Bài 7: Dự án “rùa bò” gây lãng phí tài nguyên, phát sinh khiếu nại tại Bình Dương

26/05/2023 08:33

Tại Bình Dương, một số dự án sau khi được chấp thuận chủ trương, dù thời gian dài không triển khai, nhưng không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, gây lãng phí nguồn tài nguyên, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Thông tin này được Thanh tra Chính phủ nêu trong Kết luận Thanh tra số 785/KL-TTCP, về việc Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; Công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang đất kinh doanh, xây dựng nhà ở; Thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luận về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2011 - 2019.

Theo đó, kết luận thanh tra cho thấy, qua kiểm tra, một số dự án đầu tư sau khi được chấp thuận chủ trương, trong một thời gian dài chủ đầu tư không triển khai dự án nhưng không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất và gây khó khăn cho người dân có đất trong khu vực dự án, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Điển hình như dự án Khu nhà ở thương mại An Trung tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Trung làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư Phước Hoà thuộc xã Phước Hoà, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà làm chủ đầu tư…

Liên quan đến việc quản lý tiến độ triển khai các dự án đầu tư, Thanh tra Chính phủ kết luận, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư được nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, dẫn đến có nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ trong thời gian dài, so với chứng nhận đăng ký đầu tư được duyệt, đã được gia hạn tiến độ nhiều lần, nhưng chậm xử lý theo các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Đối với các trường hợp đã được Nhà nước giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tính đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh có 40 dự án đầu tư có tiến độ sử  dụng đất chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã kiểm tra và xử lý các dự án này (cho phép gia hạn thời gian triển khai dự án: 31 dự án với tổng diện tích 6.166.890,6m2; thu hồi đất: 6 dự với tổng diện tích 94.023,2m2; chuyển Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý 2 dự án với tổng diện tích 167.787m2; cho phép tiếp tục lập thủ tục đất đai 1 dự án với diện tích 70.708m2).

Kết quả kiểm tra cho thấy, UBND tỉnh Bình Dương chưa kịp thời xử lý đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai. Cụ thể, 6 dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra và ban hành quyết định thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong.

Trong khi đó, 12 dự án đã được UBND tỉnh cho phép gia hạn, đến nay đã hết thời gian gia hạn nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Hiện nay, vẫn còn 3 dự án đã được UBND tỉnh cho phép gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng nhưng chưa xác định và thông báo tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung trong thời gian được gia hạn thời gian sử dụng đất.

Đối với 1 dự án chưa lập thủ tục đất đai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định, UBND tỉnh đã cho phép tiếp tục lập thủ tục đất đai từ năm 2017, nhưng đến nay chưa thực hiện dứt điểm.

Như vậy, còn 3 dự án (không bao gồm 6 dự án bị thu hồi, 1 dự án được tiếp tục làm thủ tục, 2 dự án Cơ quan điều tra đang điều tra) chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm i Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, đã được UBND tỉnh Bình Dương quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng nhưng chưa xác định và thông báo tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung trong thời gian được gia hạn thời gian sử dụng đất.

dji-0027-1685064722.jpg

Nhiều dự án thuê lại đất trong KCN chưa hoặc chậm triển khai theo tiến độ đã đăng ký. Ảnh: Hiếu CT

Đối với các dự án thuê lại đất trong các khu công nghiệp (KCN), kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện còn 4 KCN chậm thực hiện điều chỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm diện tích KCN, với tổng diện tích giảm 231ha (KCN: Sóng Thần 3 giảm 107ha; Kim Huy giảm 42ha; Đại Đăng giảm 55ha; Phú Tân giảm 27ha) theo Văn bản 173/TTg-KTN ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Còn lại 2 KCN (Cây Trường và Việt Nam – Singapore III) với tổng diện tích 1.700ha chậm triển khai do đang làm thủ tục điều chỉnh ranh KCN.

Theo báo cáo của BQL các KCN tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 843/2.965 dự án với tổng diện tích 146,5ha của nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong KCN chưa hoặc chậm triển khai theo tiến độ đã đăng ký hoặc hợp đồng thuê đất. Mặc dù tại khoản 36, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã quy định việc xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm đưa đất vào sử dung trong các KCN; trên cơ sở đó UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 quy định về việc thu hồi đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, BQL các KCN, các sở, ngành, có liên quan chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp này, gây lãng phí tài nguyên đất./.

Theo Trung Hiếu/Reatimes
Bạn đang đọc bài viết "Bài 7: Dự án “rùa bò” gây lãng phí tài nguyên, phát sinh khiếu nại tại Bình Dương" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.