Công ty bất động sản An Gia có một năm 2019 không thật sự khấm khá khi doanh thu giảm 3 lần, lãi ròng giảm đi một nửa. Thế nhưng doanh nghiệp này vẫn tự tin doanh thu tăng gấp đôi trong năm nay, lãi công ty mẹ bồi thêm hàng trăm tỷ.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia sẽ tổ chức Đại hội cổ đông năm 2020 vào ngày mai, 24/6. Tại đây, công ty này sẽ thông qua báo cáo tài chính năm 2019 và định hướng kinh doanh trong năm 2020.
Doanh thu giảm 3 lần vì không bán được căn hộ
Trong năm qua, An Gia đã có một số thành tích đáng ghi nhận. Tổng giá trị tài sản tăng 36% lên mốc 5.399 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 326 tỷ đồng, tăng trưởng 12% và vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các chỉ số về khả năng sinh lời có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2018. Chỉ số biên lợi nhuận ròng tăng từ 50% năm 2018 lên 87% năm 2019. Ngay cả tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) cũng được duy trì ở mức cao so với các công ty cùng ngành, lần lượt đạt 31% và 8%.
Vốn chủ sở hữu của An Gia đến cuối năm 2019 đạt 1.294 tỷ đồng, tăng 495 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền này đến từ việc công ty đã phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 450 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt được trong năm 2019.
“Công ty đảm bảo duy trì ổn định các chỉ tiêu tài chính, hệ số thanh toán… nhằm duy trì hoạt động xuyên suốt, giữ vững cam kết với cổ đông và nhà đầu tư”, đại diện An Gia khẳng định.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của An Gia cũng chỉ rõ, năm 2019 không phải là một năm kinh doanh khấm khá của doanh nghiệp. Các chỉ số tài chính cơ bản tuy đạt kế hoạch đề ra nhưng đều tuột dốc nặng so với năm 2018.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm gần 3 lần, từ mốc 1.125 tỷ đồng của năm 2018 về mức 384 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm gần một nửa, chỉ còn 333 tỷ đồngDoanh thu và lợi nhuận của An Gia trong năm 2019 sụt giảm kỷ lục. Đồ hoạ: Tất Đạt
Ban lãnh đạo An Gia giải thích, doanh thu thuần của công ty giảm 66% do không ghi nhận doanh thu từ hoạt động bàn giao căn hộ trong năm. Thay vào đó, việc ra mắt thành công hai dự án là Signial (quận 7, TP.HCM) và The Sóng (Vũng Tàu) với tỷ lệ hấp thụ cao trong thời gian ngắn đã giúp An Gia có được nguồn doanh thu tư vấn, môi giới và tiếp thị từ liên doanh đạt 276 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước.
Nguồn tiền thu được từ hai dự án trên đã góp phần đảm bảo tính an toàn tài chính của An Gia trong giai đoạn này đồng thời giúp công ty tự tin vào việc tăng trưởng của mảng doanh thu từ phát triển bất động sản trong các năm tới.
Khoản nợ bằng 3/4 lãi ròng đến hạn trong năm nay
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, cả năm 2019, thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án. HoREA nhận định, hầu hết doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh.
Điều này thể hiện rõ qua cơ cấu doanh thu của An Gia trong năm 2019 so với năm 2018. Do không ghi nhận doanh thu từ bàn giao căn hộ nên mảng hoạt động tư vấn, môi giới và tiếp thị từ các hoạt động bán hàng cho dự án mở bán đóng góp chính vào kết quả kinh doanh, lên đến 72% tổng doanh thu công ty trong năm 2019. Trong khi đó, năm 2018, An Gia có đến 93% doanh thu đến từ bán căn hộ.
Chính vì thế mà tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản dở dang lên tới 2.582 tỷ đồng. Trong đó dự án River Panorama 1 và River Panorama 2 chiếm tới 64% tổng giá trị hàng tồn kho.
Năm 2019, An Gia thu chưa được 1/3 từ mảng bán căn hộ. Đồ hoạ: Tất Đạt
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng của An Gia chính là phần đội chi phí quản lý doanh nghiệp lên gấp đôi, từ 64 tỷ đồng trong năm 2018 lên gần 128 tỷ đồng. Trong đó chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí nhân viên chiếm hơn 94,5%.
Chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí nhân viên tăng tương ứng lên 3 lần và 2 lần so với năm 2018 chứng tỏ An Gia đã nỗ lực trong việc tiếp thị với khách hàng. Nhưng việc bán căn hộ eo hẹp trong năm lại phần nào khẳng định công tác trên không mấy thành công và khiến An Gia khá chật vật trong việc gồng gánh đội ngũ môi giới, bán hàng đồ sộ.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phải trả hơn 38 tỷ đồng chi phí lãi vay. Con số trên là hệ quả đến từ việc mang trên vai các khoản nợ để phát triển dự án. Trong đó lớn nhất là khoản vay gần 697 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). An Gia giải trình, khoản vay này là để tài trợ vốn thanh toán các chi phí phát triển cho cụm dự án khu dân cư phương Phú Thuận (quận 7, TP.HCM).
Tại khu vực này, An Gia đang có 5 dự án gồm khu căn hộ ven sông Riverside, căn hộ hạng trung Skyline, căn hộ resort River Panorama, căn hộ thượng lưu Sky89 và căn hộ lưu trú thông minh Signial.
Trong báo cáo thường niên, An Gia có chia sẻ doanh nghiệp không có áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, báo cáo tài chính lại nêu rõ khoản nợ gần 240 tỷ đồng từ VietinBank, gần bằng 3/4 lãi ròng, lại có thời hạn thanh toán rơi vào cuối tháng 6 năm nay.
Lãi 3 tháng đầu năm chưa được phần trăm nào
Với năm 2020, HĐQT An Gia xác định, COVID-19 có thể khiến môi trường kinh doanh của lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng tiêu cực. Doanh nghiệp này cho rằng, tính chất của đặc thù của tài sản bất động sản là giá trị lớn và kém thanh khoản sẽ khó hấp dẫn trong bối cảnh khủng hoảng. Các hoạt động mở bán, giới thiệu, tư vấn sản phẩm bị hủy hoặc chậm trễ.
Ngoài ra lĩnh vực bất động sản còn đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu, nhân công xây dựng. Đáng nói, vốn tín dụng có thể sẽ được ưu tiên phân bổ cho các lĩnh vực sản xuất hơn là các lĩnh vực bất động sản.
Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh trên, ban tổng giám đốc vẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 có nhiều triển vọng so với năm 2019. Cụ thể, An Gia đề ra số lượng sản phẩm tiêu thụ lên đến 1.500 sản phẩm. Doanh số bán hàng kỳ vọng đạt 3.000 tỷ đồng.
Những cứ điểm của An Gia tại TP.HCM. Đồ hoạ: An Gia
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gấp đôi so với năm ngoái, lên 2.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng gần 100 tỷ đồng lên mức kỳ vọng 410 tỷ đồng.
An Gia đặt kỳ vọng rất nhiều vào kế hoạch triển khai các dự án như Westgate (Bình Chánh), The Standard (Bình Dương). Công ty dự kiến tổng số lượng sản phẩm tiêu thụ được khoảng 1.800 căn, với doanh số ước đạt 5.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn tự tin, về dài hạn sẽ dùng khoảng 5.000 – 10.000 tỷ đồng để tạo quỹ đất, đảm bảo đầu vào phát triển bền vững trong 10 năm tới. Mỗi dự án sẽ có quy mô trung bình (dưới 1.000 tỷ đồng) phù hợp với phân khúc vừa túi tiền và trung cấp.
“Kinh nghiệm cho thấy trong bối cảnh thị trường suy thoái, các sản phẩm trong phân khúc này vẫn tiêu thụ được do nhắm vào nhu cầu thực nhà ở thực còn nhiều dư địa”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Tuy nhiên theo báo cáo tài chính quý I/2020 của An Gia, tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều thương tổn. Doanh thu thuần 3 tháng đầu năm chưa tới 43 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vỏn vẹn xê xích 735 triệu đồng.
Như vậy, từ đây đến cuối năm doanh nghiệp này cần hoàn thành hơn 98% chỉ tiêu về doanh thu và gần như toàn bộ chỉ tiêu về lãi ròng của công ty mẹ. Đây ắt hẳn không phải là một thách thức nhỏ đối với An Gia!
Theo Phụ Nữ Mới