Văn Phú Bắc Ái chủ động dừng thi công dự án BT để chờ TP.HCM giải ngân

21/11/2020 16:38

Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái khẳng định, đang chủ động dừng thi công để chờ UBND TP.HCM giải ngân khoản chi phí đầu tư (gần 1.400 tỷ đồng) mà doanh nghiệp đã ứng để thực hiện dự án tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Q.Thủ Đức) theo hợp đồng BT đã ký giữa 2 bên vào tháng 11/2016.

Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái khẳng định, đang chủ động dừng thi công để chờ UBND TP.HCM giải ngân khoản chi phí đầu tư (gần 1.400 tỷ đồng) mà doanh nghiệp đã ứng để thực hiện dự án tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Q.Thủ Đức) theo hợp đồng BT đã ký giữa 2 bên vào tháng 11/2016.

Trước thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí về tiến độ thi công chậm chạp của dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đầu tư xây dựng tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, dài 2,75km, mới đây Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái - Nhà đầu tư dự án này đã phát đi thông báo phản hồi dư luận.

Nút giao thông Phạm Văn Đồng – Gò Dưa dừng thi công do nhà đầu tư chờ giải ngân)

Chủ động dừng thi công chờ thanh toán quỹ đất?

Theo Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án nút giao thông Phạm Văn Đồng – Gò Dưa là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) quá chậm chạp, chưa thể dứt điểm để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Ngoài lý do trên, Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái cũng khẳng định, đơn vị này đang chủ động dừng thi công chờ ngành chức năng TP.HCM tháo gỡ vướng mắc, giải ngân phần chi phí mà doanh nghiệp đầu tư gần 1.400 tỷ đồng vào dự án theo các điều khoản đã ký kết trong hợp BT giữa 2 bên.

“Trong 2 năm vừa qua các dự án BT, trong đó có dự án của liên doanh Văn Phú Bắc Ái hầu như đều bị “mắc kẹt” bởi các thay đổi về chính sách chung của Nhà nước. Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư bị thay thế bởi Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Sau này là Nghị định 69/2019-NĐ-CP thay thế cho Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg về cơ chế thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT. Đến nay, cơ bản những thay đổi này đã rõ ràng và dự án của nhà đầu tư này sẽ được tiếp tục theo trường hợp dự án được ký hợp đồng trước thời điểm có các quyết định điều chỉnh, thay thế”, văn bản của Văn Phú Bắc Ái nêu.

Theo văn bản, hai căn cứ để Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái chờ UBND TP.HCM giải ngân các khoản chi phí đầu tư dự án là khối lượng thi công tính đến thời điểm này đạt 43,79% và công tác đền bù, GPMB đạt 91,45%. Đặc biệt, đơn vị này đã thi công hết công địa đối với những mặt bằng sạch được tiếp nhận từ địa phương có đủ diện tích bố trí thi công.

Dự án đến nay vẫn đang ngổn ngang)

Liệu có khả thi?

Thông tin của chủ đầu tư là vậy, song theo thông tin mà Doanh nghiệp và Thương hiệu có được thì việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư hiện nay là rất khó khăn. Bao gồm các yếu tố về hành chính và về các điều kiển đủ để đáp ứng thanh toán theo hợp đồng. Vì vậy việc thanh toán ngay lập tức cho doanh nghiệp trong năm 2020 hoặc đầu năm 2021 là thực sự rất khó khả thi.

Bởi, theo quy định hiện hành việc xác định quỹ đất thanh toán và thẩm định giá bất động sản thanh toán, TP.HCM phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt rồi mới thực hiện. Thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, lãnh đạo TP.HCM luôn cân nhắc và hết sức thận trọng, đảm bảo đúng các quy định pháp luật, tránh để rơi vào các trường hợp chênh lệch giá lớn, làm lợi cho doanh nghiệp mà thất thu ngân sách Nhà nước… như một số vụ việc đã diễn ra trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận, khiến hàng loạt cựu lãnh đạo TP.HCM rơi vào vòng lao lý. Vì thế không thể nói thanh toán là làm ngay được, chưa kể TP.HCM và nhà đầu tư dự án BT còn chưa ký phụ lục hợp đồng dự án này theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2019.

