Làm đường trên đất lúa, dùng hình ảnh hoa hậu để “treo đầu dê bán thịt chó”
Điển hình cho câu chuyện này tại TP.HCM có thể kể đến dự án ma Sen Vàng Town. Khu đất được quảng cáo dự án ma Sen Vàng Town là thửa đất số 682, tờ bản đồ số 20, thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh do ông Đỗ Đan Duy đứng tên trên sổ đỏ. Theo thông tin trên báo chí, khu đất đã được ông Đỗ Đan Duy ủy quyền cho Công ty Sen Vàng Holdings là đơn vị phát triển.
Khu đất đã được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy phép thi công hạ tầng số 377/GPXD-UBND, ngày 19/3/2021. Hiện nay, khu đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, kết nối và đã được UBND huyện Bình Chánh nghiệm thu hạ tầng đưa vào sử dụng.
Theo bà Phạm Kim Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Sen Vàng Holdings, việc xin phép đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ để xây dựng khu nhà ở trên khu đất phù hợp quy hoạch và đã được chính quyền phê duyệt là một chủ trương đúng đắn, việc làm cần khuyến khích, nhằm tạo ra quỹ đất, nhà ở đảm bảo điều kiện pháp lý về xây dựng, tạo ra bộ mặt phát triển đô thị khang trang, cũng là mục đích đẩy lùi vấn nạn phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp đang rất phổ biến trên địa bàn thành phố hiện nay.
Tuy nhiên, theo quy hoạch sử dụng đất hiện tại, vị trí con đường đã thi công phần lớn không thuộc quy hoạch đất giao thông. Mặt khác, một phần đất trồng lúa và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp cũng được sử dụng để làm đường giao thông. Theo các chuyên gia, việc chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp này là không đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Như Reatimes đã thông tin trong bài Hoa hậu và bẫy “treo đầu dê bán thịt chó” ở dự án ma Sen Vàng Town, dự án ma Sen Vàng Town được quảng cáo do Sen Vàng Holdings làm chủ đầu tư.
Ngoài việc lấy hình ảnh hoa hậu Hà Kiều Anh để chiêu dụ khách hàng, dự án ma Sen Vàng Town còn tung ra những hình ảnh quảng cáo rất bắt mắt nhưng hoàn toàn sai lệch hiện trạng.
Theo quảng cáo, Sen Vàng Town có mặt tiền rất rộng ở đường Quách Điêu, tuy nhiên dữ liệu địa chính cho thấy khu đất quảng cáo dự án Sen Vàng Town thuộc thửa đất số 682, tờ bản đồ số 20, thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Khu đất này hiện trạng có mặt tiền khá hẹp, phía trước bị chiếm mặt tiền bởi các thửa đất số 143, 144 và 145, tờ bản đồ số 20, thuộc xã Vĩnh Lộc A.
Với hiện trạng như vậy, vị trí căn nhà A1 của dự án ma Sen Vàng Town hoàn toàn không có mặt tiền đường Quách Điêu, như quảng cáo mà chỉ có mặt tiền hẻm. Để tăng giá trị cho dự án ma Sen Vàng Holdings đã xóa sạch các căn nhà mặt tiền phía trước khu đất.
Ngoài ra, vị trí cổng như quảng cáo tọa lạc ngay chính giữa con đường chủ đất tự làm, nhưng thực tế vị trí này đang là thửa đất 145 của chủ sử dụng khác. Hình ảnh quảng cáo đã “dịch chuyển” vị trí cổng thực tế đã xây dựng. Những khách hàng chỉ xem quảng cáo mà không đến hiện trạng khu đất sẽ dễ bị đánh lừa bởi sự đánh tráo này.
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là một phần thửa đất 145 hiện là đất trống và được sử dụng để đặt pano quảng cáo dự án ma Sen Vàng Holdings và một phần làm đường. Tuy nhiên, do thửa đất này của người chủ khác, nên họ hoàn toàn có thể sử dụng vào mục đích của họ nếu có mâu thuẫn quyền lợi. Trường hợp xấu có thể xảy ra là họ làm hàng rào chắn thửa đất lại thì khu đất phía trong của dự án ma Sen Vàng Holdings sẽ mất phần lớn mặt tiền.
Bộ Tài nguyên và Môi trường liệu có “sờ gáy” chuyện hiến đất làm đường ở Lâm Đồng?
Ngày 11/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại TP Bảo Lộc, TP Đà Lạt, huyện Lâm Hà và huyện Bảo Lâm. Đây là việc thanh tra không định kỳ sau khi cơ quan này tiếp nhận những phản ánh tiêu cực từ dư luận về hoạt động phân lô bán nền.
Đến nay, dù đã sắp hết năm nhưng Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa công bố kết luận thanh tra. Liên quan đến những nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia cho rằng, cần làm rõ các vấn đề: Mục đích xin hiến đất làm đường lúc đầu và thực tế triển khai có đúng không? Các con đường hình thành do hiến đất làm đường có đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương hay không? Từ thời điểm năm 2018 đến nay các địa phương có bao nhiêu lần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất? Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại các khu đất tách thửa có đúng quy trình không?
Nếu không làm rõ những vấn đề trên thì việc thanh tra rất khó đi đến cùng của “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, thừa nhận tại kỳ họp HĐND tỉnh, ngày 8/12.
Để minh bạch thông tin về việc chấp hành pháp luật liên quan đến câu chuyện phân lô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Reatimes đã nhiều lần gửi công văn đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu. Tuy nhiên, nhưng các cơ quan này không có phản hồi, đi ngược lại chỉ đạo minh bạch với báo chí của UBND tỉnh.
Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án Mê Linh Garden Hill (huyện Lâm Hà), The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc), nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện vẫn là thông tin được dư luận chờ đợi. Đây cũng là cơ sở để cơ quan điều tra đưa ra ánh sáng những cá nhân đã trục lợi trong làn sóng phân lô băm nát đồi chè thời gian qua.
Theo Kim Dung - Anh Huy/Reatimes