Tự ý đưa công trình vào sử dụng, Bộ Xây dựng nghiên cứu tăng nặng xử phạt

16/10/2020 13:00

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm các hành vi không chấp hành quy định, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm các hành vi không chấp hành quy định, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Nâng cao chế tài xử lý vi phạm

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Bến Tre, trong thời gian qua, một số công trình công cộng, trụ sở làm việc của một số cơ quan đơn vị khi đưa vào sử dụng thời gian chưa hết bảo hành đã xuống cấp.

Cử tri cho rằng, vấn đề nêu trên cho thấy việc quản lý giám sát chưa chặt chẽ, nguyên vật liệu kém. Từ đó, cử tri đề nghị có giải pháp giám sát hữu hiệu hơn nữa để đảm bảo chất lượng công trình tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của nhân dân.

Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác sử dụng)

Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng, nhất là các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng đã được các cấp, các ngành, chủ thể trong hoạt động xây dựng tích cực triển khai thực hiện thông qua việc kiểm tra công tác kiểm tra nghiệm thu của Chủ đầu tư trong quá trình thi công và khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo Bộ Xây dựng, hàng năm, có từ 40.000-50.000 các công trình được thi công xây dựng trên khắp cả nước. Số liệu thống kê năm 2019 của các địa phương và các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trên 35.000 công trình. Quá trình kiểm tra đã phát hiện ra nhiều tồn tại về chất lượng và yêu cầu Chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng khắc phục trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Bộ Xây dựng đánh giá, về cơ bản, chất lượng công trình xây dựng đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận vẫn còn một số ít các công trình, chủ đầu tư không thực hiện việc báo cáo thông tin, báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình. Chủ đầu tư đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định, chất lượng công trình thấp, xuống cấp nhanh như cử tri tỉnh Bến Tre phản ảnh.

Nhận định về nguyên nhân, theo Bộ Xây dựng có trách nhiệm của cả chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và cả vấn đề về chế tài xử phạt.

“Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số Chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình chưa cao; các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ sức răn đe; công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền còn chưa chặt chẽ” – Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Dự án Hinode City gần 5.000 tỷ liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC, chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy…chủ đầu tư cho cư dân về ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật)

Bộ cũng cho biết, để khắc phục các tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62 được Quốc Hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020.

Bên cạnh đó, Bộ đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật này, trong đó có những nội dung quy định cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, có những dự án với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng dù chưa được nghiệm thu vẫn đưa vào sử dụng. Tại không ít dự án chung cư chưa được nghiệm thu nhưng chủ đầu tư cũng ngang nhiên đưa hàng trăm hộ dân vào ở, bất chấp nguy hiểm về PCCC.

Trước đó, dư luận xôn xao việc nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ chưa nghiệm thu đã đưa vào khai thác sử dụng cấp nước cho dân.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống do Tập đoàn Aqua One đầu tư được đưa vào vận hành cung cấp nước sạch cho người dân từ tháng 9/2019 nhưng đến thời điểm cuối tháng 10/2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết vẫn chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu, trong khi nhà máy này lại đang cung cấp khoảng 150.000m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng.

Thời điểm cuối tháng 10/2019, Cục Giám định cho biết, công trình đang được vận hành bình thường. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra Chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống,… Vì vậy Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đánh giá ở đây đã vi phạm quy định và là vi phạm lớn.

[caption id="attachment_55503" align="aligncenter" width="661"] Nâng cao chế tài xử lý vi phạm các hành vi không chấp hành quy định, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng[/caption]

Theo ông Chủng, công trình nhà máy nước thuộc công trình xây dựng liên quan đến an toàn sinh mạng nên cần phải rất nghiêm khắc, khắt khe.

Quy định các công trình xây dựng đặc biệt liên quan đến an toàn sinh mạng như nước uống thì có nhiều quy trình. Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có chức năng kiểm tra công tác nghiệm thu của hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá tất cả quá trình nghiệm thu đặc biệt phải kiểm tra đánh giá về sản phẩm cuối cùng.

“Luật đã quy định như vậy rồi mà chủ đầu tư không tuân thủ thì đương nhiên vi phạm mà là vi phạm lớn. Chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân thì không được. Giống như nhà ở cho dân mà chưa nghiệm thu PCCC đã cho dân về ở là không ổn” – ông Chủng nhấn mạnh.

Tình trạng các công trình nhà ở, chung cư chưa được nghiệm thu công trình, nghiệm thu PCCC đã cho dân vào ở cũng không phải chuyện hiếm ở các địa phương. Như ở ngay giữa Hà Nội, dự án Hinode City 201 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) dù chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy…chủ đầu tư cho cư dân về ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật.

Tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng làm đại diện pháp luật 103 triệu đồng do thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Chỉ 2 ngày sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Công an, UBND quận Hai Bà Trưng có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do đã có hành vi bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm trên bị xử phạt 75 triệu đồng.

Trước đó vào tháng 9/2019, chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai đã bị xử phạt 40 triệu đồng do “Tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”.

Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, theo PGS.TS Trần Chủng chủ đầu tư không tuân thủ vẫn cho dân vào ở mà chính quyền không quyết liệt xử lý là làm ngơ thiếu trách nhiệm.

“Phải sống và làm việc theo pháp luật phải tuân thủ theo đúng những quy định bởi đây là vấn đề liên quan đến an toàn sinh mạng người dân. Luật đã quy định vì vậy cần quy rõ trách nhiệm. Chủ đầu tư sai quy trình chính quyền, cơ quan Nhà nước lập tức phải có biện pháp can thiệp hành chính khác chứ không phải muốn làm gì thì làm. Chính quyền phải có trách nhiệm về quản lý trên địa bàn phải bảo vệ người dân đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng” – ông Chủng nhấn mạnh.

Cần “cấm cửa” chủ đầu tư vi phạm 

Vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội công bố Dự thảo lần 3 Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Theo dự thảo Nghị quyết này, mức tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong dự thảo nghị quyết bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Tại dự thảo, Sở Xây dựng đã đề xuất xử phạt với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cao nhất là 2 tỷ đồng (theo hành vi quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP).

Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng, PCCC còn thấp, chưa tương xứng với mức độ vi phạm cần có cơ chế không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho các chủ đầu tư vi phạm.

“Đối với mỗi hành vi vi phạm quy định về PCCC thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong khi đó các hành vi vi phạm này có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn sinh mạng của hàng nghìn cư dân khi vào sinh sống trong các chung cư chưa được nghiệm thu PCCC. Chúng ta cần sửa đổi Nghị định 167 theo hướng xử phạt tiền lên đến hàng tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm về PCCC, đồng thời có cơ chế không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho các chủ đầu tư thường xuyên vi phạm về xây dựng, PCCC” – luật sư Toại nêu ý kiến.

Thuận Phong - Theo Vietnamnet

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Tự ý đưa công trình vào sử dụng, Bộ Xây dựng nghiên cứu tăng nặng xử phạt" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.