Cũng theo tìm hiểu của PV, hai căn cứ mà Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái đưa ra để chờ UBND TP.HCM giải ngân, tháo gỡ khó khăn rất khó nhận được cái “gật đầu” từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Cụ thể, tại điều 11 hợp đồng BT đã ký giữ 2 bên vào tháng 11/2016 về phương thức thanh toán nêu rõ, sẽ ưu tiên thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư tạm ứng để đền bù, GPMB trước. Trong khi đó, điều 24 về quyết toán chi phí GPMB của hợp đồng này lại nêu: Gía trị quyết toán chi phí GPMB sẽ bằng tổng chi phí đền bù, GPMB và chi phí lãi vay. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ thời điểm nhà đầu tư nhận được biên bản bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công thì UBND Q.Thủ Đức có trách nhiệm bàn giao hồ sơ quyết toán chi phí GPMB để tiến hành thanh toán cho nhà đầu tư.

Nhiều hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp.)

Các điều khoản trên được hiểu là UBND TP.HCM sẽ chịu lãi vay (thực chất là đang gánh hơn 10 tỷ đồng/ tháng theo báo cáo kiểm toán), đồng thời ưu tiên thanh toán phần chi phí GPMB cho nhà đầu tư trước theo điều 11 nhưng kèm điều kiện, phải thực hiện đền bù xong và bàn giao 100% mặt bằng thi công thì mới được tiến hành thủ tục thanh toán. Trong khi đó, số liệu thống kê GPMB do chính Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái đưa ra cũng chỉ hơn 90%.

Theo khảo sát thực tế của PV thì ở một số điểm mấu chốt như đoạn băng qua đường Tam Bình hoặc đoạn đầu nút giao thông Gò Dưa việc đền bù, GPMB chưa hoàn tất, một số hộ dân thậm chí còn cho biết là chỉ mới có thông báo mà chưa nghe thoả thuận về giá.

Ngoài ra, 43,79% khối lượng thi công cũng chỉ mới là con số thống kê do chính nhà đầu tư Văn Phú Bắc Ái đưa ra chứ chưa có bất kỳ xác nhận nào của ngành chức năng. Vì vậy, cần có sự kiểm tra xác nhận của các sở ban ngành thành phố về số liệu mà Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái để làm căn cứ cho việc thanh toán sau này.

Người dân tận dụng phần đất san lấp để đổ rác gây cảnh nhếch nhác đô thị)

Mặt khác, ghi nhận của PV, công trường dự án hiện nay hết sức ngổn ngang. Mặt bằng quây rào bỏ trống, cỏ mọc um tùm, không có bóng dáng của công nhân thi công. Chỉ có 2 đoạn cầu ở đoạn đầu nút Gò Dưa và đoạn giao đường Tam Bình được thực hiện nhưng chưa hoàn thành, đang bị xuống cấp. Thậm chí một phần đất được GPMB xong còn bị người dân tận dụng để đổ rác, nhếch nhác và gây mất mĩ quan đô thị.

Rõ ràng, cả hai căn cứ mà Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái đưa ra “đòi” giải ngân, thanh toán chi phí theo hợp đồng BT hiện nay đều đẩy doanh nghiệp này và cả TP.HCM vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Nếu không thanh toán, doanh nghiệp không làm nữa, chi phí lãi vay thì TP.HCM chịu, công trình càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn. Nếu tiến hành thành toán bằng quỹ đất thì các điều kiện ràng buộc lại không cho phép. Đó là chưa kể, sau khi 6 khu đất hợp đồng BT được biết đến rộng rãi, dư luận đang phản ứng khi cho rằng giá trị đất quá lớn so với giá trị hợp đồng BT.

Để đổi lấy dự án BT nút giao thông Phạm Văn Đồng - Gò Dưa, dự kiến TP.HCM sẽ thanh toán các khu đất có vị trí đắc địa cho nhà đầu tư gồm khu đất 234 Lý Tự Trọng (Quận 1, diện tích 642,3m2), khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng (Quận 3, diện tích 7.200m2), khu đất 582 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, diện tích 12.240m2), khu đất 132 Đào Duy Từ (Quận 10, diện tích 10.618m2), khu đất 12 Kỳ Đồng (Quận 3, diện tích 940m2), khu đất 42 Trương Định (Quận 3, diện tích 807m2).

Theo Như Xuân/DN&TH

Bạn đang đọc bài viết "Văn Phú Bắc Ái chủ động dừng thi công dự án BT để chờ TP.HCM giải ngân" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.