Dự án “đầu chuột, đuôi voi”

03/11/2019 13:30

Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn của Bộ Giao thông - Vận tải gửi tới Quốc hội và các ĐBQH tại Kỳ họp thứ Tám đã nhìn nhận về thực trạng một số dự án điều chỉnh vốn đầu tư nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện.

Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn của Bộ Giao thông - Vận tải gửi tới Quốc hội và các ĐBQH tại Kỳ họp thứ Tám đã nhìn nhận về thực trạng một số dự án điều chỉnh vốn đầu tư nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện.

Trong tổng số 47 công trình, dự án trọng điểm, đến nay đã đưa vào khai thác, sử dụng 23 dự án. Cho đến nay, vẫn còn 24 dự án chưa hoàn thành. 7 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ gồm 2 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, và 5 dự án đường sắt đô thị.

Cụ thể, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tổng sản lượng toàn dự án đạt khoảng 1.391,86 tỷ đồng, đạt 17,5%, chậm 27% so với tiến độ thi công tổng thể; cao tốc Bến Lức - Long Thành, sản lượng toàn dự án đạt khoảng 75,94%, chậm 12,66% so với tiến độ thi công tổng thể.

Việc chậm triển khai các dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Các dự án bị điều chỉnh vốn theo từng giai đoạn gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước.

Kiểm toán tình hình chi đầu tư từ ngân sách, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề chậm được khắc phục. Đó là tình trạng khảo sát, lập và phê duyệt dự án không hợp lý phải điều chỉnh quy mô; xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác, điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh giá trị lớn,...Ví dụ như Dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 3 lần, tăng 147,9 tỷ đồng; Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh 6 lần, tăng 3.956 tỷ đồng; Dự án ĐTXD công trình cầu Cửa Đại điều chỉnh 4 lần, tăng 970 tỷ đồng…

Theo đánh gia của Bộ Giao thông - Vận tải, hầu hết dự án trọng điểm có quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam như các dự án đường sắt đô thị. Tuy vậy, chủ đầu tư lại chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn chưa thực sự chuyên nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến tăng tổng mức đầu tư được chỉ ra, đó là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư, đặc biệt đối với các dự án đường sắt đô thị, do chưa có kinh nghiệm với loại hình mới này nên tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa sát với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu…Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án.

Trước thực trạng trên, ngành giao thông cần quyết liệt, mạnh tay hơn nữa đối với chủ đầu tư, tư vấn dự án để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, “đầu chuột đuôi voi”.

TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng, quy trình quản lý vốn đầu tư hiện nay rất có vấn đề nên phải xem lại quy trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư để tránh tình trạng khai vốn đầu tư ban đầu rất thấp, sau đó tăng lên nhiều lần.  Cần có quy định cụ thể dự án đội vốn bao nhiêu phần trăm phải chịu xử lý và tăng vốn mức nào phải lập dự án đầu tư mới.

Ngoài ra, không nên cho chuyển đổi mục đích đầu tư dự án đã thực hiện. Trường hợp có khối lượng phát sinh, cần bổ sung lớn thì coi đó là một dự án mới, chứ để dự án chồng lấn lên nhau sẽ không kiểm soát nổi.

Trung Nguyễn - Theo Congly
http://congly.vn/tam-diem-du-luan/du-an-dau-chuot-duoi-voi-318816.html

Bạn đang đọc bài viết "Dự án “đầu chuột, đuôi voi”" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.