Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, các ngân hàng đang cho khách hàng vay 8.529.588 tỷ đồng, tăng 1.172.699 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (7.356.889 tỷ đồng), tương đương với tăng 15,9%.
Tuy nhiên, nếu xem việc tăng trưởng tín dụng là tín hiệu đáng mừng thì xuất hiện một “hố đen” của nhóm này bởi tổng nợ xấu lên đến 136.424 tỷ đồng, tăng 37.547 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (98.878 tỷ đồng), tương đương 38%.
Trong đó, ở nhóm nợ 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) hiện đang có 33.780 tỷ đồng, tăng 4.363 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (29.144 tỷ đồng), tương đương với 15,9%. Ở nhóm nợ 4 (nợ nghi ngờ) là 33.138 tỷ đồng, tăng 6.002 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (27.137 tỷ đồng), tương đương với 22,1%.
Đặc biệt ở nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang tồn đọng con số cao hơn cả hai khoản ở nhóm 3 và nhóm 4 cộng lại, 69.505 tỷ đồng, tăng đến 42.597 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (42.597 tỷ đồng), tương đương với tỷ lệ 63,2%.
Theo cơ cấu nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ 24,8%, nợ nghi ngờ chiếm tỷ lệ 24,3% và nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ 50,9%.
Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 1,6%, tăng mạnh so với mức 1,34% hồi đầu năm. Tỷ lệ gia tăng tương đương 19,0%. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% gồm: BacABank (0,53%); Vietcombank (0,68%); ACB (0,74%); TPBank (0,84%); Techcombank (0,91%); Sacombank (0,98%).
Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 1% gồm: MB (1,09%); BIDV (1,06%); ViettinBank (1,24%); NamABank (1,35%); LienVietPostBank (1,46%); VietAbank (1,53%); SeABank (1,60%); HDBank (1,67%); MSB (1,70%); Eximbank (1,80%); KienLongBank (1,89%).
Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% gồm: Saigonbank (2,12%); OCB (2,23%); VIB (2,45%); SHB (2,53%); (PGBank 2,56%); Viet CapitalBank (2,79%); ABBank (2,88%). Ngoài ra, nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là Vietbank (3,65%); (VPbank) 5,73%; NCB (17,93%). |