Người nổi tiếng quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội tuy nhiên vẫn chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm để xử lý nghiêm. Yêu cầu cấp bách là sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để “dẹp loạn” tình trạng này.
Người nổi tiếng, nghệ sỹ lạm dụng quảng cáo?
Lợi dụng uy tín của bản thân, không ít người nổi tiếng, nghệ sỹ đang “chạy sô” để quảng cáo, bán hàng, làm đại diện thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, nhãn hàng. Thậm chí, có hiện tượng một số nghệ sỹ, người nổi tiếng “bỏ quên” cả nghề, chủ yếu xuất hiện trên mạng ảo, với những màn livestream bán hàng, review sản phẩm… rồi được “định danh” mới là “ông hoàng, bà chúa” mạng xã hội… Vô hình họ rất dễ trở thành công cụ để những cơ sở kinh doanh không lành mạnh lợi dụng uy tín kinh doanh sản phẩm trá hình, hàng kém chất lượng…
Một ví dụ, chỉ cần nhấp chuột vào trang bán hàng của mỹ phẩm có tên Dakami, PV Chất lượng Việt Nam Online nhận thấy sản phẩm này đang được loạt sao hạng A “lăng xê” vô cùng thu hút như: “Sản phẩm này rất hót, cứ 3 giây lại bán 1 sản phẩm ra trên thị trường. Đây là sản phẩm chống lão hóa cho da, trị nám, trị thâm, trị mụn....”. Tuy nhiên thực tế, đây chỉ là mỹ phẩm và không có tác dụng như các nghệ sĩ quảng cáo.
Hay như màn quảng cáo của Viên uống Nature White Diar dễ thấy hình ảnh hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi nói về tác dụng “trên trời” của sản phẩm này trên các video xuất hiện trên mạng xã hội. Thậm chí, họ không ngần ngại gọi sản phẩm Natura White Diar là thuốc trị nám, trắng da... nhưng thực tế, đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không có tác dụng điều trị, làm trắng da như lời quảng cáo...
Đây chỉ là một trong những minh chứng cho thấy, người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh, gắn mác quảng cáo cho sản phẩm từ “thượng vàng hạ cám” vì mục tiêu lợi nhuận.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, chưa xử lý được những quảng cáo của người nổi tiếng trên trang cá nhân của họ, do thường quảng cáo theo kiểu họ dùng sản phẩm, là phát ngôn cá nhân nên không thể làm căn cứ để xử phạt. Hiện, cơ quan chức năng chỉ xử phạt được nhà sản xuất, kinh doanh nếu sản phẩm chưa có đăng ký tiêu chuẩn, là hàng giả, hàng nhái.
Ðại diện Cục ATTP cũng thừa nhận, tình trạng quảng cáo không đúng nội dung đã được cơ quan chuyên môn thẩm định, quảng cáo quá mức công dụng, sử dụng hình ảnh các bác sĩ, thầy thuốc, nghệ sĩ, diễn viên để quảng cáo sản phẩm vẫn xảy ra nhiều là do sự phối hợp của các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ.
Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo, trong đó đề nghị chấn chỉnh tình trạng các văn nghệ sĩ, diễn viên, người của công chúng tiếp tay cho hoạt động quảng cáo TPCN, TPBVSK vi phạm; kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo TPCN trên các loại hình quảng cáo ngoài trời như: bảng, biển, pano, băng rôn... Mặc dù cơ quan chức năng đã có chỉ đạo xử lý và chấn chỉnh nhưng giới nghệ sĩ dường như không hề có động thái nào đính chính, xin lỗi thậm chí vẫn nhận quảng cáo sản phẩm còn chất lượng thì… mặc kệ.
Lợi dụng lỗ hổng trong khâu quản lý, giới nghệ sĩ xuất hiện quảng bá nhãn hàng ngày càng nhiều, phủ rộng các mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube, Tik Tok...
Cần sớm “vá” khoảng trống pháp lý
Theo các chuyên gia pháp lý, hiện chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với người nhận quảng bá sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Thạc sĩ luật Đào Duy Tân (giảng viên Trường đại học Hoa Sen) cho biết, ca sĩ, diễn viên, người mẫu... tham gia quảng cáo được gọi là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo khoản 8, điều 2, Luật Quảng cáo. Nhưng hiện nay, Luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng không quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Các quy định của pháp luật chỉ tập trung vào cơ sở kinh doanh, người sản xuất…
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, người nổi tiếng hay người dân quảng cáo sản phẩm chưa được cấp phép đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiện luật đã quy định rõ, việc quảng cáo sản phẩm chưa cấp phép sẽ bị xử phạt 50 triệu đồng.
“Nhiều người nổi tiếng tiếp tay cho các doanh nghiệp sai phạm để lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng và xã hội” - luật sư Hậu bày tỏ.
Luật sư Hậu cũng so sánh với các nước như: Mỹ, Ấn Độ xử phạt rất nặng, đến 200.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng) việc người nổi tiếng đưa thông điệp sản phẩm trên trang xã hội với mục đích thu hút người tiêu dùng. Tại Ấn Độ, họ nghiêm cấm người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai lệch sản phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Tại Trung Quốc, hai nữ diễn viên là Zhao Dan và Gui Jing đã bị kết án tù do bán thực phẩm chức năng giảm cân chưa được đăng ký trên WeChat. Những người này bị kết tội dùng uy tín của mình thu hút mọi người, thường xuyên livestream để tăng lượng tương tác và lấy mình làm mẫu để mọi người tin vào hiệu quả của thực phẩm chức năng giảm cân. Nếu so về hành vi của những người nổi tiếng tại Trung Quốc và Ấn Độ là tương đương, nhưng tại Việt Nam vẫn còn chưa được quản lý chặt chẽ.
Trên thực tế, nếu cơ quan chức năng không ràng buộc trách nhiệm của “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” là một thiếu sót của luật, vì nó mất đi khâu kiểm soát và trách nhiệm của “người của công chúng” đối với cộng đồng. Thực tế trên đang đặt ra nhiều câu hỏi tới các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý người nổi tiếng. Để xảy ra những hệ lụy đáng tiếc từ chính quảng cáo của nghệ sĩ thì ai là người chịu trách nhiệm?