Bamboo Capital: Khối nợ “phình to”, dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư âm nặng

04/06/2022 09:17

Tính đến 31/3/2022, Công ty CP Bamboo Capital (Hose: BCG) có khối nợ hơn 30.354 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với hồi đầu năm, cao gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư tiếp tục âm nặng.

222-1654308841.jpg

BCG đang nợ hơn 30.354 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.

Bamboo Capital là doanh nghiệp có hệ sinh thái tới hàng chục thành viên, hoạt động kinh doanh trên 7 lĩnh vực chính gồm: Năng lượng tái tạo, xây dựng - hạ tầng, bất động sản, sản xuất - thương mại, tài chính - bảo hiểm, dịch vụ quản lý và phân phối bất động sản và dược phẩm.

h11-1654308841.png

Hệ sinh thái của Bamboo Capital.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, Bamboo Capital có tổng nguồn vốn hơn 41.505 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với đầu năm và tăng hơn 12.000 tỷ so với cùng kì năm ngoái.

Tuy nhiên, cơ cấu vốn doanh nghiệp này lại được hình thành từ nợ phải trả là 30.354 tỷ đồng chiếm 73,13 %, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 11.150 tỷ đồng tương đương với 26,87 %.

Kết thúc 3 tháng đầu năm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Bamboo Capital là 2,72 lần. Bamboo Capital lệ thuộc lớn vào vay nợ (nợ phải trả chiếm trên 73% tổng nguồn vốn). Những con số cho thấy cơ cấu vốn của Bamboo Capital đang mất cân đối, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, khối nợ tăng mạnh, đang là một vấn đề của Bamboo Capital. Kết thúc quý 1/2022, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tại Bamboo Capital lên tới 12.963 tỷ đồng, tăng 2.079 tỷ đồng, tương đương 19%; vay và nợ thuê tài chính ngắn 2.235 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2022, tổng nợ vay tại Bamboo Capital đạt 15.198 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ phải trả, chiếm 36,6% tổng nguồn vốn và cao gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu. Có thể thấy, Bamboo Capital dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay.

Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Bamboo Capital là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Nếu như đầu năm 2022 dư nợ dài hạn tại VietinBank chỉ là 1.239 tỷ đồng thì tới thời điểm 31/3/2022 đã vọt lên 1.382 tỷ đồng; dư nợ vay ngắn hạn là 73 tỷ đồng.

Đứng sau VietinBank là Ngân hàng TMCP Tiên Phong với khoản vay khổng lồ 119 tỷ đồng vay ngắn hạn và vay dài hạn là 1.217 tỷ đồng. Đồng thời, Bamboo Capital cũng vay Ngân hàng TMCP Nam Á là 300 tỷ đồng vay ngắn hạn và 196 tỷ đồng dài hạn.

Nợ quá lớn nên Bamboo Capital phải dành rất nhiều ngân sách để trả lãi. Chi phí lãi vay quý 1/2022 tại Công ty này đạt 311,7 tỷ đồng tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, dòng tiền huy động từ trái phiếu tại Bamboo Capital cũng rất lớn mục đích tăng đòn bẩy tài chính. Năm 2021, Bamboo Capital ghi nhận giá trị trái phiếu tăng từ 2.724 tỷ đồng lên 8.793 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2022, Bamboo Capital lại có thêm đợt phát hành trị giá 500 tỷ đồng.

222-1654308841.jpg

Từng dính lùm xùm "giao đất không qua đấu giá", nhưng King Crown Infinity  đang là điểm sáng kinh doanh của BCG với giá bán 100 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Cụ thể, So với quý 4/2021 giảm hơn 300 tỷ, nhưng so với cùng kỳ năm 2021 tăng 323 tỷ tương đương 14,72 % đạt mức 2.524 tỷ đồng. Tồn kho tập trung tại các chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lên tới 2.289 tỷ đồng, đến từ nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm.

Đồng thời, tài sản dở dang dài hạn còn ở dự án bất động sản (BĐS) chưa hoàn thành như King Crown Infinity 1.293 tỷ đồng (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Ngoài ra còn đến từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang khác. Đứng đầu là dự án Điện Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) với 1.511 tỷ đồng, dự án Nhà máy điện mặt trời Kroong Pa 2 (Gia Lai) với 298 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/03/2022, thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước ở mức cao. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất, lên tới 341.987 tỷ đồng; nếu như phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác ở quý 4/2021 ở vị trí thứ 2 (16,4 tỷ đồng), thì kết thúc quý 1/2022 chỉ còn ở mức 7.5 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng (28.6 tỷ đồng); thuế tài nguyên (4.8 tỷ đồng); thuế thu nhập cá nhân (2.9 tỷ đồng); thuế khác (3.7 tỷ đồng).

Kết thúc quý 1/2022, lãi trước thuế của Bamboo Capital đạt 659,3 tỷ đồng, tăng 229,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù lãi tăng mạnh, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Bamboo Capital lại âm nặng.

Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 1.730 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước âm 1.439 tỉ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền hoạt động đầu tư âm tới 2.542 tỷ đồng, âm thêm 2.075 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Bamboo Capital đã huy động dòng tiền tài chính là 4.110 tỷ đồng, chủ yếu là đi vay (4.028 tỷ đồng) để bù đắp lại khoản thâm hụt từ hoạt hoạt động kinh doanh chính và phục vụ thêm cho hoạt động đầu tư.

Tình trạng dòng tiền hoat động kinh doanh chính liên tục âm đã kéo dài tại BCG trong 4 quý gần đây. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính quý 1/2021 âm 1.439 tỷ đồng, quý 2/2021 âm 6.416 tỷ đồng, quý 3/2021 dương 845 tỷ đồng và quý 4/2021 âm 2.003 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Bamboo Capital đạt 41.505 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 41,7% với mức 17.294,5 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 58,3% với mức 24.210,2 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của BCG nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn.

Ngày 6/5, Công ty cổ phần Bamboo Capital họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội thống nhất đổi tên Công ty thành Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital và tăng vốn điều lệ lên mức 10.500 tỷ đồng.

Theo Nguyên Trang/Markettimes
Bạn đang đọc bài viết "Bamboo Capital: Khối nợ “phình to”, dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư âm nặng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.