Bài học từ việc quản lý, sử dụng đất nông trường ở Hà Nội: Chậm trễ xử lý vi phạm hay “đá bóng” trách nhiệm?

26/07/2021 08:10

Loạt công trình nhà ở ngang nhiên xây dựng trên đất nông trường tại các xã của huyện Ba Vì, TX. Sơn Tây (Hà Nội) khiến người dân vô cùng bức xúc, trong khi chính quyền địa phương thì “loay hoay” tìm hướng xử lý.

Vẫn còn tình trạng xây dựng nhà ở trên đất nông trường

Theo thống kê, đến nay, cơ bản các tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác rà soát, cắm mốc ranh giới giữa các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp và hoàn thành về đo đạc lập bản đồ địa chính. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã cơ bản hoàn thành tại nhiều địa phương. Ngoài ra, không ít tỉnh thành đã sắp xếp lại tổ chức, chuyển đổi các nông trường, lâm trường để làm cơ sở xử lý những yếu kém, vướng mắc. Cùng với đó, tại một số địa phương, các nông trường, lâm trường cũng đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, phương án sử dụng đất.

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) từng đánh giá, kết quả sắp xếp, đổi mới các nông trường, lâm trường thực hiện vẫn chậm, hiệu quả còn thấp. Phần lớn các địa phương mới chỉ xây dựng được phương án sử dụng đất, còn nhiều nơi chưa phê duyệt phương án sử dụng quỹ đất bàn giao về địa phương. Tiến độ đăng ký, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương còn chậm; chất lượng kiểm tra, nghiệm thu của chủ đầu tư và các đơn vị thi công có nơi chưa đầy đủ, mang nặng tính hình thức.

Tại một số địa phương, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông trường, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất… Thậm chí, có nhiều vụ việc kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

21-1627272670.jpg

Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông trường Việt Mông vẫn diễn ra trong thời gian qua.

Ngay tại Hà Nội, thời gian qua, vấn đề quản lý, sử dụng đất nông trường còn nhiều bất cập. Điển hình, tại các xã Yên Bài, Vân Hòa (huyện Ba Vì), xã Kim Sơn (TX. Sơn Tây), các cấp chính quyền vẫn đang loay hoay tìm hướng xử lý. Trong khi đó, tình trạng san lấp đất, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình nhà ở kiên cố trên đất nông trường vẫn diễn ra.

Đơn cử, tại khu vực giáp ranh 3 xã Yên Bài, Vân Hòa, Kim Sơn, tình trạng xây dựng biệt thự, nhà vườn, cải tạo nhà ở… trên đất nông trường diễn ra nhiều năm nay. Một số công trình đang được xây dựng mới, nhiều căn nhà xây từ 1 lên 2 tầng. Thậm chí, tại nhiều khu vực đất nông trường xuất hiện các căn biệt thự thiết kế sang trọng, có tường rào bao quanh được xây dựng trên diện tích rộng hàng trăm mét vuông.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Bài xác nhận, trên địa bàn có tình trạng xây nhà ở trên đất nông trường. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Chiến, đây là các hộ dân đi xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1989. Sau đó, một số hộ được nông trường Việt Mông cấp sổ giao khoán có từ 300 - 500m2 đất xây dựng nhà ở. Ông Chiến cho rằng, đối với những hộ dân có nhà xuống cấp, chính quyền vẫn tạo điều kiện cho họ cải tạo, sửa chữa. Chỉ có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng là xây mới. Bên cạnh đó, có một số trường hợp người dân lợi dụng nhà đã có móng và xây dựng trộm.

“Huyện đã chỉ đạo những trường hợp mua bán trái phép đất nông trường không được xây dựng. Đối với những hộ xây trước đó rồi, huyện đang xem xét. Nhiều trường hợp đến xã để xin phép xây dựng, nhưng với những hồ sơ mua bán, chuyển nhượng, xã không đồng ý”, ông Chiến khẳng định.

22-1627272670.jpg

Nhiều khu vực đất nông trường xuất hiện các căn biệt thự thiết kế sang trọng, có tường rào bao quanh được xây dựng trên diện tích rộng hàng trăm mét vuông

Tương tự như xã Yên Bài, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông trường cũng diễn ra tại xã Vân Hòa. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Gia Tuệ, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa cho hay: “Vấn đề này do lịch sử để lại, địa bàn xã có 3 nông trường, gồm nông trường Việt Mông, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây. Các nông trường này giao khoán cho người dân, trong đó có 300m đất xây nhà cho các công nhân, con em, một số hộ kinh tế mới đã sinh sống ở đây nhiều năm”.

Ông Tuệ cũng cho biết, kể từ khi được giao khoán đất nông trường, nhiều hộ dân đã tiến hành xây dựng nhà ở. Đến ngày 19/8/2019, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Chỉ thị 36 trong đó có nội dung không cho phép xây dựng mới. Tuy nhiên, thực tế là vẫn xảy ra trường hợp xây dựng mới nhà ở.

