Chưa đủ người tố cáo địa ốc Alibaba: Ai chưa xuất hiện?

28/02/2020 09:52

 Minh bạch các hoạt động đầu tư tại Alibaba để trả lại sự công bằng cho những người làm ăn chân chhnh, đồng thời để ngăn chặn tham nhũng...

 Minh bạch các hoạt động đầu tư tại Alibaba để trả lại sự công bằng cho những người làm ăn chân chhnh, đồng thời để ngăn chặn tham nhũng...

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm trước thông tin còn 700 tỷ liên quan tới sai phạm của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (gọi là Công ty Alibaba) chưa có người thừa nhận.

Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) đang bị điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh Soha

Còn với những người bị mất tiền mà lại không dám xuất đầu lộ diện có thể là do họ không biết thông tin nhưng khả năng nhiều hơn là muốn né tránh, không muốn bị gây phiền hà, bị yêu cầu làm việc với cơ quan pháp luật.Về việc này, ông Tiến nhận định, những khách hàng đã lộ diện có thể đều là những nhà đầu tư chính đáng, những người dân có nhu cầu mua bán thật sự nên khi bị mất của họ đã sẵn sàng đứng ra để tố cáo, đòi lại quyền lợi.

Cũng không loại trừ khả năng, tiền tham nhũng, tiền có nguồn gốc bất chính đã được đầu tư vào các dự án dạng này.

"Vậy thì càng cần phải điều tra cho rõ ràng, tìm cho ra những người đã đầu tư số tiền 700 tỷ đó là những ai? Tiền kiếm được có từ đâu? Vì điều này còn liên quan tới vấn đề xác minh dòng tiền, liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, việc làm rõ nguồn gốc dòng tiền đã thực hiện giao dịch để qua đó xác định người đã tham gia thực hiện giao dịch không mua bán với công ty này hoàn toàn không khó.

Cơ quan điều tra có thể căn cứ trên hồ sơ Alibaba đang nắm giữ để làm rõ các giao dịch công ty này đã thực hiện với những khách hàng nào, bao nhiêu tiền?", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, thực tế đã có nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử nhưng tài sản tham nhũng lại không thu hồi được có nguyên nhân từ việc mang tiền đi đầu tư vào các dự án, hay chuyển nhượng, sang tên cho người khác khiến cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn.

"Trong vụ án này cũng không thể loại trừ khả năng tiền tham nhũng đã được đẩy ra thị trường bằng cách đầu tư vào các dự án ma do công ty vẽ ra nhằm hợp thức hóa dòng tiền.

Hoặc tiền "bẩn" được đầu tư vào các dự án theo hình thức làm tài sản cho vợ, con, anh, chị em đứng tên. Vì thế mới có câu chuyện cậu ấm 20 tuổi đã sở hữu khối tài sản kếch xù mà không ai tin nổi", ông Tiến thẳng thắn.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói thêm, luật phòng chống tham nhũng mới đây đã phải bổ sung thêm quy định yêu cầu kê khai tài sản không chỉ là tiền và tài sản của người có hành vi tham nhũng mà còn bao gồm cả tiền và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng cũng phải kê khai. Vì tiền và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng là dòng tiền có thể chuyển dịch được, có thể mang ra đầu tư, mua bán, được chuyển từ tay người tham nhũng sang cho những người thân ruột thịt... Vì thế, tất cả tiền có nguồn gốc từ tham nhũng đều phải bị tịch thu.

Từ cách nhìn nhận trên, ông Tiến nhấn mạnh cơ quan điều tra rất cần phải điều tra và nên tiếp tục đẩy mạnh điều tra để công khai minh bạch các hoạt động đầu tư tại công ty này. Việc làm minh bạch các hoạt động đầu tư nhằm trả lại sự công bằng cho những người làm ăn, đầu tư chính đáng. Ngược lại, nếu phát hiện có tham nhũng, có hành vi rửa tiền thông qua dự án cũng phải làm rõ đó là những ai, số tiền là bao nhiêu để tiếp tục kiến nghị xử lý.

Theo ông Tiến, ngay từ khi tiến hành điều tra vụ án này nhiều ĐBQH cũng đã nêu ý kiến nghi ngờ, yêu cầu làm rõ có hay không sự tiếp tay của các cán bộ quản lý nhà nước cho doanh nghiệp làm sai. Những nghi vấn của dư luận xã hội và ĐBQH là hoàn toàn có cơ sở, bởi đây là công ty được hình thành và hoạt động trong nhiều năm. Hàng loạt những dự án chưa được cấp phép vẫn rầm rộ thực hiện giao dịch, làm hợp đồng mà địa phương không có động thái khuyến cáo, ngăn chặn... là điều rất khó hiểu. Vì thế, làm rõ, làm minh bạch hoạt động đầu tư tại dự án còn là cách để tìm ra câu trả lời cho dư luận.

"Tôi luôn nhấn mạnh "tiền đi có vết", tuy nhiên tiền tham nhũng thường có đường đi vòng vèo, phức tạp hơn vì thế cơ quan điều tra phải rất quyết liệt thì mới làm được.

Cơ quan điều tra của Việt Nam rất giỏi, những vụ án chuyển tiền ra nước ngoài rất phức tạp nhưng chúng ta cũng đã điều tra, đã ngăn chặn được. Đến ngay vụ việc phức tạp và sử dụng rất nhiều những vỏ bọc khác nhau để che dấu hành vi sai phạm như Vũ "nhôm" mà cơ quan điều tra vẫn phanh phui, điều tra được thì chắc chắn một vụ việc như Alibaba sẽ được làm rõ", ông Tiến tin tưởng.

 

 

Lam Nguyễn - Theo baodatviet.vn

 

https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chua-du-nguoi-to-cao-dia-oc-alibaba-ai-chua-xuat-hien-3397655/

 

Bạn đang đọc bài viết "Chưa đủ người tố cáo địa ốc Alibaba: Ai chưa xuất hiện?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.