Hàng loạt dự án mới đã và sắp được mở bán đang tạo đà cho thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương sôi động trở lại sau thời gian trầm lắng.
Bất động sản TP. Dĩ An đang là nơi thu hút các dự án lớn của tỉnh Bình Dương
Điểm mặt dự án mới ra mắt thị trường
Tập đoàn Hưng Thịnh Corp vừa phát đi thông báo cho biết, đã hoàn tất các thủ tục cũng như nhà mẫu để sẵn sàng cho việc ra mắt dự án mới tại TP. Dĩ An tỉnh Bình Dương.
Dự án này có quy mô khu đất 95.224,5 m2, bao gồm 6 block cao 27 tầng và 1 tầng hầm thông giữa các block, mật độ xây dựng tầng khối đế là 46,46% và tầng khối tháp là 33,07%. Dự án có tổng số 3.080 căn hộ từ 1 - 3 phòng ngủ, 12 căn officetel và 53 căn thương mại.
Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cũng cho biết, đang hoàn tất việc xây dựng để bàn giao dự án Chung cư Phú Đông 2 với hơn 600 căn hộ vào tháng 6/2020 này.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang hoàn thiện nhà mẫu của dự án Phú Đông 3 tại TP. Dĩ An để cuối quý II có thể giới thiệu ra thị trường.
Ngoài các dự án trên, thị trường Bình Dương còn có một số dự án khác đang mở bán như dự án căn hộ Happy One quy mô 486 căn tại TP. Thủ Dầu Một, The East Gate có quy mô 712 căn, dự án Opal Boulevard có quy mô 1.446 căn đều tại TP. Dĩ An.
Ngoài ra, Công ty Unihomes đang phân phối dự án nhà phố An Phú Residence (đợt 1) tại TP. Thuận An với 100 sản phẩm, Công ty Tây Hồ bán dự án Compass One (đã cất nóc), hay khu căn hộ The Habitat giai đoạn hai với quy mô 460 căn hộ…
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các dự án mới tại tỉnh Bình Dương đa phần xuất hiện từ năm 2019 khi thị trường TP.HCM gặp khó trong việc ra dự án mới.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho rằng, điểm nhấn của Bình Dương đó là giáp TP.HCM và là điểm nối giữa TP.HCM với trục kinh tế TP.HCM - Tây Nguyên.
Thị trường này hiện đang có lượng cầu nhà ở rất lớn, bởi theo thống kê của UBND tỉnh Bình Dương trong đợt rà soát dân số năm 2019, tỉnh hiện có khoảng 2,4 triệu dân, đứng thứ sáu cả nước, trong đó có hơn 75% đang trong độ tuổi lao động. Chưa kể, hàng năm lượng lao động nhập cư về đây tăng từ 2 - 2,5%/năm. Trong những năm qua, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao, đạt 78%, chỉ sau TP.HCM, và tốc độ tăng trưởng dân số thành thị cao nhất nước, lên tới 12,49%.
Một lợi thế nữa mà ông Lâm cho rằng, đây sẽ là điểm nhấn giúp thị trường bất động sản Bình Dương sôi động trong năm 2020, đó là việc TP.HCM đang quyết tâm thành lập Thành phố khu Đông gồm 3 quận là Thủ Đức, quận 2, quận 9. Đây là 3 quận giáp với TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhưng quỹ đất của 3 quận này hiện khá hạn hẹp, trong khi TP. Dĩ An lại vừa được lên thành phố năm 2019 và có quỹ đất dành cho nhà ở rất lớn.
Phát triển nhưng thiếu đồng bộ
Theo giới phân thích thị trường, bất động sản Bình Dương phát triển mạnh trở lại từ năm 2018 tới nay, nhưng thiếu đồng bộ, tập trung chủ yếu ở khu vực giáp TP.HCM, các huyện còn lại của tỉnh thiếu dự án mới. Đặc biệt, Thành phố mới Bình Dương, nơi đặt trụ sở hành chính tập trung và được quy hoạch một thành phố hiện đại với đầy đủ các hạng mục như chung cư, nhà phố, biệt thự… thì lại bị bỏ hoang, đa số các dự án bất động sản xây dựng và bán từ năm 2009 tới nay không ai ở.
Theo ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Địa ốc Cát tường Group, hiện Bình Dương đang xuất hiện xu hướng đầu tư “nước chảy chỗ trũng”, đó là các dự án và người mua nhà chỉ tập trung ở một số khu vực có lợi thế nhất như Dĩ An, Thuận An. Đây là các địa phương giáp ranh với TP.HCM, có tuyến đường Phạm Văn Đồng và Quốc lộ 1A chạy qua, kết nối dễ dàng vào trung tâm TP.HCM và các tiện ích xã hội, khu vui chơi giải trí.
Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác của Bình Dương, quỹ đất hiện còn nhiều, cơ sở hạ tầng kết nối các vùng với nhau rất tốt và đặc biệt các khu công nghiệp phân bố rộng khắp các huyện, phù hợp cho loại hình bất động sản giá rẻ. Thế nhưng, những lợi thế này lại chưa được các nhà đầu tư nhắm tới, các doanh nghiệp chưa chủ động phát triển dự án.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc “ăn xổi” đã tìm đủ cách chèo kéo nhà đầu tư và khách hàng mua nhà tại những dự án có vấn đề về pháp lý, tạo ra những rủi ro khiếu kiện sau này.
“Đã có không ít người vì thiếu kinh nghiệm, hoặc chỉ đầu tư chạy theo tâm lý đám đông đã trở thành nạn nhân trong các cơn sốt đất. Mới đây, cơ quan công an tỉnh Bình Dương đã bắt giám đốc Công ty Bất động sản Bình Dương vì bán dự án ma”, ông Vũ nói.
Còn ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, sự trở lại của bất động sản Bình Dương lần này được xem là tín hiệu tốt cho thị trường, song sự trở lại này đang kèm theo làn sóng đầu tư căn hộ rầm rộ, khiến nguồn cung gia tăng mạnh, gây áp lực cạnh tranh lớn, nhất là khi thu nhập của đại đa số bộ phận người dân ở đây vẫn cách khá xa với giá nhà.
Một “điểm yếu” nữa của thị trường bất động sản Bình Dương là dù nhiều khu công nghiệp, nhà máy tạo nguồn cầu lớn về nhà ở, nhưng việc này lại khiến nhiều khách hàng, nhất là những người đang làm việc ở TP.HCM e ngại khi định cư tại đây vì sợ ô nhiễm.
“Chính vì vậy, theo tôi, khi phát triển dự án, các doanh nghiệp nên tính toán lại giá nhà cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Khi phát triển dự án, phải hướng tới đối tượng khách hàng là người mua nhà ở thực, có như vậy thị trường mới phát triển bền vững và đi vào chiều sâu trong bài toán giãn dân của TP.HCM đang đặt ra”, ông Phúc nói.