Tính đến cuối tháng 6/2023, Kita Invest đang có khoản nợ 10.194 tỷ đồng, gấp gần 9 lần vốn tự có của đơn vị này. Với cơ cấu nguồn vốn như vậy, 90% tài sản của Kita Invest được mua sắm từ các nguồn vay nợ. Và mặc dù tận dụng tối đa các đòn bẫy và bất chấp gánh nặng phát sinh do chi phí tài chính tăng cao.
Kita Invest chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận sau thuế so với vốn chủ sở hữu 0,21%. Nếu so con số lợi nhuận chẳng khác gì mang tính tượng trưng này với số tài sản đã được gia tăng bất chấp rủi ro, có thể phần nào hình dung năng lực quản trị của lãnh đạo Kita Invest.
Trong kỳ, số nợ gốc và lãi trái phiếu phải trả lên đến 2.137 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ có thể trả 1.737 tỷ đồng. Trong đó, 34 tỷ đồng trả trễ hạn. “Do sự ảnh hưởng khách quan từ nền kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS nói chung và hoạt động kinh doanh của công ty nói riêng”, Kita Invest giải thích lý do không thể trả 400 tỷ đồng nợ trái phiếu còn lại. Đó là lô KITA.BOND2020.03 với giá trị phát hành 500 tỷ đồng. Trong năm 2022, đơn vị này đã chi 299 tỷ đồng để trả lãi.
Như vậy, Kita Invest đã không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ mặc dù trước đó, áp lực đã được gia giảm bởi kỳ hạn trả gốc và lãi 2 lô trái phiếu KITA.BOND2020.07 và KITA.BOND2020.08 đã được nới sang năm 2024. Và Kita Invest phải chịu trả lãi suất 13,9%/năm, áp dụng từ ngày 31/7/2023. Giá trị của 2 lô trái phiếu này lên đến 400 tỷ đồng. Đồng thời lô KITA.BOND2020.03 đã được kéo dài thêm 6 tháng để trả nợ.
Theo hồ sơ doanh nghiệp phát hành được công bố trên HNX, Công ty CP Kita Invest có vốn điều lệ 1.150 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là Đỗ Xuân Cảnh. Đơn vị này thuộc hệ sinh thái Kita Group và ông Lê Văn Lợi hiện đang là Tổng Giám đốc.