Theo đó, danh sách ghi nhận 16 cổ đông sở hữu 409 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 97%.
Đối với cổ đông tổ chức, có 3 doanh nghiệp sở hữu xấp xỉ 40% vốn điều lệ PGBank là CTCP Quốc tế Cường Phát (13,541%), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (13,36%), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (13,099%).
Các doanh nghiệp này đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại phiên đấu giá hồi tháng 4/2023 của Petrolimex. Đặc biệt, cả ba doanh nghiệp trên đều có liên quan mật thiết đến Tập đoàn Thành Công.
Đối với cổ đông cá nhân, ông Đinh Thành Nghiệp, sở hữu 4,3 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 1,025% hiện đang là Thành viên HĐQT PGBank.
12 cổ đông cá nhân còn lại sở hữu 236,55 triệu cổ phiếu PGB, tương đương hơn 56% vốn điều lệ ngân hàng. Các nhà đầu tư này lần lượt nắm giữ từ 14-21 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ từ 3,4-4,92%. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà nắm 20,76 triệu cổ phần (4,944%), bà Đỗ Thị Nụ sở hữu 20,7 triệu cổ phần (4,934%), ông Trịnh Bình Long sở hữu 20,5 triệu cổ phần (4,884%)…
PGBank có tên cũ là Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, được đổi tên từ cuối năm ngoái, sau khi Petrolimex thoái toàn bộ vốn vào tháng 4/2023. Tính đến cuối quý 2/2024, PGBank vẫn là một ngân hàng quy mô nhỏ với tổng tài sản chỉ 59.600 tỷ đồng; trong đó hoạt động cho vay khách hàng chiếm phần lớn (61% tổng tài sản).
Hồi tháng 3 năm nay, PGBank đã chính thức tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ không có nhiều thay đổi về quy mô. Ngân hàng đã phát hành 120 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn là động thái mới nhất của PGBank sau khi ngân hàng hoàn tất các thủ tục đổi tên, đổi nhận diện thương hiệu do cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn.
Đây cũng là lần đầu tiên PGBank tăng vốn sau gần 13 năm giữ nguyên và cũng là lần đầu tiên ngân hàng này chia cổ tức/cổ phiếu thưởng cho cổ đông sau gần 12 năm.