Từ vụ việc doanh nghiệp Đường Nhuệ thao túng đấu giá đất đã cho thấy tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, xã hội đen "bắt tay" nhau trong đấu giá đất đang trở thành một vấn nạn.
Vấn nạn này đang từng ngày khiến các những người dân lương thiện và doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chùn bước.
Sức ép từ “anh chị”
Chia sẻ với DĐDN, anh Nguyễn Văn X, quản lý bán hàng của một doanh nghiệp FDI tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, cuối năm 2019, được thông tin một ngân hàng tại đây đang tiến hành phát mãi 1 lô đất tại Xuân Mai, Chương Mỹ (Hà Nội), anh có mua 1 bộ hồ sơ tham gia đấu thấu. Tuy nhiên, sau đó anh đã nhận được sự “chăm sóc” đặc biệt của một số “anh chị” trong khu vực, thậm chí có người còn đến tận nhà ngã giá bán hồ sơ với giá 10 triệu đồng nếu muốn được “vui vẻ”.
Ngã giá không được, các đối tượng này quay ra đe dọa anh và gia đình “nếu cố tình tham gia tức là chọn đấu đầu với anh em”. Cuối cùng do sức ép từ nhiều bên cũng như lo ngại cho an toàn của bản thân anh X đã phải chấp nhận bỏ cuộc dù rất quan tâm đến lô đất này.
Việc xem xét đưa giá khởi điểm đấu giá áp sát giá thị trường dựa trên bảng giá đất, khung giá đất và hệ số K điều chỉnh là cần thiết để hạn chế cơ hội cho các nhóm "xã hội đen" tham gia để trục lợi.
Không chỉ các cá nhân, ông Đ.D.Q, Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế Labaco, một doanh nghiệp nhỏ tại Quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, vừa qua doanh nghiệp anh có ý định đấu giá một lô đất dịch vụ để mở cửa hàng tại một huyện ngoại thành Hà Nội nhưng khi vừa mua hồ sơ thì đã có người thông tin “đất xuất đấy là của anh N, đừng có động vào”.
Sau đó, bằng nhiều “biện pháp nghiệp vụ” của các “anh chị xã hội” thì ông Q cũng phải chấp nhận không tham gia đấu giá.
Ba giải pháp ngăn chặn
Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX cho rằng, các quy định liên quan đến đấu giá đã có và tương đối rõ ràng trong Luật đấu giá tài sản năm 2016, tuy nhiên trong thực tế tương quan với các luật khác vẫn còn một số điểm hạn chế liên quan đến việc công khai thông tin và phát hành hồ sơ đấu giá. Điều này dẫn đến khoảng cách từ “kế hoạch đấu giá” đến “giao thẳng đất không qua đấu giá” rất gần nhau.
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến đến tình trạng quân xanh, quân đỏ, “xã hội đen” bắt tay nhau thao túng hoạt động đấu giá đất, nhất là đất công hiện nay. Vì vậy, cần sớm giải quyết được việc công khai hóa và minh bạch thông tin đấu giá, tạo điều kiện tối đa cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng được tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, hiện nay trong hoạt động đấu giá, mức giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá còn thấp so với thực tế. Việc xem xét đưa giá khởi điểm đấu giá áp sát giá thị trường dựa trên bảng giá đất, khung giá đất và hệ số K điều chỉnh là cần thiết để hạn chế cơ hội cho các nhóm "xã hội đen" bất chấp tham gia để trục lợi.
Luật gia Nghĩa cũng cho rằng, có thể xem xét giải pháp hạn chế việc sang nhượng các lô đất trúng đấu giá trong vòng một thời gian, có thể vài tháng hoặc vài năm để ngăn chặn tình trạng mua đi bán lại. Ngoài ra, cần quy định số người hoặc tổ chức tham gia đấu giá đất tối thiểu từ 3-5, người tránh trường hợp như hiện nay là khi có hai người trở lên cũng có thể tổ chức đấu giá.