BCG Energy chưa có tiền trả nợ lãi lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng
CTCP BCG Energy công bố thông tin bất thường về tình hình chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tuần từ 15/6 đến 21/6/2023 đối với lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng mã EBCCH2124003.
Theo đó tổng số tiền lãi chậm thanh toán đến 21/6/2023 là hơn 104 tỷ đồng. BCG Energy cho biết công ty đang lên phương án thanh toán, đàm phán với nhà đầu tư về thời hạn thanh toán mới.
Tình trạng tài chính khó khăn, không trả được lãi trái phiếu diễn ra gần đây khi trước đó đầu tháng 6/2023 BCG Energy cũng đã công bố thông tin về việc chậm trả lãi lô trái phiếu này.
BCG Energy còn nợ 2.500 tỷ đồng trái phiếu
Thông tin cho thấy BCG Energy hiện đang nợ trái phiếu 2.500 tỷ đồng – là 2 lô trái phiếu phát hành trong năm 2021. Cả 2 lô trái phiếu này đều sẽ đáo hạn trong tháng 4 và tháng 5/2024. Tương ứng trong vòng 1 năm tới BCG Energy sẽ phải lo tài chính cho 2 lô trái phiếu này chưa kể hàng trăm tỷ đồng tiền lãi mỗi kỳ.
Lô trái phiếu EBCCH2124002 trị giá 1.000 tỷ đồng và lô trái phiếu EBCCH2124003 trị giá 1.500 tỷ đồng là các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 10%/năm.
Cả 2 lô trái phiếu trị giá 2.500 tỷ đồng này phát hành nhằm huy động vốn cho dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long – Cà Mau giai đoạn 1 do CTCP Điện gió BCG Khai Long 1 làm chủ đầu tư.
Tài sản đảm bảo cho cả 2 lô trái phiếu này gồm 6.488.948 cổ phần của các cổ đông CTCP Điện gió BCG Khai Long 1, toàn bộ quyền lợi phát sinh, nguồn thu, máy móc thiết bị liên quan đến dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long – Cà Mau giai đoạn 1. Cùng với đó còn có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 2 lô đất, tại ấp Khai Long, và ấp Rạch Thọ thuộc sở hữu của Điện gió BCG Khai Long 1.
CTCP Điện gió BCG Khai Long 1 có vốn điều lệ 330 tỷ đồng tương ứng 33 triệu cổ phần. Công ty do ông Phạm Minh Tuấn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Cập nhật mới nhất, toàn bộ 33 triệu cổ phần Khai Long 1 đã được làm tài sản đảm bảo cho 2 lô trái phiếu kể trên sau khi công ty tăng vốn điều lệ.
Tình hình kinh doanh của BCG Energy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 đạt hơn 295 tỷ đồng, giảm 8,8% so với năm 2021.
Tuy có lãi trăm tỷ, nhưng so với quy mô vốn chủ sở hữu gần 7.200 tỷ đồng thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn còn rất nhỏ, chỉ 4,12%, giảm đáng kể so với tỷ lệ 7,70% năm 2021.
Tổng nợ phải trả đến hết năm 2022 là 13.600 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó có 2.500 tỷ đồng nợ trái phiếu.
Long đong số phận dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long – Cà Mau giai đoạn I
Dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long – Cà Mau giai đoạn I được xây dựng với diện tích 2.185 ha, gồm mặt nước biển và thềm lục địa. Quy mô 50 turbine, tổng công suất 100 MV, tổng vốn đầu tư trước thuế đã thẩm tra 5.519 tỷ đồng.
Năm 2016 Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý của đại gia đất Cà Mau Tô Hoài Dân và con trai Tô Công Lý. Tháng 11/2017 doanh nghiệp liên doanh thành lập để quản lý dự án với tên gọi CTCP Super Wind Energy Công Lý 1, trong đó nhóm cha con ông Tô Hoài Dân sở hữu 49% vốn điều lệ, số còn lại là đại gia năng lượng Thái Lan Super Energy Corp.
Cuối năm 2019 ông Tô Công Lý bị khởi tố tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến tháng 3/2020 cả ông Tô Hoài Dân cũng bị khởi tố cùng tội danh, được tại ngoại điều tra, liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền tại dự án Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau.
Sau khi cha con ông Tô Hoài Dân bị khởi tố, năm 2020 Cục thuế tỉnh Cà Mau cùng các sở ban ngành đã có cuộc họp làm rõ năng lực tài chính cũng như khả năng đầu tư dự án của Công ty Công Lý.
Cái tên Super Wind Energy Công Lý 1 từng xuất hiện trong giao dịch thế chấp quyền lợi phát sinh từ thực hiện dự án này tại Ngân hàng TMCP Nam Á. Đến tháng 2/2021 Super Wind Energy Công Lý 1 đổi chủ, đổi tên thành CTCP Điện gió BCG Khai Long 1 cũng từ đó, tên của bên thế chấp đối với dự án trên được đổi sang thành CTCP Điện gió BCG Khai Long 1.
(Ngoài dự án nhà máy điện gió Khai Long - Cà Mau kể trên, Công ty Công lý còn là chủ đầu tư nhiều công trình lớn khác như nhà máy điện gió Bạc Liêu; nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau; dự án nhà máy điện gió Khai Long giai đoạn 1 (Cà Ma); dự án nhà máy điện gió Công Lý Sóc Trăng… Trong số đó, dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu rất nổi tiếng).
