Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Dự thảo nghị định này quy định một số điểm mới về mức phạt tiền trong kinh doanh bất động sản, vi phạm xây dựng biện pháp khắc phục hậu quả, xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép…
Dự thảo lần này đã đưa vào các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết….
Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: "mức phạt 800 triệu đồng như dự thảo nghị định do Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đưa ra là chưa đủ sức răn đe. Thậm chí, nếu phạt kịch khung trong luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỷ đồng thì cũng chưa đủ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là bất cập, là kẽ hở pháp luật để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua nhà".
Thời gian gần đây, báo chí liên tục phản ánh việc dù đang làm hạ tầng kỹ thuật, thậm chí chỉ là những khu đất trống nhưng tại các dự án bất động sản tại nhiều địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình… chủ đầu tư “bắt tay” với các sàn môi giới bất động sản rầm rộ quảng cáo rao bán, huy động vốn trái phép dưới nhiều hình thức.
Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều địa phương đã phải ra thông báo khuyến cáo cho người dân. Tuy nhiên tình trạng 'bán lúa non', huy động vốn thông qua hợp đồng đặt cọc, mua bán khi chưa đủ điều kiện với khách hàng vẫn diễn ra rầm rộ.
Hoàng Tư (T/h)/Tài Chính Doanh Nghiệp