Áp dụng mô hình nông lâm kết hợp hướng đến tiêu chuẩn ‘xanh’ của Châu Âu

08/04/2024 14:04

Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì nông lâm kết hợp là một mô hình phát triển nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần giúp cho người nông dân và doanh nghiệp trong ngành trồng trọt đáp ứng được tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của châu Âu, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính. Thông tin này được chia sẻ bởi Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Đức (Naturland) tại buổi họp báo vào chiều ngày 5-4, tại TPHCM.

Theo Naturland, EU có 14,9 triệu hecta đất canh tác, 349.499 nông trại cùng với bộ luật chi tiết về tiêu chí cho nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp bền vững, bao gồm việc tôn trọng tự nhiên và môi trường, bảo vệ quyền lợi cho động vật và tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng sản xuất thực phẩm.

01-min-1712654248.jpg

Nói một cách đơn giản hơn, ở Châu Âu, một nông trại được công nhận là hữu cơ cần đáp ứng được những tiêu chuẩn như loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu; người dân được khuyến khích thực hiện các biện pháp để phòng trừ nấm bệnh cho đất hoặc giảm thiểu tối đa sâu hại và cỏ dại bằng biện pháp luân canh; tự ủ phân hữu cơ, nói không với sản phẩm biến đổi gen, hạn chế tối đa sử dụng thuốc kháng sinh, ưu tiên các biện pháp bảo quản vật lý, sinh học trước khi cân nhắc đến can thiệp hoá học.

Riêng với ngành trồng trọt, khi người nông dân canh tác theo phương pháp hữu cơ họ chủ yếu dùng các biện pháp tự nhiên để giúp cho đất đai và cây trồng màu mỡ bao gồm sử dụng các phần bỏ đi của cây trồng và mức độ đa dạng sinh học cao trên cánh đồng, đồng cỏ và trong rừng.

06-min-1712654248.jpg

Đối với cây trồng trong canh tác hữu cơ, mọi thứ đều liên quan đến đất. Để giữ cho đất khỏe mạnh và màu mỡ, người nông dân thường áp dụng phương pháp luân canh – trồng lần lượt các loại cây trồng và hoa màu khác nhau trên cùng một cánh đồng giúp ngăn ngừa sâu bệnh cho cây trồng. Từ đó, người nông dân không sử dụng các chất hoá học tổng hợp, đồng thời tận dụng hệ vi khuẩn cố định đạm ở rễ của cây trồng đưa chất dinh dưỡng vào đất một cách tự nhiên, bảo vệ nguồn nước ngầm được sạch sẽ.

Áp dụng mô hình nông lâm kết hợp, hướng đến nông nghiệp bền vững

Theo ông Albin Deforges, đại diện Naturland tại Việt Nam, hiện nay trên thế giới, giá các loại nông sản như cà phê, ca cao… đang tăng mạnh. Một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng này là biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, trái mùa… Đây là thách thức lớn đối với người nông dân và nền nông nghiệp. 

Để đối phó với tình trạng trên và tránh gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, người nông dân có thể canh tác theo phương pháp nông lâm kết hợp. Đây là phương pháp trồng nhiều loại cây trồng trong vùng đất nông lâm và phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển rừng. 

03-min-1712654248.jpg

Nông lâm kết hợp là một biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm kết hợp cây thân gỗ lâu năm với cây con ngắn ngày, tạo ra nhiều sản phẩm mà vẫn giữ được độ che phủ mặt đất, chống xói mòn rửa trôi và bạc màu đất. Cụ thể hơn, mô hình này nhằm mục đích tạo ra hệ sinh thái trồng trọt có nhiều lớp, đầu tiên là lớp cao nhất với các cây cao và cây lấy gỗ, lớp tiếp theo gồm các cây ăn quả như chuối hoặc đu đủ, lớp thấp hơn có thể là cà phê, ca cao và bên dưới có thể trồng củ quả như sắn hoặc đậu. Mấu chốt của phương pháp này là các loại cây trồng và côn trùng trong hệ sinh thái có thể hỗ trợ lẫn nhau và phát triển cùng nhau. 

“Lợi ích mà hệ thống này mang lại cho người nông dân là họ có nhiều loại cây trồng khác nhau để bán trong trường hợp một hoặc vài loại nông sản trong đó bị mất giá. Lợi ích tiếp theo là lợi ích về môi trường, mô hình này làm tăng độ màu mỡ của đất và tăng sản lượng cây trồng, mặt khác giúp đảm bảo sự đa dạng sinh học” – Ông Albin Deforges chia sẻ.

05-min-1712654248.jpg

Ông Albin Deforges cho biết thêm, ở Việt Nam, nếu các nông trại muốn đạt được tiêu chuẩn của Naturland thì cần phải áp dụng phương pháp nông lâm kết hợp này. Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Đức cũng phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo để hỗ trợ, hướng dẫn cho người nông dân cách canh tác theo hướng nông nghiệp bền vững.

Đại diện Naturland nêu quan điểm, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, ông hy vọng nền nông nghiệp Việt Nam có thể chuyển dần từ cách canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ để không chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu mà còn phục vụ cho nhu cầu đang ngày một tăng của người tiêu dùng trong nước.

Bạn đang đọc bài viết "Áp dụng mô hình nông lâm kết hợp hướng đến tiêu chuẩn ‘xanh’ của Châu Âu" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.