“Từ năm 2019 đến nay, khi phát hiện chúng tôi lập biên bản hành chính, yêu cầu dừng thi công và tự tháo dỡ hơn chục trường hợp xây nhà trên đất nông trường. Tuy nhiên, chỉ có một số trường hợp tự tháo dỡ”, ông Tuệ nói.

Là địa phương cũng có diện tích đất nông trường trên địa bàn, chính quyền xã Kim Sơn (TX. Sơn Tây, Hà Nội) ghi nhận trường hợp xây dựng công trình nhà ở đã đưa vào sử dụng. “Chúng tôi vẫn đôn đốc, tuyên truyền đến các hộ dân không được xây dựng để giữ nguyên hiện trạng. Họ xây dựng trước đây lâu rồi, bao nhiêu năm nay họ ở nhà xuống cấp, nên giờ phải cải tạo lại. Còn xây dựng kiểu biệt thự nhà vườn, sinh thái, bên xã chúng tôi không có”, bà Lê Thị Chính, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn giải thích.

Vì sao chậm trễ bàn giao đất nông trường cho địa phương?

Theo chia sẻ của lãnh đạo các xã, việc diện tích đất nông trường chưa bàn giao thực địa cho chính quyền địa phương là vấn đề gây khó khăn trong công tác quản lý về sử dụng đất cũng như quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Gia Tuệ nêu ra 3 khó khăn trong công tác quản lý, xử lý việc xây dựng mới nhà ở trên đất nông trường. Thứ nhất, đất vẫn do nông trường đang quản lý, chưa bàn giao về cho địa phương. Thứ 2, những hộ gia đình xung quanh có điều kiện làm nhà ở trước, những hộ làm sau bị chính quyền ra ngăn chặn thì họ phản đối. Thứ 3, một số cá nhân mua bán đất trao tay.

“Huyện chỉ đạo rất sát, giao Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phối hợp với xã đi kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Nếu vượt thẩm quyền, chúng tôi xin ý kiến cấp trên để cưỡng chế. Chúng tôi đang phối hợp với Công ty CP Việt Mông rà soát, bàn giao đất về cho địa phương quản lý”, ông Tuệ nhấn mạnh. Được biết, xã Vân Hòa đang tiến hành kê khai hiện trạng sử dụng đất nông trường của các hộ dân, để làm căn cứ bàn giao đất trên thực địa cho địa phương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch xã Yên Bài cho biết, hiện xã cũng đang tiến hành kê khai, lập danh sách các hộ dân đang sử dụng đất nông trường. Theo ông Nguyễn Xuân Chiến, việc bàn giao trên giấy tờ đã thực hiện từ ngày 3/6/2020, hiện đang kê khai thực địa. Theo kế hoạch, trong tháng 7/2021, xã Yên Bài sẽ thực hiện xong việc kê khai đất đai nông trường trên địa bàn.

23-1627272671.jpg

Theo chia sẻ của lãnh đạo các xã, việc diện tích đất nông trường chưa bàn giao thực địa cho chính quyền địa phương là vấn đề gây khó khăn trong công tác quản lý về sử dụng đất cũng như hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Còn bà Lê Thị Chính cho hay, địa phương đang thực hiện bàn giao về địa giới hành chính và bản đồ diện tích đất của các hộ dân nông trường Việt Mông. Trước đó, Sở TNMT đã làm việc với UBND TX. Sơn Tây và có kết luận sẽ bàn giao nguyên trạng đất Việt Mông về cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên, đến nay, việc này chưa thực hiện được.

“Hiện giờ chúng tôi chỉ đợi Thị xã và Thành phố bàn giao nguyên trạng đất, tạm thời tất cả hoạt động xây dựng phải dừng lại. Khi nào bàn giao nguyên trạng, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo. Chúng tôi muốn Thành phố sớm bàn giao đất nông trường Việt Mông về cho địa phương quản lý”, bà Chính cho biết thêm. 

Có thể thấy, công tác bàn giao thực địa đất các nông trường về địa phương quản lý bị kéo dài trong nhiều năm qua và đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Đây cũng có thể là cơ hội để các tổ chức, cá nhân lợi dụng và thực hiện những hành vi vi phạm trong sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông trường? 

Trong khi đó, công tác quản lý sử dụng đất và trật tự xây dựng ở các xã còn nhiều bất cập. Bởi rõ ràng là chính quyền địa phương có thẩm quyền để quản lý và đầy đủ chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng nhưng sau khi có những chỉ đạo cấm việc xây dựng mới, tình trạng vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông trường vẫn xảy ra.

