Trong khi thị trường bất động sản nhiều nơi vẫn im ắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì tại Đồng Nai, hoạt động mua bán vẫn diễn ra ổn định và có một làn sóng ngầm về tăng giá.
Hạ tầng liên tục được đầu tư là điểm cộng của thị trường bất động sản Đồng Nai
Giá âm thầm tăng
Sau thời gian dài im ắng, thị trường bất động sản Đồng Nai đã “ấm” trở lại. Tuy không sôi động và ồn ào như trước, nhưng hoạt động mua bán vẫn diễn ra ổn định, thậm chí còn xuất hiện làn sóng ngầm về tăng giá tại các khu vực như huyện Nhơn Trạch, Long Thành, TP. Biên Hòa…
Theo khảo sát mới đây của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dọc các con đường lớn ở xã Đại Phước, Phú Đông, Long Tân... (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), không còn cảnh môi giới bất động sản tập trung thành từng nhóm ở ven đường để phát tờ rơi và đón khách. Thay vào đó, các văn phòng công ty kinh doanh bất động sản nay đã mở cửa trở lại, lúc nào cũng có nhân viên tư vấn túc trực. Một văn phòng công chứng nằm trên đường DT769 luôn tấp nập người ra vào.
Anh An, một môi giới bất động sản tại đây cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình bất động sản ở huyện Nhơn Trạch có nhiều biến động. Giá đất làm nhà ở, dự án, thậm chí là đất nông nghiệp cũng tăng từ 20 - 30% so với thời điểm đầu năm 2019.
Cụ thể, giá đất mặt tiền đường lớn ở các xã như Phú Hữu, Đại Phước, Phú Thạnh… hiện đang giao dịch ở mức từ 35 - 50 triệu đồng/m2 đối với đất ở. Còn đối với các dự án khu dân cư đã có hạ tầng kỹ thuật hiện đang giữ mức từ 900 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/nền, tùy theo vị trí.
“Dù giá đất tăng cao, nhưng tình hình giao dịch, mua bán ở đây vẫn sôi động. Trong đó, người mua chủ yếu đến từ các khu vực lân cận như TP.HCM, TP. Biên Hòa, Bình Dương, thậm chí là từ các tỉnh, thành phố phía Bắc”, anh An nói.
Tiếp tục tìm hiểu tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, một lô đất có diện tích 150 m2 được bán với giá khoảng 750 - 900 triệu đồng (tương đương 5 - 6 triệu đồng/m2) vào khoảng đầu năm 2019, thì hiện tại đã tăng lên 10 - 12 triệu đồng/m2. Lý do được người bán ở đây đưa ra là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ mở rộng gấp đôi so với trước, hiện đang được thi công và sắp hoàn thiện, nên giá đất ở đây cũng tăng theo.
Tiếp tục di chuyển về hướng Quốc lộ 51, xã An Phước, Long Đức (TP. Biên Hòa), xã Lộc An, Long An (huyện Long Thành)..., bất động sản ở đây cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới.
Đặc biệt, tại khu vực xã Long Đức, một lô đất trong dự án có diện tích khoảng từ 100 - 120 m2 đang được giao bán với giá 1,3 - 1,6 tỷ đồng, tùy vị trí, tăng 20 - 30% so với thời điểm năm 2019.
Chị Loan, một môi giới tại đây cho biết, giá đất tại khu vực này tăng và giao dịch cũng sôi động hơn các chỗ khác là do gần dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hơn nữa, cũng gần “đại dự án” của Tập đoàn Đất Xanh vừa trúng đấu giá trong năm 2019.
“Dự án của Công ty Đất Xanh đang triển khai rất nhanh, mới trúng đấu giá năm ngoái, nhưng hiện tại đã đang san ủi và làm hạ tầng”, chị Loan nói và cho biết thêm, giá đất trong dự án này đang được chào bán ở mức thấp nhất là 25 - 26 triệu đồng/m2.
