Nhiều “bánh vẽ” được tung ra
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại TP.HCM xuất hiện một số dự án chưa có pháp lý nhưng chủ đầu tư vẫn quây tôn và chào bán cho khách hàng. Tại địa chỉ số 601 đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức, nhiều nhân viên môi giới đứng phát tờ rơi chào bán Dự án Phúc Yên Prosper Phố Đông, được quảng cáo do Công ty TNHH một thành viên Phúc Yên làm chủ đầu tư và Công ty Khải Hưng Corp làm đơn vị bán hàng.
Một nhân viên môi giới cho biết, Phúc Yên Prosper Phố Đông có quy mô 560 căn hộ, 96 căn officetel, 18 shophouse, giá bán dự kiến là 38 triệu đồng/m2 và để giữ chỗ mua, khách hàng phải đặt cọc trước 50 triệu đồng. Khi được hỏi về pháp lý của Dự án, anh này cho biết, khi Dự án mở bán chính thức thì mới có thể cho khách xem những giấy tờ này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND quận Thủ Đức, Dự án chưa hề có giấy tờ pháp lý và từ năm 2017 tới nay, TP.HCM không hề cấp phép sản phẩm officetel.
Gần đây, Dự án West Gate (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) do Tập đoàn Bất động sản An Gia phát triển được rao bán rầm rộ với giá khoảng 1,8 tỷ đồng/căn, dù chưa triển khai gì. Dự án được quảng cáo có quy mô 3,1 ha, gồm 3 block chung cư với 5 tòa tháp, dự kiến cung ứng hơn 2.000 căn hộ có diện tích từ 50 đến 112 m2.
Để thu hút người mua, hàng loạt “bánh vẽ” được tung ra như dự án được thiết kế như resort tại gia, hồ bơi người lớn tiêu chuẩn Olympic, là dự án đầu tiên tại Tây Sài Gòn và trong phân khúc triển khai hệ thống lọc nước theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT được Viện Pasteur chứng nhận. Trong khi đó, trên thực tế, West Gate chưa hề có giấy phép mở bán.
Đẩy thị trường vào cảnh rối loạn.
Việc doanh nghiệp chưa xong pháp lý, nhưng vì gánh nặng doanh thu và nguồn tiền nên phải làm liều mở bán dự án khiến thị trường bị rối loạn, doanh nghiệp càng lâm vào cảnh khó khăn hơn. Chuyện này từng xảy ra vào năm 2017 với Dự án Dream Home Riverside tại quận 8, TP.HCM, được quảng cáo gồm 6 block với hơn 2.000 căn hộ và 5 tầng thương mại, tọa lạc trong tổng thể khu dân cư hiện hữu ven sông rộng 51,5 ha, trên 2 mặt tiền đường lớn Nguyễn Văn Linh – Phạm Thế Hiển.
Cụ thể, dù chưa đủ điều kiện để huy động vốn, Dự án chưa xây xong móng, nhưng Công ty cổ phần Nhà Mơ đã ký hợp đồng nhận giữ chỗ với số tiền đặt cọc 50 triệu đồng/căn, sau đó ký hợp đồng đóng cọc thêm từ 10 đến 15% giá trị căn hộ. Tổng số tiền mà chủ đầu tư nhận cọc của khách khoảng 200-300 triệu đồng/căn. Sau nhiều năm, khách hàng vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán căn hộ vì chủ đầu tư chưa được cấp phép pháp lý và chưa xây dựng bất cứ hạng mục nào.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), nhiều doanh nghiệp đã dùng chiêu để lách luật bán dự án chưa đủ pháp lý. Họ chỉ tổ chức giới thiệu nhà mẫu, nhận đặt cọc giữ chỗ và đưa ra một số hồ sơ liên quan như quy hoạch 1/500, giấy xác nhận đang nộp hồ sơ lên UBND TP.HCM xin cấp phép pháp lý dự án…
“Khi mua nhà, nhiều khách hàng vẫn dựa nhiều vào cảm tính để quyết định. Trong các vụ khách hàng kiện doanh nghiệp bán nhà trên giấy mà chúng tôi hỗ trợ pháp lý, đa số người mua cho biết, họ không tìm hiểu dự án tại các cơ quan chức năng”, ông Tuấn cho biết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, khi bán dự án chưa đủ giấy tờ pháp lý, các doanh nghiệp bất động sản có thể có nguồn thu để tồn tại trước mắt, nhưng về dài hạn, họ đang đẩy thị trường lâm vào cảnh khó khăn, làm mất lòng tin của người dân vào chủ đầu tư và thị trường và dẫn tới tình trạng kiện cáo.
Cũng phải nhìn nhận rằng, việc doanh nghiệp làm liều bán sản phẩm khi Dự án chưa có pháp lý xuất phát từ khó khăn trong cấp phép dự án mới. Để thị trường không lâm vào cảnh loạn bán dự án, ngoài việc quản lý chặt chẽ việc bán dự án tại các quận, huyện, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp để thúc đẩy việc cấp phép dự án mới được nhanh hơn.
Chủ đầu tư bị “bán trộm” dự án
Mới đây, nhiều công ty môi giới hoạt động trên địa bàn TP.HCM đã chào bán Dự án Saigon Sports City tại quận 2. Theo một nhân viên môi giới của H.T Corp, Dự án sẽ mở bán chính thức vào tháng 3/2020, khách hàng phải đặt cọc 50 triệu đồng để giữ chỗ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Keppel Land Việt Nam, chủ đầu tư Saigon Sports City cho biết, Dự án được cấp phép 1/500 vào tháng 10/2019, nhưng doanh nghiệp chưa có bất kỳ hình thức xây dựng và mở bán nào. “Chúng tôi chưa ký kết với bất kỳ doanh nghiệp môi giới nào về việc bán sản phẩm tại Dự án. Chúng tôi sẽ kiểm tra và đưa ra cảnh báo với khách hàng về việc bị bán trộm dự án”, lãnh đạo Keppel Land cho biết.
Tập đoàn Hà Đô tại TP.HCM cũng vừa phát đi thông báo rằng, doanh nghiệp không bán dự án nào tại quận 8 mà nhiều công ty môi giới chào bán và nhận đặt cọc trong thời gian qua. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn tại TP.HCM cho biết, doanh nghiệp đang xin thủ tục pháp lý, đang xây dựng nhà mẫu và chưa ký kết với bất kỳ sàn môi giới nào về việc bán dự án này.
Gia Huy - Theo Đầu tư bất động sản