Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, không phải lo nguồn vốn để thực hiện chủ trương này, quan trọng là phải đúng đối tượng.
Theo nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ đồng ý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Hoan nghênh nghị quyết của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng cấp bù lãi suất là biện pháp cần thiết để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội vì hiện nay có nhiều chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội nhưng khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn.
Chính vì thế rất cần tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo hai kênh: Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối.
Trước băn khoăn mới có chủ trương về gói cấp bù lãi suất nhưng chưa có vốn và phải tìm nguồn vốn ở đâu, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng không cần phải lo lắng vì con số 2.000-3.000 tỷ không phải là chuyện khó khăn đối với ngân sách. Chưa kể, phát triển dự án có lộ trình rất dài, Chính phủ không nhất thiết phải chuẩn bị ngay khoản tín dụng này, mà trên nguyên tắc là đồng ý với các ngân hàng cứ cho vay rồi quyết toán lại với Nhà nước.
"Nguồn vốn này chưa cần phải có ngay, quan trọng là làm thế nào để không sai mục đích, sai đối tượng của nguồn vốn", ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
Theo Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động Việt Nam, về nguyên tắc phải có cơ chế để cho vay vốn. Ngân hàng coi đây là một phương án cho vay bình thường, cũng phải thẩm định và nếu trong trường hợp thẩm định sai thì ngân hàng không được nhận tiền cấp bù lãi suất của Nhà nước.
Ngân hàng buộc phải có cơ chế để đảm bảo cho vay đúng đối tượng mới lấy được tiền cấp bù lãi suất. Ảnh minh họa
Chủ đầu tư muốn vay thì phải có phương án, dự án được duyệt, ngân hàng thẩm định hồ sơ từ đó quyết định có cho vay hay không. Còn người dân mua nhà ở xã hội đã có các sở Xây dựng thẩm định hồ sơ, đúng đối tượng mới quyết định công nhận danh sách. Bởi có kiểm duyệt nên không sợ bị sai đối tượng. Hơn nữa, nếu ngân hàng làm không chặt thì làm sao lấy được tiền cấp bù lãi suất", ông Nguyễn Văn Đính khẳng định."Có hai đối tượng được vay dòng tín dụng này: chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và người dân vay mua nhà ở xã hội.
Dù vậy, ông cũng lưu ý, khi đưa ra ưu tiên cho doanh nghiệp xây dựng dự án nhà ở xã hội (ở đây là cơ chế hỗ trợ lãi suất) thì cũng phải có chế tài bắt buộc để các doanh nghiệp có động lực, trách nhiệm, đó là phải xây dựng xong mới được hưởng, cùng với đó là quy hoạch đồng bộ hạ tầng. Đối với người mua, khi tiếp quản nhà rồi phải sử dụng đúng mục đích, không được bán, chuyển nhượng trong vòng 5 năm.
Bên cạnh vấn đề nguồn vốn cho nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Đính nhắc lại một nghịch lý tồn tại ở nhiều dự án nhà ở xã hội dù nhu cầu lớn, nguồn cung thiếu hụt để những dự án sau này tránh lặp lại: mở bán hàng chục lần nhưng vẫn ế.
Nguyên nhân đẩy người thu nhập thấp "tháo chạy" khỏi phân khúc vốn dành cho họ, theo ông Đính vẫn là do hạ tầng quanh dự án không đồng bộ, thiếu tính kết nối, nhà ở chạy trước hạ tầng một bước.
"Việc phát triển dự án nhà ở xã hội trước đây chưa có định hướng cụ thể, chiến lược bài bản, phần nhiều mang tính tự phát. Những dự án nhà ở xã hội không bán được chẳng qua do vị trí các dự án này không phù hợp, xây dựng trên nền tảng không có hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ nên người dân không thiết tha.
Có những chủ đầu tư rất tâm huyết với dự án nhà ở xã hội nhưng để phát triển được thì họ phải đi tìm những quỹ đất ở rất xa trung tâm thành phố để đảm bảo yếu tố giá rẻ và khi ấy họ không được ai hỗ trợ.
Vì yếu tố giá rẻ ấy mà hầu hết các dự án nhà ở xã hội được xây ở những nơi hẻo lánh, ít hạ tầng kết nối, gần như tách rời khỏi kết cấu hạ tầng. Những khu đất 'vàng' thuận lợi cho việc đi lại, dễ dàng kết nối với hạ tầng cơ sở nghiễm nhiên trở thành địa điểm để xây dựng những dự án nhà ở thương mại.
Đó là lý do khiến nhiều khu nhà ở được xây lên nhưng chẳng ai đến ở. Vì lẽ đó phải có định hướng về chiến lược, quy hoạch cho phù hợp, chẳng hạn xây dựng nhà ở xã hội ở nơi có rất nhiều công nhân ở, gần các nhà máy sản xuất, có việc làm thì người dân ắt lựa chọn", ông Nguyễn Văn Đính phân tích.
Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tin rằng, gói tín dụng với tổng cộng 3.000 tỷ đồng nói trên sẽ giúp tạo thêm nguồn cung căn hộ và khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ phải tính toán lại giá cả để cạnh tranh.
"Bài học của những năm 2013-2014 khi Nhà nước đưa ra gói 30.000 tỷ đồng đã có, khi gói tín dụng được đưa ra nó đã kích thích cả thị trường bất động sản, thị trường sôi động trở lại sau thời gian đóng băng.
Bây giờ, sau nhiều năm, Chính phủ lại tung ra gói tín dụng mới này để cứu chương trình nhà ở xã hội bị đình trệ mấy năm nay. Thị trường hiện đang rất thiếu loại hình nhà ở này", ông Đính nói.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng trên 85.000 căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180 nghìn căn.
Tuy nhiên, kết quả của chương trình này so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 34%.
Thành Luân - Theo Báo Đất Viêtj