Bảo hiểm Bảo Việt bị “tố” không thanh toán tiền bảo hiểm khiến doanh nghiệp chết yểu

05/12/2019 14:14

Mặc dù có hợp đồng mua bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt với trị giá lên đến hơn 20 tỷ đồng nhưng sau nhiều năm, phía khách hàng không được thanh toán dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, đứng trên bờ phá sản

Mặc dù có hợp đồng mua bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt với trị giá lên đến hơn 20 tỷ đồng nhưng sau nhiều năm, phía khách hàng không được thanh toán dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, đứng trên bờ phá sản.

Theo phản ánh của Công ty TNHH MTV Cường Hải Dương (Công ty Cường Hải Dương) có địa chỉ tại Số 278 tổ 9, Khu 8, Phường Cẩm Thủy, Thành phố Cảm Phả, tỉnh Quảng Ninh thì hiện tại phía Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đang không chịu thanh toán hơn 13 tỷ đồng trong hợp đồng mua bảo hiểm lên đến hơn 22 tỷ đồng. Do không được thanh toán tiền bảo hiểm nên hoạt động của Công ty Cường Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn trong suốt 2 năm qua và có thể đi đến chỗ phá sản.

Nội dung phản ánh cho thấy, Công ty Cường Hải Dương là chủ sở hữu của tàu Minh Dương 8888 có trọng tải là hơn 3.000 tấn. Phía Công ty Cường Hải Dương sau đó đã mua gói bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Việt cho toàn bộ thân vỏ tàu với trị giá 22 tỷ đồng, đồng thời, phía doanh nghiệp này cũng có hợp đồng cả ở phần hàng hóa cùng thuyền viên trên tàu.

Vào ngày 31 tháng 03 năm 2017 tại vùng biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa do gặp sự cố nên tàu Minh Dương 8888 đã bị đắm và chìm toàn bộ. Do được ứng cứu kịp thời nên đã không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ tàu và hàng hóa đã bị chìm tại vùng biển Cam Ranh.

Sự việc sau đó đã được Cục Hàng hải Việt Nam vào cuộc điều tra cùng với các ngành chức năng tại tỉnh Khánh Hòa và đơn vị liên quan. Theo kết luận thì chủ sở hữu tàu Minh Dương 8888 đủ điều kiện được thanh toán các khoản bảo hiểm như đã ký với Bảo hiểm Bảo Việt.

Hình ảnh tọa độ của tàu Minh Dương 8888 vào thời điểm gặp tai nạn

Đại diện Công ty Cường hải Dương cho biết: Do gặp sự cố ngoài ý muốn nên hoạt động đơn vị ngay lập tức gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt tham gia cùng các đoàn chức năng để xử lý các việc liên quan đến vụ chìm tàu, mặt khác phía đơn vị này cũng tiến hành các thủ tục để tất toán tiền bảo hiểm với Bảo hiểm Bảo Việt.

Trong lúc chưa nhận được khoản tiền bảo hiểm từ phía Bảo hiểm Bảo Việt, phía Công ty Cường Hải Dương đã phải đi vay tiền ở nhiều nơi để thanh toán cho các thuyền viên, nhân viên công ty cùng với các chi phí phát sinh khác.

Tiếp nhận hồ sơ về vụ chìm tàu Minh Dương 8888, phía Bảo hiểm Bảo Việt đã khẳng định phía Công ty Cường Hải Dương đủ điều kiện để được nhận bảo hiểm theo như hợp đồng đã ký với số tiền lên tới trên 20 tỷ đồng.

Theo phản ánh của Công ty Cường Hải Dương thì nguyên phần bảo hiểm thân vỏ và hàng hóa đã là 22 tỷ đồng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ tàu là 2 tỷ và với mỗi thuyền viên là 20 triệu đồng. Tổng cộng số tiền phía Bảo hiểm Bảo Việt phải thanh toán là trên 24 tỷ đồng.

