Kỳ 4: Công ty Vịnh Nha Trang: Đồng bạc ‘đâm toạc’ chữ tín!?

01/11/2019 12:02

Nhiều khách hàng đầu tư hàng chục tỷ đồng vào dự án Panorama Nha Trang đã đồng loạt làm đơn khiếu nại “tố” đích danh ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT và bà Hà Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty Vịnh Nha Trang có hành vi lừa dối, “bội tín” trên niềm tin của khách hàng.

Nhiều khách hàng đầu tư hàng chục tỷ đồng vào dự án Panorama Nha Trang đã đồng loạt làm đơn khiếu nại “tố” đích danh ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT và bà Hà Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty Vịnh Nha Trang có hành vi lừa dối, “bội tín” trên niềm tin của khách hàng.

Nhiều khách hàng đang tìm cách tháo chạy khỏi dự án Panorama Nha Trang (Khánh Hòa) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (gọi là Công ty VNT) làm chủ đầu tư. Lý do được đưa ra bởi Công ty đã không thực hiện đúng lời hứa, cam kết, dùng chữ “tín” để lừa dối khách hàng khi cam kết một đằng, thực hiện một nẻo và không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm khi bị khách hàng bóc mẽ những sai phạm vi phạm hợp đồng.

Như một “giọt nước tràn ly” nhiều khách hàng đã cùng làm đơn khiếu nại “tố” đích danh ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT và bà Hà Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty VNT đề nghị truy tố theo điều 198 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội lừa dối khách hàng.

Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Vịnh Nha Trang bị khách hàng “tố” lừa dối khách hàng

“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”

Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty VNT được biết đến là tay buôn quần Jeans, đồ lót ở Đông Âu đến ông chủ hàng loạt dự án Bất động sản (BĐS) nghìn tỷ được phát triển theo mô hình Condotel. Có thể kể đến 02 dự án “nổi bật” cũng không kém phần “tai tiếng” của vị doanh nhân thế hệ 7x là dự án Arena Cam Ranh (Khánh Hòa) mới đây bị Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa ra quyết định đình chỉ xây dựng với lý do không có Giấy phép xây dựng (GPXD) dù đã khởi công gần 2 năm nay. Tiếp đến là dự án Panorama Nha Trang cũng đang bị nhiều khách hàng, cơ quan thông tấn báo chí phản ánh “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Nhưng ít ai biết rằng trước đó ông Đức đã từng thành công trong lĩnh vực nuôi cá tầm trước khi thành ông chủ hàng loạt dự án BĐS nghìn tỷ. Và cũng từ đó ông Lê Anh Đức được biệt danh là “Đức cá tầm”. Tuy nhiên, đối với nhiều khách hàng sau này khi tham gia đầu tư dự án Panorama Nha Trang của Công ty VNT cho biết “tầm” thôi là chưa đủ, trong kinh doanh cần phải có “tâm” và nhất thiết phải hội tụ đủ “tâm – tầm” thì doanh nghiệp mới phát triển, xây dựng được uy tín, niềm tin đối với khách hàng.

Trong nhiều đơn thư khiếu nại chỉ “đích danh” ông Lê Đức Anh, Chủ tịch HĐQT và bà Hà Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc có nhiều hành vi lừa dối khách hàng ngay từ khi dự án Panorama Nha Trang vừa “chào đời”.

Khách hàng dự án Panorama Nha Trang căng băng rôn đòi quyền lợi.

Các khách hàng còn tiếp tục đưa ra những minh chứng cho thấy hành vi có dấu hiệu lừa dối khách hàng, cụ thể liên quan đến giấy chứng nhận căn hộ bà Đoàn Thị Bích Hảo, Giám đốc điều hành đã cam kết sẽ cung cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở (Điều 6.1.5, HĐMB). Tuy nhiên đối chiếu với Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật đất đai, đối tượng mua bán là căn hộ du lịch được xây trên đất được thuê lại 50 năm nhằm mục đích kinh doanh thương mại thì luật hiện hành chưa cho phép cấp Giấy chứng nhận nêu trên.

