Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở trong khi ở thời điểm hiện tại, nguồn cung để đáp ứng nhu cầu này còn rất hạn chế…
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Riêng tại địa bàn TP. HCM, theo Sở Xây dựng TP. HCM, có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Còn theo một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Trong các đối tượng khảo sát, có đến 65 – 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng cho thấy tình trạng tượng tự. Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1 – 2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm 20 – 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70 – 80%, nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.
Ở góc độ khác, theo khảo sát tại một số khu công nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên cho thấy, 100% công nhân ngoại tỉnh đều mong muốn được thuê, mua nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiết giảm chi phí, ổn định cuộc sống.
Anh Lê Tiến Trường (quê Thái Bình) cho biết, đã hơn chục năm làm công nhân ở Hà Nội và thuộc đối tượng thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội, nhưng sau nhiều lần tìm hiểu, anh vẫn chưa mua được nhà ở xã hội.
“Hiện gia đình tôi đang tìm hiểu dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì, nhưng cũng không biết thế nào. Bởi thấy nhiều thông tin rao bán trên các trang tin về bất động sản theo kiểu môi giới. Tôi cũng được người bạn từng mua dự án nhà ở xã hội Thanh Hà cảnh báo là nếu không có quan hệ thì khó lắm, có nộp được hồ sơ cũng chưa biết thế nào”, anh Trường chia sẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế, những thông tin này vẫn khó tiếp cận đến một số nhóm đối tượng trong 10 đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở 2014. Chẳng hạn như nhóm người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị (Đối tượng 4); người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (Đối tượng 5); hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở (Đối tượng 10). Bởi những nhóm đối tượng này có đặc điểm có thể tiếp xúc hoặc hiểu về chính sách nhà ở không thuận lợi như các nhóm đối tượng khác để nắm bắt được thông tin, không hiểu đầy đủ để tham gia…
Đơn cử, tại dự án chung cư số 35 đường Hồ Học Lãm (TP. HCM), theo thông báo kết quả chấm điểm của Sở Xây dựng TP. HCM, Đối tượng 1 (người có công) có 66 hồ sơ, chiếm 9,46%; đối tượng 4 (người thu nhập thấp, hộ nghèo) có 20 hồ sơ, chiếm 2,87%; đối tượng 5 (người lao động), có 39 hồ sơ, chiếm 5,59%; đối tượng 6 (sĩ quan, hạ sĩ quan) chiếm 7,02%; đối tượng 7 (cán bộ, công chức), có 494 hồ sơ, chiếm 70,77%; đối tượng 10 (hộ gia đình cá nhân thuộc diện thu hồi đất), chỉ có 13 hồ sơ, chiếm 1,86%.
“Số lượng hồ sơ theo từng nhóm đối tượng có sự chênh lệch khá lớn, dù có nhiều lý do, nhưng cũng là những thông tin cần nghiên cứu để hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội trong các thủ tục về công bố thông tin để các nhóm đối tượng có thể tiếp cận được thông tin. Ngoài ra, cũng cần đưa ra chính sách để có sự công bằng giữa các nhóm vì phương pháp chấm điểm cũng tạo ra sự không phù hợp giữa các nhóm đối tượng. Từ số lượng hồ sơ theo nhóm, có thể nhìn thấy sự bất bình thường trong chính sách”, luật sư Phượng cho hay.
Ngoài ra nhiều chủ đầu tư không chấp hành việc dùng 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội, mà chọn cách đóng số tiền quỹ tương ứng. Điều này làm giảm nguồn cung nhà ở xã hội, vì vậy các địa phương, nhất là Hà Nội và TP. HCM phải bắt buộc các dự án đó phải xây nhà ở xã hội, nếu anh không xây được thì chuyển nhà đầu tư khác. Có như vậy mới tăng thêm sản phẩm nhà cho người thu nhập thấp, người dân mới tiếp cận hoàn toàn được chính sách của Nhà nước.
Nhu cầu về nhà ở cho công nhân hiện đang rất bức bách. Là đối tượng cần ưu tiên chăm lo, nhất là chăm lo về nhà ở nhằm đảm bảo sự ổn định về công việc, nhưng thực tế cho thấy, các chủ doanh nghiệp sản xuất lại không chú ý đến việc xây nhà ở, hoặc nếu có thì các khu nhà ở do Nhà nước và doanh nghiệp xây dựng không cạnh tranh được với nhà cho thuê của các hộ gia đình.
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, đa số công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là người ngoại tỉnh, nhưng đa phần công nhân, người lao động hiện nay khó khăn về nhà ở. Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân, cũng như người thu nhập thấp, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mục tiêu chính là đến năm 2020 xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.
Từ năm 2014, Bộ Xây dựng đã đưa mô hình nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân vào diện nhà ở xã hội để được hưởng hỗ trợ về vốn ngân sách, quy hoạch, xây dựng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, để giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân tại các đô thị lớn, nhất là các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP. HCM, hay một số tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Thế nhưng, với một bộ phận lớn người lao động có thu nhập thấp, việc sở hữu một chỗ ở ổn định và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu vẫn đang là một ước mơ rất xa xỉ.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay đã hoàn thành 100 dự án nhà công nhân, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, đủ để bố trí cho khoảng 330.000 người lao động.
Tuy nhiên, con số này hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu, đồng nghĩa với việc 72% trong khoảng 4,8 triệu công nhân, người lao động vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô khoảng 182.200 căn trong đó, hầu hết dự án đều đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công vì nhiều lý do.
Hữu Dũng - Theo TBCK
https://tbck.vn/bai-toan-nha-o-cho-nguoi-lao-dong-bao-nam-cung-it-cau-nhieu-57324.html