Cơ hội còn rất lớn
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, Đồng Nai vẫn được đánh giá là “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong thời gian tới. Điều này không chỉ đến từ lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, mà còn được cộng hưởng từ hàng loạt dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông sắp được triển khai và hoàn thành như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường Vành đai 3, đường liên vùng 4 và Hương lộ 2...
Chỉ cần một trong những công trình này được khởi công, thì thị trường nơi đây sẽ lập tức bùng nổ. Do đó, Đồng Nai trở thành trọng điểm thu hút đối với các nhà đầu tư bất động sản là điều dễ hiểu.
Thời gian qua, đầu tư nhà, đất tại Đồng Nai đem lại lợi nhuận khá cao vì có nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Các doanh nghiệp, tập đoàn được cấp phép dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đã đón cơ hội bằng cách đẩy tiến độ dự án để sớm có sản phẩm chào bán
- Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai cho biết, mặc dù tín dụng thắt chặt hơn với bất động sản, nhưng nơi đây vẫn là địa bàn sôi động nhất trong vùng. Bởi kinh tế Đồng Nai có mức tăng trưởng cao, hàng loạt dự án giao thông lớn đang được đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ. Đây sẽ là yếu tố giúp nhà đất trên địa bàn tỉnh tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư.
“Thời gian qua, đầu tư nhà, đất tại Đồng Nai đem lại lợi nhuận khá cao vì có nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Các doanh nghiệp, tập đoàn được cấp phép dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đã đón cơ hội bằng cách đẩy tiến độ dự án để sớm có sản phẩm chào bán. Các doanh nghiệp dự tính giá bán sản phẩm tương đương hoặc tăng so với thời điểm hiện nay”, ông Lâm chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thị trường bất động sản ở đây thêm phần sôi động khi có sự góp mặt của các dự án “khủng” như Khu đô thị Tam An, xã Tam An (huyện Long Thành) có diện tích hơn 750 ha với tổng vốn khoảng 280 triệu USD do Tập đoàn Amata (Thái Lan) làm chủ đầu tư; Khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân - Vĩnh Thanh, vốn thực hiện lên đến hàng trăm triệu USD do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư; Khu đô thị mới Bình Sơn rộng hơn 550 ha nằm trên địa bàn xã Bình Sơn, Lộc An (huyện Long Thành); Khu đô thị sinh thái Long Thành ở các phường Phước Tân, Tam Phước (TP. Biên Hòa) có diện tích khoảng 300 ha… Đặc biệt, một trong những lựa chọn hấp dẫn đối với nhà đầu tư trên thị trường bất động sản Đồng Nai chính là Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City nằm ở phía Nam TP. Biên Hòa của Novaland.
Còn tại khu vực huyện Nhơn Trạch, điều mà các nhà đầu tư mong mỏi nhất sự hình thành của cầu Cát Lái, nối phường Cát Lái (quận 2, TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Bởi khi cây cầu này được hình thành, việc di chuyển từ huyện Nhơn Trạch vào trung tâm TP.HCM còn gần hơn so với từ huyện Hóc Môn, quận 12 (TP.HCM) và trung tâm thành phố.
Sau nhiều năm nằm “trên giấy”, hiện dự án đã có những chuyển tích cực. Cụ thể, theo ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã giao cho Sở làm báo cáo dự án tiền khả thi, đồng thời kết hợp lựa chọn đơn vị tư vấn để đánh giá tác động giao thông của các dự án liên vùng như dự án Vành đai 3, dự án Bến Lức - Long Thành...
“Chúng tôi cố gắng làm xong việc này trong quý III/2020 để ngồi lại với TP.HCM chọn vị trí, đánh giá quy mô cây cầu Cát Lái ra sao", ông Thành nói và cho biết thêm, vấn đề giải phóng mặt bằng ở các dự án trọng điểm trên địa bàn cũng diễn ra thuận lợi. Việc còn lại là triển khai thực hiện các chính sách và xác định nguồn vốn để thực hiện dự án.