nói chuyện; Viêm tiểu phế quản: khó thở, có tiếng rít trong cổ họng; Viêm phổi: sốt, ho, đờm đổi màu; Và bệnh bạch hầu: sốt, ho, chảy mũi, có mảng trắng xám bám ở niêm mạc miệng và lưỡi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ba còn lưu ý với các bặc phụ huynh không nên tự ý cho con uống kháng sinh: “Không thể dùng kháng sinh để chữa các bệnh như cảm lạnh được, mặt trái của việc dùng kháng sinh rất nhiều. Khi trẻ bị cảm lạnh hoặc ho do bị virus mà lạm dụng cho trẻ dùng kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh, ảnh hưởng đến dạ dày làm trẻ nôn ói, tiêu chảy, sút cân, suy dinh dưỡng và suy giảm sức đề kháng”.
Theo chuyên gia, trẻ em là một cơ thể nhạy cảm nên cần theo dõi sát các triệu chứng, không nên để cho các triệu chứng tự khỏi được và nên đưa trẻ đến bác sĩ khi có triệu chứng bệnh.
“Bệnh hô hấp ở trẻ nếu không được theo dõi và điều trị đúng mức có thể dẫn đến biến chứng như: Tình trạng trẻ mệt mỏi kéo dài, suy dinh dưỡng; nguy cơ nhiễm trùng nặng, suy hô hấp, thậm chí gây tử vong; Trường hợp sốt cao nếu không hạ sốt kịp thời có thể dẫn đến động kinh”, bác sĩ nhấn mạnh.
Đồng thời, khi điều trị bệnh hô hấp cho trẻ cần lưu ý: “Khi trẻ có dấu hiệu khò khè, khó thở, đờm đổi màu cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay; Tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý đổi thuốc, ngưng thuốc; Đảm bảo đủ dinh dưỡng và bổ sung trái cây như cam, chanh,…; Giữ ấm cơ thể và cho trẻ uống nước ấm; Vệ sinh cơ thể sạch sẽ (da, răng và hầu họng), súc miệng với nước muối; Dùng thuốc nhỏ mũi đúng liều lượng, tránh lạm dụng thuốc”.
Đón xem chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày phát sóng lúc 16h thứ 2 hàng tuần trên kênh THVL1, được đồng hành bởi hệ thống nhà thuốc Trung Sơn - Trung Sơn Pharma. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.