Tháng 4 và tháng 5/2021 cũng là thời điểm BCG Energy phát hành lần lượt 2 lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng nói trên đề đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long – Cà Mau giai đoạn I do CTCP BCG Energy Khai Long 1 làm chủ đầu tư.
Số phận long đong của dự án vẫn chưa dứt. Về tay BCG Khai Long 1 chưa lâu dự án dính rắc rối với khu vực biển thuộc dự án, kiểm tra thực địa biển để giao cột mốc ranh giới…
Đến nay, theo thông tin về việc đàm phán giá điện cho nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp, dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long – Cà Mau giai đoạn 1 vẫn chưa đặt hồ sơ lên bàn đàm phán, chưa thực hiện được bất cứ tiến trình nào trong quá trình đàm phán giá điện.
Chủ đầu tư cũ dính kiện cáo, về tay chủ mới BCG Energy cũng chưa hết long đong. Sau 7 năm đầu tư, hồ sơ dự án vẫn chưa lên bàn đàm phán giá điện. Liệu dự án sẽ đi về đâu?
Công ty mẹ Bamboo Capital cũng đang nợ trái phiếu 7.300 tỷ đồng
BCG Energy - đơn vị phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu đầu tư vào Điện gió BCG Khai Long 1 - được biết đến là công ty con, do CTCP Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) sở hữu 82,18% vốn điều lệ.
Ở mảng năng lượng tái tạo, phần lớn các dự án của Bamboo Capital thực hiện được quản lý bởi BCG Energy – công ty con hoạt động trong mảng năng lượng. Những dự án năng lượng tái tạo do hệ sinh thái Bamboo Capital đầu tư còn có thể kể đến như nhà máy điện mặt trời BCG Long An 1; Phù Mỹ; BCG Vĩnh Long; nhà máy điện mặt trời Krong Pa 2, điện gió Cà Mau 1,2,3… Trong đó cũng nhiều dự án chưa hoàn tất thủ tục trên bàn đàm phán giá như Krong Pa 2.
Ở mảng bất động sản BCG Land, CTCP BCG Khu công nghiệp Cát Trinh, CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng đang hoạt động ở các mảng khác nhau trong ngành. Malibu Hội An là một trong những dự án đình đám gtrong hệ sinh thái Bamboo Capital với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Dự án King Crwon Infinity có quy mô đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng hiện cũng đang thi công…
Bên cạnh đó BCG Capital còn hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm…
Bamboo Capital dưới thời doanh nhân Nguyễn Hồ Nam kinh doanh ra sao
Công ty mẹ Bamboo Capital thành lập năm 2011, khởi điểm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng và huy động vốn, cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và dự án. Hiện tại Bamboo Capital định hướng trở thành Tập đoàn năng lượng tái tạo bên cạnh mảng bất động sản và dịch vụ tài chính.
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HDQT Bamboo Capital, sinh năm 1978, là thạc sỹ Tài chính Ngân hàng của Đại học Monash – Úc. Ông đã từng kinh qua nhiều vị trí, trong đó từng làm Kế toán trưởng của Tập đoàn Unilever Việt Nam, trưởng bộ phận dự án tài chính Tập đoàn Unilever – Úc.
Rời Unilever, ông Nguyễn Hồ Nam về làm tại Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, và được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT từ tháng 1/2010 đến tháng 5/2012. Ông Nguyễn Hồ Nam về làm tại Bamboo Capital từ năm 2013 với cương vị Chủ tịch HĐQT.
Trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Hồ Nam cũng là một trong những tỷ phú có tên tuổi. Thống kê cho thấy ông Nguyễn Hồ Nam đang sở hữu nhóm cổ phiếu BCG, TCD và VHD với tổng giá trị tạm tính theo thị giá xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Dưới thời doanh nhân Nguyễn Hồ Nam, Bamboo Capital cũng có nhiều năm liên tiếp không có sự tăng trưởng cao. Lợi nhuận đạt được từ 2015 đến 2018 đều tính bằng chục tỷ, thậm chí năm 2018 lãi sau thuế 11 tỷ đồng trên quy mô doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng.
Doanh thu các năm 2019, 2020 cũng không có sự tăng trưởng đột biến dù lợi nhuận đã vượt trăm tỷ.
Năm 2021 chứng kiến cảnh Bamboo Capital đạt kỷ lục với 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy vậy nguồn lợi nhuận có được nhờ khoản doanh thu tài chính hơn 2.300 tỷ đồng. Năm 2022 doanh thu Bamboo Capital đạt mức kỷ lục 4.531 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2021. Tuy vậy chi phí vốn và chi phí tài chính tăng mạnh nên lợi nhuận gộp đạt 1.320 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ.
Nói về chi phí tài chính, riêng năm 2022 Bamboo Capital chi hơn 1.400 tỷ đồng trả lãi vay và lãi trái phiếu, tăng hơn 400 tỷ đồng so với năm 2021. Gánh nặng lãi vay đã bào mòn lợi nhuận của Bamboo Capital.
Tính đến 31/12/2022 dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.035 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 11.688 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 7.300 tỷ đồng là nợ trái phiếu. Các lô trái phiếu của công ty, cá biệt có những lô trái phiếu tổng giá trị còn lại khoảng 2.000 tỷ đồng, có lãi suất đến 14%/năm, có những lô lãi suất 13%/năm.