Công ty Saigon Glory đã thông tin về các nội dung liên quan tới việc bàn giao tài sản đảm bảo để xử lý nghĩa vụ thanh toán các lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này không thể mua lại khi đáo hạn.
Cụ thể, để bàn giao, xử lý tài sản đảm bảo theo quy định, ông vũ Quang Bảo, Chủ tịch HĐTV Saigon Glory đã triệu tập họp hội đồng thành viên vào ngày 23/11. Tuy nhiên, cả hai thành viên còn lại là ông Trịnh Quang Công (đại diện 40% quyền biểu quyết) và ông Nguyễn Anh Đức (đại diện 30% quyền biểu quyết) đều không tham dự. Dẫn đến Saigon Glory chưa thể ban hành nghị quyết về việc bàn giao tài sản đảm bảo.
Ông Trịnh Quang Công là lãnh đạo trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Với việc hàng loạt các nhân sự của tập đoàn này bị khởi tố, tạm giam để điều tra, khả năng Saigon Glory tổ chức thành công cuộc họp hội đồng thành viên đang bị bỏ ngỏ.
Ngoài lý do trên, Saigon Glory còn nêu ra nhiều vấn đề khác yêu cầu ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo giải thích, phản hồi trước khi thực hiện các bước tiến hành bàn giao tài sản.
Trong đó, công ty cho rằng việc bàn giao con dấu, bản gốc giấy chứng nhận đăng ký doah nghiệp, điều lệ công ty, sổ đăng ký thành viên, danh sách hội đồng thành viên sẽ làm đóng băng mọi hoạt động của công ty.
Lý do là ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo không tham gia vào hoạt động quản lý xây dựng và điều hành tại dự án của Saigon Glory sau khi bàn giao tài sản đảm bảo mà chỉ thực hiện các công việc liên quan tới quá trình bán đấu giá tài sản.
Sau phản hồi của Saigon Glory, ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo đã có văn bản cập nhật tiến trình bàn giao tài sản đảm bảo được gửi tới đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Theo đó, ngân hàng đã hai lần ban hành thông báo yêu cầu bàn giao tài sản đảm bảo (ngày 8/9 và 25/10) nhưng không nhận được phản hồi của Saigon Glory. Đến lần thứ 3, sau khi ra thông báo ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo vẫn chưa thể nhận bàn giao cả phần vốn góp và phần bất động sản.
Theo ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo, dù Saigon Glory luôn khẳng định sẵn sàng và thiện chí bàn giao tài sản nhưng sau hơn 2 tháng được yêu cầu bàn giao, công ty không thể hiện thiện chí hợp tác làm việc, liên tục kéo dài thời gian bàn giao bằng nhiều lý do, gây cản trở việc xử lý tài sản và tăng thêm thiệt hại cho trái chủ.
Hiện tại, các nhà đầu tư trái phiếu Saigon Glory đang lo lắng, không thể nhận được gốc và lãi trái phiếu. Các trái chủ đã tập hợp thông tin, tài liệu và có đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng nhằm truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo Saigon Glory.
Saigon Glory được thành lập bởi Tập đoàn Bitexco, là chủ đầu tư của dự án Khu văn phòng, thương mại, dịch vụ, căn hộ, khách sạn, có vị trí "vàng" khi nằm tại đối diện chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM. Dự án bao gồm 6 tầng hầm, 8 tầng khối đế làm trung tâm thương mại và bán lẻ, 2 tòa tháp có chức năng văn phòng, khách sạn và căn hộ.
Giữa năm 2020, Saigon Glory đã phát hành 10 lô trái phiếu có mã thứ tự từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10, với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng để phát triển dự án và thanh toán các khoản nợ. Các lô trái phiếu trên có kỳ hạn 3 hoặc 5 năm.
Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này của Saigon Glory bao gồm: “Toàn bộ phần vốn góp của Tập đoàn Bitexco tại Saigon Glory” và “Tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại dự án thành phần The Spirit of Saigon bao gồm các tài sản thuộc Tháp A” với tổng giá trị là hơn 18.550 tỷ đồng.
Tuy nhiên do dự án đang bị đình trệ sau khi hoàn thiện khối đế và một vài tầng của 2 tòa tháp, giá trị của dự án và phần tháp A được định giá thấp đáng kể so với trước đây.
Ngoài ra, Saigon Glory đang có các khoản phải thu gần 20.000 tỷ đồng với các pháp nhân được công ty định giá đánh giá là khó có khả năng thu hồi toàn bộ. Do đó, giá trị phần vốn góp được định giá là âm hơn 1.000 tỷ đồng so với 7.000 tỷ đồng khi phát hành trái phiếu.