Ngân hàng Quốc tế: Nợ xấu tăng lên 2,4%, trích lập dự phòng gần 950 tỷ đồng

21/06/2024 07:38

Quý 1/2024, Ngân hàng Quốc tế (VIB) báo lãi trước thuế hơn 2.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên khoảng 2,4%.

ngan-hang-quoc-te-no-xau-tang-len-24-trich-lap-du-phong-gan-950-ty-dong-1718930151.jpg

Lợi nhuận sụt giảm nhẹ, Ngân hàng VIB lâm vào cảnh âm dòng tiền

Trong quý 1/2024, lãi suất tiết kiệm đã liên tục lập mức đáy mới, dẫn đến sự chậm lại trong dòng tiền từ cư dân và doanh nghiệp vào ngân hàng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê tính đến ngày 25/3/2024, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) không nằm ngoài xu hướng này. Vào ngày 31/3/2024, số tiền gửi từ khách hàng tại VIB đạt 234.211 tỷ đồng, giảm 2.366 tỷ đồng, tương đương 1% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng giảm mặc dù VIB vẫn duy trì chính sách lãi suất hấp dẫn.

Về lãi suất, vào cuối quý 1/2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn bằng VND dao động từ 0,1% đến 10,1% (giảm nhẹ so với khoảng từ 0,5% đến 10,5% vào cuối năm 2023); lãi suất tiền gửi tiết kiệm có hạn VND từ 0,3% đến 11,1% mỗi năm (giảm nhẹ so với mức từ 0,5% đến 11,1% mỗi năm).

Trước khi duy trì chính sách lãi suất cao dù thị trường giảm sâu, VIB đã phải đối mặt với các tranh cãi từ phía khách hàng. Sự suy giảm trong việc huy động vốn cũng có tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của VIB.

Cụ thể, kết thúc 3 tháng đầu năm, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ghi nhận kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 2.502 tỷ đồng, giảm 197 tỷ đồng, tương đương 7,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 8% so với cùng kỳ, đạt 5.320 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi chiếm gần 25% doanh thu.

Biên lãi ròng (NIM) của VIB được duy trì ở mức cao 4,5% giữa xu hướng giảm chung của cả lãi suất huy động và lãi suất vay, cho thấy khả năng tối ưu hóa nguồn thu từ hoạt động tín dụng của VIB.

Hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) ở mức 30%, giúp VIB lọt top những ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất. Qua đó, lợi nhuận trước dự phòng đạt hơn 3.440 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng từ 2,2% lên khoảng 2,4%. Do đó, ngân hàng đã chủ động gia tăng bộ đệm dự phòng, trích lập dự phòng rủi ro gần 950 tỷ đồng trong kỳ, tăng hơn 40% so với quý 1/2023.

Kết thúc quý 1/2024, VIB duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 24%. Tổng tài sản VIB đạt 413.887 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

ngan-hang-quoc-te-no-xau-tang-len-24-trich-lap-du-phong-gan-950-ty-dong-hinh-2-1718930151.png

Diễn biến doanh thu (tỷ đồng) và hiệu suất chi phí (%) của VIB giai đoạn 2023 - Q1/2024

Đáng chú ý, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) của VIB giảm từ 8.217 tỷ đồng về còn 3.748 tỷ đồng, tương ứng giảm 4.469 tỷ đồng sau 3 tháng. Tuy nhiên, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác tăng từ 68.197 tỷ đồng (ngày 1/1/2024) lên 92.771 tỷ đồng (ngày 31/3/2024).

Bên cạnh đó, kết thúc quý 1/2024, chứng khoán đầu tư tại VIB đạt 44.298 tỷ đồng, giảm hơn 16.690 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nay.

Tính đến hết tháng 3/2024, nguồn vốn huy động của VIB đạt hơn 360.000 tỷ đồng gồm tiền gửi khách hàng, giấy tờ có giá, huy động từ các định chế quốc tế như IFC, ADB.

Trong đó, VIB đã thành công giải ngân khoản vay 100 triệu USD từ IFC và khoản vay hợp vốn lớn nhất ngành ngân hàng năm 2023, trị giá 280 triệu USD, từ đối tác UOB và 12 định chế tài chính hàng đầu thế giới. Tổng huy động quốc tế của VIB hiện đạt hơn 1,1 tỷ USD, với hạn mức tín dụng từ các tổ chức này lên đến hơn 2,5 tỷ USD.

Về chi phí huy động, VIB ghi nhận giảm hơn 2% so với cùng kỳ.

Tại ngày 31/3/2024, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của nhà băng này là âm 2.404 tỷ đồng, trong khi cuối kỳ trước còn ghi nhận dương 4.301 tỷ đồng.

Bảng lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy một trong những nguyên nhân chính khiến VIB âm dòng tiền chính là nhà băng này ghi nhận 2.366 tỷ đồng giảm tiền gửi của khách hàng.

Năm 2023, VIB mang về tổng doanh thu đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Trong đó, thu nhập từ lãi đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu. Chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát tốt, duy trì ở mức 6.600 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 7% so với cùng kỳ.

Mức chênh lệch 16% giữa tăng doanh thu và tăng chi phí đã giúp VIB gia tăng hiệu quả chi phí, giảm hệ số CIR (chi phí/doanh thu) xuống chỉ còn 30%, mức tốt nhất từ trước tới nay và thuộc top đầu ngành. Nhờ đó, lợi nhuận trước dự phòng tín dụng đạt trên 15.500 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm 2022.

Kết thúc năm 2023, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25%.

ngan-hang-quoc-te-no-xau-tang-len-24-trich-lap-du-phong-gan-950-ty-dong-hinh-3-1718930151.jpg

Thời điểm này, tổng tài sản của VIB đạt gần 410.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng cuối kỳ đạt hơn 267.000 tỷ đồng, tăng 14,2%, sử dụng hết hạn mức tín dụng được NHNN cấp đầu năm và vượt qua mức tăng trưởng trung bình của toàn hệ thống.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng huy động vốn của VIB đạt 283.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng chiếm gần 237.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Sự gia tăng chủ yếu đến từ huy động tiền gửi cá nhân, với số dư CASA của khách hàng cá nhân cũng tăng đáng kể, lên đến 33% so với đầu năm.

(còn tiếp)

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Quốc tế: Nợ xấu tăng lên 2,4%, trích lập dự phòng gần 950 tỷ đồng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.