Nguồn cung giảm
Nhận định về bất động sản trong quý 2, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nói rằng, dịch COVID-19 sẽ tác động đến nguồn cầu từ nhóm khách mua để ở, mua để đầu tư và nhóm khách nước ngoài. Nhóm khách đầu tư cho thuê cũng chịu ảnh hưởng từ việc hạn chế chuyến bay và di chuyển giữa các tỉnh. Nhóm khách mua để ở sẽ khó sử dụng vốn vay ngân hàng do lãi suất biến động và ngân hàng có thể sẽ áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn trong việc chứng minh thu nhập và phương án trả nợ vay.
Bất động sản quý 2 trầm lắng. |
Theo bà Dung, nếu dịch COVID-19 được khống chế trong tháng 6, giá bán trung bình toàn sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phân khúc trung cấp và bình dân được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng 1-3% theo năm, do tính cạnh tranh cao từ số lượng lớn nguồn cung. Các dự án cao cấp dự kiến có mức tăng giá cao hơn, khoảng 5% theo năm. Lượng giao dịch dự kiến giảm 3% so với năm 2019 chủ yếu do giảm lượng giao dịch ở các dự án cao cấp và hạng sang do tác động của dịch.
Nếu dịch COVID-19 kéo dài đến tháng 9, lượng căn hộ chào bán giảm hơn 40% theo năm, còn khoảng 15.000 căn. Lượng căn hộ giảm dự kiến tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Giá bán sơ cấp giảm 5% theo năm do lượng hàng chào bán tập trung chủ yếu tại phân khúc trung cấp. Lượng giao dịch dự kiện đạt 13.575 căn trong năm 2020, giảm 55% so với năm 2019.
“Việc hạn chế tiếp xúc và giảm các sự kiện tập trung đông người đã tác động đến cách thức bán hàng của sản phẩm nhà ở. Các chủ đầu tư đã nhanh chóng có phương án bán hàng trực tuyến như sử dụng ứng dụng bán hàng, tài liệu bán hàng, phim thực tế nhà mẫu... Khi dịch COVID-19 bùng phát, người mua nhà chú trọng nhiều vào chất lượng quản lý dự án”, bà Dương nói.
Trong khi đó, Savills Việt Nam dự báo, bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong ngắn hạn. Tiến độ nhiều dự án sẽ kéo dài do trì trệ ở khâu giải phóng mặt bằng và xây dựng. Tuy nhiên, trong dài hạn, cùng với tốc độ tăng nhanh dân số và quy mô hộ gia đình ngày càng giảm, nhu cầu nhà ở vẫn trên đà tăng trưởng. Khách hàng đầu tư trong giai đoạn này sẽ nhiều cơ hội để mua bất động sản với giá hợp lý kèm theo các chương trình khuyến mãi của chủ đầu tư. Đến năm 2023, thị trường TPHCM sẽ đón hơn 19.000 sản phẩm mới, trong đó 50% là ở các quận phía Đông.
Còn DKRA Việt Nam cho rằng, trước tác động của dịch COVID-19 lên các hoạt động kinh tế và đời sống, sức cầu chung của thị trường tiếp tục suy giảm do áp lực tài chính và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý 1, dao động khoảng 2.000-2.500 căn. Loại hình căn hộ hạng A và hạng B vẫn dẫn dắt thị trường, trong khi căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm. Đất nền vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán. Đối với nhà phố và biệt thự, nguồn cung mới sẽ giảm trong quý 2, dao động ở mức 400-500 căn. Sức cầu chung trong ngắn hạn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, có thể sẽ duy trì xu hướng giảm ở quý 1.
“Trong quý 2 và có thể đến cả quý 3, thị trường bất động sản TPHCM sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung lẫn sức cầu”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nói.
Cần giải cứu
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù, chỉ áp dụng cho năm 2020. Theo ông Châu, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, để cùng nhau chèo lái vượt qua cơn bão đại dịch COVID-19. Nhưng, nếu tại thời điểm này vẫn phải áp dụng 100% các tiêu chuẩn hoạt động tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì rất khó cho cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản đang hụt nguồn cung. |
Do đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù như giảm lãi suất từ 30-50% tùy theo đối tượng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng. Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng vay mới và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với doanh nghiệp được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ. Xem xét giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020.
“Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép nới rộng thêm 5% đối với giới hạn cấp tín dụng, đối với một khách hàng không được vượt quá 20%. Đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chỉ áp dụng đặc thù trong năm 2020”, ông Châu nói.
HoREA cũng khuyến cáo, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện các đợt tái khởi động thị trường bất động sản, tái khởi động các dự án, các đợt khuyến mãi lớn, dự kiến có thể trong những tháng cuối năm 2020.
Theo ông Lê Hoàng Châu, trong quý 1/2020 thị trường nhà đất TPHCM rơi vào cảnh trầm lắng. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%, doanh thu sụt giảm 80%. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm khoảng 10%. Trong quý 1/2020, chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước. |