Bài 2: Có hay không việc MBBank trục lợi phi pháp thông qua dịch vụ bảo hiểm?

05/07/2023 09:21

Không chỉ “quả bom kép” 2 tỷ USD trái phiếu và 3.376 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn có thể “phát nổ” bất kỳ lúc nào, MBBank còn lộ diện 32,4% hợp đồng bảo hiểm bán qua kênh bancass bị hủy khiến nhiều khách hàng mất trắng.

Kết luận thanh tra số 810/KL-BTC do Bộ Tài Chính ban hành cho thấy, trong năm 2021, công ty con của MBBank là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas đã phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, bao gồm ngân hàng MBBank và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit), tức cũng là một công ty con khác của ngân hàng này. Trong đó, 3.946 hợp đồng bị hủy trong thời gian cân nhắc, tương ứng tỷ lệ 5,91%. Tuy nhiên, sau thời gian cân nhắc (1 năm), số lượng hợp đồng hủy bỏ chiếm đến 32,4%.

screen-shot-2021-09-15-at-224509-min-768x529-1688523590.png

Có hay không việc MBBank lừa dối khách hàng để trục lợi thông qua dịch vụ bảo hiểm?

Điều này đồng nghĩa những khách hàng bị hủy hợp đồng mất trắng số tiền phí đã đóng trước đó. Bởi theo quy định của các công ty bảo hiểm, đây là điều bắt buộc nếu hủy hợp đồng trước hạn, tức từ năm thứ nhất đến năm thứ ba.

Quá trình thanh tra chọn mẫu cũng đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại MB Ageas. Cụ thể, 31 trường hợp đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Điển hình, các đơn vị này đã để cho người khác sử dụng mã số đại lý của mình hoặc sử dụng mã số đại lý của người khác để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, chưa đảm bảo chất lượng tư vấn của đại lý, chậm bàn giao hợp đồng bảo hiểm, chưa thực hiện đúng quy định về hướng dẫn khách hàng ký hồ sơ, tài liệu,…cùng nhiều sai phạm khác.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn, đối với quy trình, quy chế quản lý đại lý, MB Ageas chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức MBBank.

Và cũng trong thời gian vừa qua, dư luận đã từng dậy sóng bởi vấn nạn hàng loạt ngân hàng ép người cần vay tiền phải mua bảo hiểm và xem đây là “phí bôi trơn” để được giải ngân. Đồng thời, không ít trường hợp khách hàng mang tiền tỷ đi gửi tiết kiệm nhưng bỗng dưng bị “hô biến” thành bảo hiểm nhân thọ.

Như vậy, với số lượng hợp đồng bảo hiểm bị hủy và những sai phạm do thanh tra Bộ Tài Chính chỉ đích danh, thì có hay không việc MB Ageas cố ý lừa dối khách hàng để trục lợi? Và với thực trạng hoạt động của MB Ageas, MBBank liệu có vô can nếu tính huống xấu xảy ra?

Theo BCTC đã được kiểm toán và số liệu báo cáo của MB Ageas, trong năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm kênh bancas đạt 4.467 tỷ đồng, tương ứng 78% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 2.821 tỷ đồng, tương tứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới. Đối với số tiền thu phí bảo hiểm gốc, trong năm 2022, đơn vị này đạt 6.773 tỷ đồng, tăng 12% so với 2021.

Đối với MBBank, tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, ngân hàng này có nguồn lãi thuần từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm lên đến 2.087 tỷ đồng. Ngược về 2022, con số này lên đến 10.185 tỷ đồng, tiếp tục thắng lớn so với con số 8.386 tỷ đồng của năm 2021.

Trên bình diện rộng hơn, đối với tình hình hoạt động của MBBank, đơn vị này đang ôm quả bom nợ khổng lồ lên đến 2 tỷ USD trái phiếu và 3.376 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Tính đến cuối quý I/2023, trong cơ cấu dư nợ cho vay của MBBank, đơn vị này đã rót hơn 23.061 tỷ đồng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS. Trong khi đó, con số đầu năm là 21.358 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực xây dựng là 26.026 tỷ đồng, đầu năm là 26.446 tỷ đồng.

Bài 3: Lộ diện những doanh nghiệp nhận sự “ưu ái bất thường” của MBBank

Theo Đặng Thành/TTV
Bạn đang đọc bài viết "Bài 2: Có hay không việc MBBank trục lợi phi pháp thông qua dịch vụ bảo hiểm?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.