Sau thời gian sử dụng, bạn có thể muốn nâng cấp máy tính để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong học tập, công việc.
Tuy nhiên, việc ưu tiên lựa chọn thành phần nào để nâng cấp là không dễ. Bài viết sẽ hướng dẫn cách chọn thành phần trong máy để nâng cấp sao cho hiệu quả, phù hợp với công việc của bạn nhất.
1. Tại sao nên nâng cấp RAM
Việc thay hoặc gắn thêm RAM là phương pháp nâng cấp dễ tiếp cận nhất khi vừa có giá phải chăng, dễ thực hiện và không đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu. Không chỉ PC, một số loại laptop cũng có thể nâng cấp RAM.
Nâng cấp RAM sẽ cải thiện hiệu suất PC đang chạy chậm. Với những tác vụ nặng như chơi game hay biên tập video, càng nhiều RAM càng tốt. Với người dùng cơ bản, có thêm RAM sẽ cho phép máy tính chạy nhiều ứng dụng cùng lúc một cách mượt mà, giữ nhiều tab trình duyệt mở mà không bị reload do thiếu RAM. Vậy máy của bạn cần bao nhiêu RAM.
4GB: Con số tối thiểu cho nhu cầu làm việc cơ bản, mở khoảng 10 tab trình duyệt, chỉnh sửa hình đơn giản và xem video.
8GB: Bạn sẽ thấy sự cải thiện đáng kể khi RAM 8GB cho phép chạy cùng lúc nhiều phần mềm cơ bản, xử lý khoảng 30 tab trình duyệt, chỉnh sửa ảnh RAW, chơi game nhẹ nhàng...
16GB: Dành cho những tác vụ nặng như chơi game, biên tập video, chỉnh sửa hình ảnh chuyên nghiệp...
2. Tại sao nên nâng cấp GPU
Nếu là một game thủ hoặc làm trong lĩnh vực đồ họa, sản xuất phim chuyên nghiệp, có lẽ bạn nên ưu tiên nâng cấp GPU. Tuy nhiên, chi phí nâng cấp GPU thường sẽ cao hơn RAM.
Sau khoảng 1-2 năm, những tựa game mới sẽ nặng hơn, đòi hỏi sức mạnh xử lý cao hơn. Nếu thực sự muốn một trải nghiệm game mắt nhất thì bạn nên nâng cấp GPU lên đời mới hơn.
Ngoài ra, nếu máy tính sử dụng GPU tích hợp, bạn cũng nên cân nhắc gắn GPU rời vì một số phần mềm như Photoshop, Premiere Pro sẽ hoạt động tốt hơn khi có GPU rời. Các dòng GPU tầm trung thường có giá dưới 8 triệu đồng, trong khi một số dòng cao cấp với công nghệ mới có giá trên 10 triệu đồng.
3. Tại sao nên nâng cấp ổ cứng
Có hai lý do để bạn nâng cấp ổ cứng là lưu trữ nhiều hơn và muốn máy chạy nhanh hơn.
Nếu có nhu cầu lưu trữ lớn, hoặc thường xuyên giải phóng ổ cứng nhưng vẫn nhanh đầy lại thì bạn sẽ cần ổ cứng dung lượng lớn hơn. Một ổ cứng không còn dung lượng trống cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất máy. Ít nhất, hãy giữ 10GB dung lượng trống cho phân vùng cài đặt hệ điều hành.
Với ổ cứng HDD truyền thống, bạn có thể nâng cấp ổ 5400rpm lên 7200rpm (vòng quay/phút) để tăng tốc độ lên một chút.
Tuy nhiên nếu muốn máy tính chạy nhanh hơn đáng kể, hãy chuyển sang ổ cứng SSD. Đây là loại ổ cứng sử dụng bộ nhớ flash thay vì đĩa từ, do đó cho tốc độ nhanh hơn, khả năng hỏng do rơi rớt cũng ít hơn ổ HDD.
Trung bình, ổ cứng HDD 5400rpm cho tốc độ ghi tối đa 100Mbps, ổ 7200rpm cho tốc độ ghi tối đa 150Mbps. Tuy nhiên con số trên với ổ cứng SSD là 500Mbps. Một số dòng cao cấp hơn còn cho tốc độ lên đến hàng Gbps.
Tóm lại, một ổ cứng tốc độ cao sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống của bạn, giúp máy khởi động nhanh hơn, bật chương trình nhanh hơn, load game nhanh hơn và phần mềm cũng phản hồi nhanh hơn.
Trong quá khứ, điểm trừ của ổ cứng SSD là dung lượng nhỏ, giá cao. Giờ đây, vấn đề được giải quyết phần nào. Các loại ổ SSD 512GB giờ có giá chỉ dao động trong khoảng hai triệu đồng.
4. Tại sao nên nâng cấp CPU
Khác với những thành phần trên, nâng cấp CPU khó hơn một chút và chi phí cũng không rẻ. Quan trọng hơn, việc lựa chọn không đúng CPU có thể làm bạn không hài lòng.
Bạn có thể truy cập trang cpubenchmark.net để so sánh hiệu năng giữa các mẫu CPU khác nhau. Ngoài ra nếu muốn nâng cấp CPU, hãy chọn một mẫu CPU cao cấp hơn hẳn, hoặc đời mới hơn hẳn vì như thế mới mang đến hiệu năng cải thiện rõ rệt, ví dụ như nâng từ Core i3 lên i5 hoặc i7, hoặc từ đời 7 lên đời 9, đời 10.
Cũng cần lưu ý rằng nâng cấp CPU rất tốn kém và có thể bạn phải nâng cấp luôn bo mạch chủ nếu socket không tương thích. Ngay cả khi bo mạch tương thích, bạn cũng cần chú ý nâng cấp BIOS để CPU hoạt động một cách tốt nhất.
Cuối cùng, nếu cảm thấy toàn bộ hệ thống đã cũ và nâng cấp nhiều bộ phận sẽ rất đắt, bạn có thể cân nhắc mua máy tính mới.
5. Nâng cấp phần mềm thì sao
Đa số phần mềm trên PC hiện nay được thiết kế cập nhật tự động. Nếu không, bạn có thể kiểm tra và cập nhật cho phần mềm.
Đa phần bản cập nhật phần mềm sẽ sửa lỗi, vá các lỗ hổng bảo mật. Tuy nhiên nếu là bản cập nhật bổ sung tính năng mới, phần mềm sẽ nặng hơn và sử dụng nhiều tài nguyên hơn.
Với hệ điều hành cũng vậy. Một bản cập nhật lớn với nhiều tính năng mới sẽ khiến hệ điều hành nặng hơn. Vì vậy phần cứng PC cũng cần được nâng cấp để đáp ứng cho phần mềm.
6. Còn gì khác để nâng cấp
Bo mạch chủ là thành phần khó nâng cấp nhất vì chúng cần tương thích với mọi linh kiện khác, nếu không bạn sẽ cần mua luôn linh kiện mới. Do đó, nâng cấp bo mạch chủ chỉ phù hợp khi bạn ráp máy mới.
Nếu là nhiếp ảnh gia, biên tập video, ngoài nâng cấp RAM, một màn hình chất lượng cao sẽ hỗ trợ cho công việc tốt hơn.