156ha đất công nông trường dừa: Quá thời hạn vẫn chưa bị xử lý?
08/11/2019 19:04
Dự án tại 156ha đất công nông trường dừa quận 9 đã chậm triển khai 15 năm nhưng chủ đầu tư dây dưa, không bàn giao lại cho nhà nước quản lý mặc dù các cơ quan ban ngành đã nhiều lần ra văn bản đề nghị thu hồi.
Dự án tại 156ha đất công nông trường dừa quận 9 đã chậm triển khai 15 năm nhưng chủ đầu tư dây dưa, không bàn giao lại cho nhà nước quản lý mặc dù các cơ quan ban ngành đã nhiều lần ra văn bản đề nghị thu hồi.
Ngày 2/8/2004, UBND TP.HCM có Văn bản số 4490/UB-ĐT, giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) làm chủ đầu tư dự án Khu du lịch sân gôn Sài Gòn tại nông trường dừa (phường Long Trường, quận 9). Dự án có quy mô khoảng 300ha, trong đó Khu du lịch sân gôn khoảng 156ha.
Bị thu hồi đất nhưng không chịu bàn giao?
Năm 2007, Saigontourist giao Công ty TNHH Sài Gòn Gôn (Công ty Sài Gòn Gôn) đứng tên chủ đầu tư dự án sân gôn tại khu vực 156ha đất công nông trường dừa quận 9. Công ty Sài Gòn Gôn có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Saigontourist góp 70 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Địa ốc Thành Nhơn (thuộc Tập đoàn Novaland) góp 60 tỷ đồng và 70 tỷ đồng của 2 cổ đông còn lại.
Dự án sân gôn sau đó không triển khai do không nằm trong danh mục các sân gôn dự kiến phát triển được Thủ tướng phê duyệt. Năm 2009, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn xin chuyển chức năng thành Khu hội nghị và du lịch sinh thái Sài Gòn. Sau đó, Công ty Sài Gòn Gôn nhiều lần xin chuyển chức năng dự án sang Khu đô thị và du lịch sinh thái Eastern Sense, cuối cùng chuyển thành Khu đô thị Eastern Sense.
Trước tình trạng nhà đầu tư liên tục xin chuyển chức năng dự án nhưng không chịu triển khai, ngày 11/4/2014, Thành ủy TP.HCM có Công văn 6420-CV/VPTU, giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo thu hồi chủ trương đầu tư và 156ha đất nhà nước, giao cho UBND quận 9 quản lý. Đồng thời thuê tư vấn nước ngoài làm đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, trên cơ sở đồ án quy hoạch được duyệt mới kêu gọi đầu tư theo quy định.
Ngày 23/5/2014, UBND TP.HCM đã ra Quyết định 2541/QĐ-UBND, thu hồi khu đất 156ha đã giao cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, giao UBND quận 9 quản lý. Tuy nhiên, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn có dấu hiệu chây ì, không hợp tác bàn giao khu đất cho UBND quận 9 quản lý theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM.
Cụ thể, sau khi có Quyết định thu hồi đất của UBND TP, ngày 11/7/2014, UBND quận 9 đã làm việc với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, đề nghị công ty chuẩn bị hồ sơ liên quan đến khu đất 156ha để UBND quận 9 tiếp nhận bàn giao khu đất. Ngày 15/8/2014, UBND quận 9 ra Văn bản số 1493/UBND-TNMT đề nghị Tổng công ty Du lịch Sài Gòn sớm bàn giao hồ sơ để UBND quận 9 tiếp nhận khu đất trên.
Sau nhiều lần làm việc, nhưng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn vẫn không chịu bàn giao hồ sơ liên quan đến khu đất nên ngày 10/10/2014, UBND quận 9 báo cáo lên UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo. Ngày 28/11/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn 8694/TNMT-QLSDĐ gửi Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, đề nghị Tổng công ty khẩn trương phối hợp với UBND quận 9 thực hiện bàn giao khu đất 156ha tại nông trường dừa và hồ sơ pháp lý liên quan cho UBND quận 9 theo Quyết định thu hồi đất của UBND TP.
Khi nào xử lý chủ đầu tư tại khu đất 156ha?
Trước sự quyết liệt thu hồi đất của UBND quận 9, ngày 25/12/2014, Công ty Sài Gòn Gôn làm Văn bản 08/2014/CV-SGG gửi Thường trực Thành ủy TP.HCM. Tại văn bản này, Công ty Sài Gòn Gôn cho biết đã tốn rất nhiều công sức và tiền của cho việc triển khai đầu tư dự án gần 10 năm, nên việc UBND TP quyết định thu hồi đất dự án là một thiệt hại rất lớn cho công ty.
Công ty Sài Gòn Gôn xin Thành ủy, Thành phố không thu hồi đất và tiếp tục cho công ty được tiếp tục triển khai đầu tư dự án. Đáng chú ý, người giữ chức Tổng giám đốc của Công ty Sài Gòn Gôn ký vào văn bản này là ông Bùi Cao Nhật Quân (con trai ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland).
Đến ngày 10/12/2015, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Nguyễn Hữu Tín đã ký vào Công văn 7688/UBND-ĐTMT, tiếp tục công nhận Công ty Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dự án Giai đoạn 1 – Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư đô thị tại khu vực nông trường dừa (phường Long Trường, quận 9), quy mô khoảng 156ha.
Tại Công văn 7688, UBND TP đề nghị Công ty Sài Gòn Gôn có thực hiện các nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại theo quy định; Liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn và thực hiện nghĩa vụ tài chính; Liên hệ các cơ quan chức năng để được hướng dẫn về việc san lấp, đấu nối hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường; Triển khai thực hiện các bước thủ tục đầu tư theo quy định Pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và quản lý đầu tư phát triển đô thị…
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày UBND TP chấp thuận công nhận Công ty Cổ phần Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dự án, nếu chủ đầu tư không thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật thì văn bản công nhận chủ đầu tư sẽ hết hiệu lực thực hiện.
Theo báo cáo 74/TCDN-TM của Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP.HCM ngày 23/1/2018 thì ngày 6/1/2017, Văn phòng UBND TP có Công văn 149/VP-KT về việc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn thoái vốn khỏi Công ty Sài Gòn Gôn và gia hạn hiệu lực của Công văn 7688. Trong đó, Công ty Sài Gòn Gôn có trách nhiệm liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Tuy nhiên, đến ngày 23/1/2018, Công ty Sài Gòn Gôn vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước với khu đất 156ha. Trước tình hình đó, Chi cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các nội dung chỉ đạo của UBND TP tại Công văn 7688. Trên cơ sở đó tham mưu đề xuất UBND TP hướng xử lý phù hợp với quy định trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện hoàn tất các thủ tục, nghĩa vụ của chủ đầu tư theo quy định.
Từ khi Công ty Sài Gòn Gôn tiếp tục được công nhận là chủ đầu tư dự án 156ha tại nông trường dừa đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai. Đồng thời, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong các thủ tục đầu tư theo quy định. Do đó, UBND TP.HCM cần vào cuộc rốt ráo và xử lý theo nội dung đã nêu tại Công văn 1688 đã ban hành ngày 10/12/2015.