Điều đáng nói là mặc dù hồ sơ về vụ tai nạn đã được tiếp nhận, phía chủ tàu Minh Dương 8888 đáp ứng được toàn bộ các điều kiện để được nhận bảo hiểm nhưng phía Bảo hiểm Bảo Việt không chịu giải quyết.

Vào thời điểm ông Đỗ Trường Minh đảm nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (hiện nay ông Đỗ Trường Minh là Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt), phía Công ty Cường Hải Dương đã nhiều lần có đơn yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm nhưng đều gặp phải sự thoái thác. Mặc dù, ông Đỗ Trường Minh đã từng khẳng định sẽ giải quyết triệt để việc này nhưng sau đó toàn bộ sự việc vẫn gặp bế tắc.

Phía Công ty Cường Hải Dương cho biết, sau khi nhiều lần khiếu nại, thậm chí là căng cả băng rôn kêu cứu trước cửa Công ty bảo hiểm Bảo Việt tại Hải Phòng thì phía Bảo hiểm Bảo Việt mới chịu thanh toán cho phía đơn vị này 11 tỷ trong số tiền hơn 24 tỷ phải thanh toán. Tuy nhiên, số tiền 11 tỷ này phía Công ty Cường Hải Dương cũng không được nhận mà phía Bảo hiểm Bảo Việt lại chuyển vào một ngân hàng để thanh toán số tiền Công ty Cường Hải Dương đã vay của ngân hàng này.

Vụ đắm tàu Minh Dương 8888 khiến Công ty Cường Hải Dương điêu đứng và đứng trên bờ vực phá sản vì không được thanh toán tiền bảo hiểm như đã ký với Bảo hiểm Bảo Việt

Mặc dù được thanh toán nhưng thực tế lại không được nhận tiền nhưng phía đại diện Công ty Cường Hải Dương khẳng định: Chúng tôi chấp thuận việc Bảo hiểm Bảo Việt chuyển thẳng tiền cho Ngân hàng vì dù sao nếu có được nhận tiền về thì chúng tôi cũng sẽ thanh toán cho họ mặc dù việc làm này của Bảo hiểm Bảo Việt là sai nguyên tắc. Tuy nhiên, số tiền còn lại cho đến nay phía Bảo hiểm Bảo Việt vẫn không chịu thanh toán cho chúng tôi.

Cho đến thời điểm đầu tháng 12/2019 nghĩa là sau hơn 2 năm vụ chìm tàu xảy ra, phía Công ty Cường Hải Dương vẫn chưa được Bảo hiểm Bảo Việt thanh toán nốt số tiền bảo hiểm còn lại. Trong khi chưa thanh toán tiền bảo hiểm xong thì phía Bảo hiểm Bảo Việt đã tiến hành thanh lý toàn bộ tài sản trên tàu Minh Dương 8888 là hơn 2.700 tấn thép cuộn.

Cũng theo tài liệu thu thập được cho thấy, ông Đỗ Trường Minh vào thời điểm thanh lý hơn 2.700 tấn thép trên tàu Minh Dương 8888 đã có những chỉ đạo cho phía các đơn vị trong Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt tiến hành rất nhanh, thậm chí còn không được đấu thầu công khai theo quy định của pháp luật.

Về việc này, phía Công ty Cường Hải Dương cho biết, tài sản trên tàu sau khi thanh lý hợp đồng bảo hiểm thì là của phía Bảo hiểm Bảo Việt nên chúng tôi không liên quan. Vấn đề ở đây là không hiểu lý do vì sao mà phía Bảo hiểm Bảo Việt không chịu thanh toán nốt số tiền còn lại cho chúng tôi…

Hải Hà - Theo Tầm Nhìn

https://tamnhin.net.vn/bao-hiem-bao-viet-bi-to-khong-thanh-toan-tien-bao-hiem-khien-doanh-nghiep-chet-yeu-81752.html

Bạn đang đọc bài viết "Bảo hiểm Bảo Việt bị “tố” không thanh toán tiền bảo hiểm khiến doanh nghiệp chết yểu" tại chuyên mục Thương hiệu mạnh. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.