“Đây là cơ sở kết luận Công ty VNT, bà Đoàn Thị Bích Hảo, Giám đốc điều hành có hành vi lừa dối khách hàng  trước khi ký hợp đồng” – khách hàng N.C. nêu.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đã bức xúc làm đơn khiếu nại tố cáo cho rằng hành vi lừa dối khách hàng của Công ty VNT, ông Lê Anh Đức, bà Hà Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc là có hệ thống, thực hiện bằng những thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng ngàn khách hàng, làm ảnh hưởng xấu đến dư luận và sự phát triển lành mạnh của thị trường Bất động sản. Đồng thời đề nghị truy tố ông Lê Anh Đức, bà Hà Thị Phương Thảo về hành vi lừa dối khách hàng theo điều 198 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Dự án Panorama Nha Trang được Công ty Vịnh Nha Trang nổ là siêu dự án, đẳng cấp 5 sao nhưng thực chất chỉ đạt chất lượng dưới 3 sao

Nhận ‘trái đắng’ từ những lời hứa suông

Ngoài bị tố cáo hành vi lừa dối khách hàng, Công ty VNT, bà Đoàn Thị Bích Hảo, Giám đốc điều hành còn bị phản ánh đã không thực hiện đúng cam kết đánh tráo các thiết bị nội thất của căn hộ, thiết kế tòa nhà, căn hộ bị thay đổi không đúng với HĐMB… Khách hàng K.H. cho hay “Riêng 02 căn hộ của tôi đã hụt hơn 5m2 so với lúc ban đầu, dẫn tới diện tích bếp nhỏ hẹp không có vị trí đặt lò vi sóng. Việc thay đổi thiết kế làm thay đổi diện mạo căn hộ và các khách hàng khác không nhận được văn bản từ phía Công ty VNT. Từ việc thay đổi này Công ty VNT đã chiếm dụng trước của tôi số tiền hơn 300 triệu đồng”.

Như đã phân tích ở bài viết trước đó, thời hạn bàn giao căn hộ được xác định là ngày 31/12/2018 và đã hơn 180 ngày nhưng vẫn chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng. Theo đó, khách hàng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng (Điều 12, HĐMB) và phía Công ty VNT phải hoàn trả lại đủ số tiền trong vòng 05 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng (Điều 13, HĐMB), đồng thời phải thanh toán tiền lãi 0.05%/ngày kèm theo khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng tương đương 20% giá  bán thuần (giá bán một căn hộ chưa bao gồm thuế, phí, lệ phí – PV).

Dù quy định đã rõ ràng tại HĐMB, thậm chí bà Đoàn Thị Bích Hảo đã gửi văn bản về việc cam kết với khách hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ, hoàn trả lại tiền, thanh toán tiền lãi cho khách hàng nhưng đến nay những văn bản, lời hứa cam kết vẫn chỉ là “hứa suông” khi Công ty VNT “trở mặt” viện dẫn đủ lý do không có giá trị pháp lý thậm chí là “kêu nghèo, giả khổ” cho rằng “dòng tiền Công ty đang trong thời điểm khó khăn” đề chối bỏ, “chây ì” trách nhiệm với khách hàng!?

Cụ thể, trao đổi với báo chí khách hàng N.C. cho biết khi khách hàng phát hiện ra nhiều sai phạm cũng như việc Công ty VNT “rao ngọc bán đá”, vi phạm HĐMB nên đã đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng như yêu cầu Công ty VNT thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết. Trước phản ứng mạnh mẽ của nhiều khách hàng, ông Lê Anh Đức với cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty VNT đã đứng ra cam kết hoàn tiền cũng như thanh toán số tiền lãi phạt cho khách hàng.

Vì tin tưởng nhiều khách hàng đã gật đầu đồng ý để rồi lại ăn “trái đắng” khi trót tin tưởng vào những cam kết, những lời hứa từ vị Chủ tịch HĐQT khi nhiều khách hàng cho biết, những cam kết của ông Đức chỉ là cam kết “cho vui”, cam kết kiểu… “chợ giời” bởi sau khi cam kết, thống nhất được phương án để hoàn trả lại tiền, lãi suất cho khách hàng và nhận thấy khách hàng đã “mủi lòng” đồng ý cũng như tình hình “chiến sự” đã êm thấm thì vị Chủ tịch HĐQT Công ty VNT lại “giở chứng” không chấp nhận phương án, cam kết trước đó đã đưa ra.

