Theo thống kê của UBND TP. Thủ Đức, trên địa bàn đơn vị hành chính này hiện có 164 chung cư, trong đó 51 chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho các chủ sở hữu căn hộ chung cư; 82 chung cư đã cấp sổ hồng, 20 chung cư đang thực hiện thủ tục cấp sổ.
Bên cạnh đó, 5 chung cư trên địa bàn chưa có ban quản trị, 23 chung cư chưa đủ điều kiện bầu ban quản trị do chưa đủ điều kiện tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu và có 37 chung cư chưa được bàn giao kinh phí bảo trì, 8 chung cư có hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) xuống cấp, 9 chung cư không có hệ thống phòng cháy chữa cháy.
UBND TP. Thủ Đức đã có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất UBND TP. HCM chỉ đạo các sở ngành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư của những chung cư đã nghiệm thu, bàn giao căn hộ và đủ điều kiện cấp sổ hồng nhưng chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ.
Thời gian thực hiện và gửi báo cáo về UBND TP.Thủ Đức đến hết ngày 10/6/2021.
Với các nhà chung cư đủ điều kiện, nhưng chưa thành lập ban quản trị thì UBND phường làm việc với chủ đầu tư, ban quản lý để nắm bắt tình hình, đề nghị chủ đầu tư khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị.
Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư thì UBND phường có trách nhiệm tổ chức. Thời gian thực hiện hạn chót hết ngày 10/6/2021.
UBND TP. Thủ Đức giao Phòng Quản lý đô thị có văn bản đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì để khắc phục tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì.
Trên thực tế, không riêng TP Thủ Đức, trên toàn địa bàn TP HCM đang tồn tại rất nhiều chung cư dù đã đi vào sử dụng nhiều năm nhưng không được cấp sổ hồng.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM, hiện toàn thành phố đang có 63 dự án nhà ở của 17 doanh nghiệp với tổng cộng khoảng 27.709 căn hộ đang chờ cấp giấy chủ quyền do pháp luật chồng chéo, chưa thống nhất. Việc chậm cấp sổ hồng đang là vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp bất động sản.
Hồi cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP HCM tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn;
chủ động phối hợp với các bộ liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Song, việc sớm cấp sổ hồng cho cư dân tại các chung cư dường như đang là vấn đề nan giải. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Đồng thời gây ra các hệ lụy khiến cả "ba nhà" cùng gánh. Trong đó, việc chậm xác định quyền sử dụng đất không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng mua nhà vì phải có “sổ hồng” thì người mua nhà mới được bảo vệ đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Thứ hai, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Và thứ ba là thiệt hại cho chủ đầu tư dự án vì chẳng những không thu được nốt giá trị hợp đồng còn lại mà còn bị mang tiếng “bội tín” với khách hàng. Nhiều chủ đầu tư đã rất trách nhiệm và nỗ lực xin nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn không nộp được nên bị tắc “sổ hồng” và bị tổn hại về uy tín thương hiệu.
"Theo quy định hiện hành, trường hợp chủ đầu tư chây ì không chấp hành thì khách hàng có quyền tố cáo đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo qui định pháp luật hiện hành.
Dù gây ra nhiều hậu quả khó lường nhưng việc xử phạt chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng nhà chung cư vẫn chỉ là quy định trên giấy" - Một luật sư chia sẻ riêng với DĐDN.