Không biết sau khi tiến hành kiểm kê hiện trạng sử dụng đất, hàng loạt công trình nhà ở xây dựng mới sẽ được huyện Ba Vì tổng hợp, báo cáo và xin "hợp thức hóa" hay phải cưỡng chế phá dỡ?

Công ty nói... “không chịu trách nhiệm”

Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất nông trường, đại diện Công ty CP Việt Mông thông tin, năm 2006 tiến hành cổ phần hóa nông trường Việt Mông; đến năm 2007 đã bàn giao toàn bộ về tài chính và đất đai từ nông trường Việt Mông cho công ty. Theo chỉ đạo, công ty đứng ra bàn giao đất về địa phương thay nông trường Việt Mông. Hiện công ty mới chỉ bàn giao đất trên sổ sách, chưa bàn giao thực địa cho chính quyền địa phương. Công ty được giữ lại gần 30ha để sản xuất kinh doanh, còn hơn 1.000ha chuyển giao địa phương quản lý.

Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã đề nghị công ty bỏ vốn ra đo đạc lại toàn bộ hiện trạng đất đai để có căn cứ bàn giao. Sau khi đo đạc hiện trạng xong, tỉnh Hà Tây cho phép công ty lập phương án sử dụng đất nông trường Việt Mông. Vì thế, công ty có ý tưởng lập Làng sinh thái chè Việt Mông và được tỉnh Hà Tây phê duyệt. Từ năm 2008 - 2011, đây là khoảng thời gian quá độ chuyển giao sang Hà Nội cho nên chưa đề cập đến vấn đề bàn giao.

Với các công trình công cộng, trường học, điện…, năm 2010, công ty đã bàn giao về địa phương. Riêng về đất đai, năm 2013, Thanh tra Bộ TNMT đã có kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý và sử dụng đất của nông trường Việt Mông. Đến năm 2016, Sở TNMT đo vẽ bản đồ ranh giới của nông trường Việt Mông và giải thửa đến từng hộ gia đình. Năm 2017, UBND huyện Ba Vì thành lập Tổ công tác rà soát đất đai nhằm bàn giao đất nông trường về địa phương.

Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận và nhắc đến việc phải bàn giao đất của nông trường Việt Mông về địa phương quản lý. Đến tháng 6/2020, căn cứ vào bản đồ đo đạc năm 2016 của Sở TNMT, các cơ quan ban ngành đã thống nhất bằng biên bản bàn giao đất nông trường về địa phương.

Lý giải về tình trạng xây dựng trên đất nông trường thời gian vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Mông cho rằng, từ năm 2007, công ty cổ phần hóa nên vai trò quản lý đất đai không còn như trước.

Bà Hiên khẳng định: “Từ đó đến nay, về việc vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng đều yêu cầu công ty phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn đất nhưng làm sao chúng tôi có đủ thầm quyền để làm việc đó”.

Ngoài ra, bà Hiên thừa nhận, có nhiều trường hợp xây dựng nhà ở (cũ và mới) trên đất nông trường. Tuy nhiên, công ty chỉ phối hợp cung cấp hồ sơ nguồn gốc giao khoán đất của các hộ dân khi chính quyền yêu cầu hoặc công ty nếu phát hiện vi phạm xây dựng sẽ báo cho chính quyền xử lý.

“Công ty không có năng lực, thẩm quyền trong quản lý đất đai. Trách nhiệm quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc về chính quyền địa phương”, bà Hiên nói.

Theo bà Hiên, công ty không hề có trách nhiệm trong công tác quản lý đất nông trường như chính quyền đã giao cho đơn vị này sau khi cổ phần hóa nông trường Việt Mông. Trong khi đó, việc bàn giao đất nông trường về địa phương quản lý vẫn chỉ ở trên giấy tờ và chưa bàn giao thực địa. Liệu rằng câu trả lời "không chịu trách nhiệm" từ phía công ty có thỏa đáng?

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định, khi nông trường, trạm trại giải thể hoặc sáp nhập, diện tích đất trồng cây chưa giao cho ai thì phải trả về cho địa phương. Đối với diện tích đã giao khoán thì giao hồ sơ cho địa phương quản lý. Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

“Việc để xảy ra hoạt động xây dựng trên đất nông trường, trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để công trình xây dựng trái quy định”, vị luật sư này phân tích.

Thiết nghĩ, chính quyền TP. Hà Nội và huyện Ba Vì cần sớm vào cuộc xử lý các vi phạm tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất nông trường và thực hiện bàn giao đất nông trường cho các địa phương quản lý. Từ đó, chính quyền sẽ có thể làm tốt hơn công tác quản lý, xử lý các sai phạm liên quan, đồng thời ổn định đời sống của người dân./.

Theo Hà Cường - Trần Hồ/Reatimes
Bạn đang đọc bài viết "Bài học từ việc quản lý, sử dụng đất nông trường ở Hà Nội: Chậm trễ xử lý vi phạm hay “đá bóng” trách nhiệm?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.