Lúc này, nhiều khách hàng đã tỏ ra bức xúc và tỏ thái độ thất vọng, chán nản về hành xử “bội tín” của ông Lê Anh Đức nên đã cùng nhau lên tiếng, làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng và một lần nữa vị Chủ tịch lại “giở mánh cũ” tìm đến những khách hàng và cam kết về phương án giải quyết để rồi một lẫn nữa chính ông Đức lại “phủi” trách nhiệm như chưa từng cam kết. Sự việc trên được nhiều khách hàng cho biết đã diễn ra, lặp lại nhiều lần mà không có kết quả, khách hàng là người chịu thiệt.

Văn bản Công ty Vịnh Nha Trang gửi tới khách hàng cam kết thực hiện nghĩa vụ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện

Khách hàng C.H. bức xúc lên tiếng cho rằng ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT với cương vị là “thuyền trưởng” lèo lái một doanh nghiệp nhưng lại có cách làm ăn kiểu “chợ búa”, hứa “cuội” khi nhiều lần cam kết nhưng lại “nuốt” lời bất chấp chữ “tín” trong kinh doanh. Đồng thời lên tiếng cảnh tỉnh các khách hàng khác cân nhắc trước khi tham gia vào các dự án của Công ty VNT nói chung và ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT nói riêng.

“Chữ tín là sinh mệnh của doanh nghiệp, nếu vì lợi ích trước mắt mà bán rẻ chữ tín để bất tín một lần thì sẽ khiến khách hàng… vạn lần bất tin. Một doanh nghiệp có thể tồn tại được hay không là nhờ vào sự trọng tín để làm nên thương hiệu. Những gì đã ký kết bằng văn bản thể hiện ở HĐMB giữa khách hàng và Công ty VNT thì nên coi đó là pháp lệnh cần phải tôn trọng, thực hiện đúng trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ. Muốn vậy, người lãnh đạo có “tầm” thôi chưa đủ mà cần phải có “tâm”, hội tụ đủ “tâm”, đủ ‘tầm” thì mới có thể đưa doanh nghiệp vươn xa và có niềm tin với khách hàng. Mong lãnh đạo Công ty VNT ghi tạc điều này” – khách hàng N.K. nói

Trước cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, có dấu hiệu lừa đảo của Công ty VNT các khách hàng đã tìm đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để yêu cầu được bảo vệ quyền lợi như đã cam kết trong Chứng thư bảo lãnh. Tuy nhiên phía Ngân hàng Techcombank lại từ chối yêu cầu bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi đưa ra những lý do, lập luận không có trong quy định của Chứng thư bảo lãnh để từ chối nghĩa vụ đồng thời “đá quả bóng” trách nhiệm về phía Công ty VNT,  ở phía ngược lại Công ty VNT im lặng, né tránh, trả lời không thuyết phục khiến người chịu thiệt thòi, bức xúc không ai khác lại chính là khách hàng. Vì vậy, dư luận đã đặt nghi vấn có sự “phối hợp” giữa doanh nghiệp – Chủ đầu tư Công ty VNT và Ngân hàng Techcombank khi đã “mượn” sự uy tín của một tổ chức tín dụng lớn có uy tin nhằm mục đích “bẫy” khách hàng để trục lợi dựa trên sự “tiền hậu bất nhất’ giữa hai hợp đồng bao gồm: HĐMB và Chứng thư bảo lãnh.

Nhóm PV - Theo Văn hiến Việt Nam

http://vanhienplus.vn/ky-4-cong-ty-vinh-nha-trang-dong-bac-dam-toac-chu-tin/23159/

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ 4: Công ty Vịnh Nha Trang: Đồng bạc ‘đâm toạc’ chữ tín!?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.