Thanh tra Sở Y tế và Cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ việc PKĐK Nam học Sài Gòn “vẽ bệnh, moi tiền”

12/10/2020 12:00

Trước nhiều dấu hiệu sai phạm PKĐK Nam học Sài Gòn (số 495 Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM), mới đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã có thông báo đến Thương hiệu và Pháp luật về việc đang chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra và sẽ có thông tin sớm nhất cung cấp đến báo chí.

Trước nhiều dấu hiệu sai phạm PKĐK Nam học Sài Gòn (số 495 Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM), mới đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã có thông báo đến Thương hiệu và Pháp luật về việc đang chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra và sẽ có thông tin sớm nhất cung cấp đến báo chí.

Phòng khám Đa khoa Nam học Sài Gòn (địa chỉ 495 Cộng Hòa, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM).)

Những thông tin chứng minh phòng khám Nam học Sài Gòn có “biểu hiện” vi phạm

Trước đó, trong quá trình nhập vai bệnh nhân tại phòng khám trên, PV được tiếp xúc với các nhân viên phòng khám trên.

Trình bày một số triệu chứng, biểu hiện, chúng tôi được nam bác sĩ yêu cầu kiểm tra dương vật, lấy dịch niệu đạo, xét nghiệm máu, nước tiểu, giang mai, sùi mào gà, HIV… Người này còn “mồi chài” bệnh nhân bằng cách giảm giá 50% chi phí khi thực hiện đầy đủ các xét nghiệm.

Kết thúc quá trình thăm khám, một một người tự xưng là trợ lý của bác sĩ, không đeo biển tên, biển hiệu và bắt đầu “phán bệnh”: “Qua kết quả xét nghiệm thì em bị bệnh lậu, đây là 1 căn bệnh nguy hiểm nó chỉ đứng sau bệnh HIV, giang mai, sùi mào gà. Riêng bệnh lậu của em thì chị dám đảm bảo với em điều trị bằng thuốc sẽ hết 100%, nhưng em phải đảm bảo điều trị đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra”.

Khi được chúng tôi hỏi về quy trình và kinh phí để chữa trị, người phụ nữ này cho biết: “Căn bệnh của em giờ phải cho truyền thuốc kháng sinh vào tĩnh mạch 7 ngày cộng với điều trị để tiêu hết viêm mủ là 10 ngày, chi phí trong 7 ngày đầu là 1,533 triệu đồng, 10 ngày sau thì mỗi ngày 1 triệu đồng”.

Phòng khám Đa khoa Nam học Sài Gòn phán từ không bệnh thành có bệnh?)

Vậy, những nhân sự khám, “phán” bệnh cho phóng viên là ai? Nhân viên nghi là Y tá của phòng khám trên chỉ lấy “dịch đồ” và sau đó đã đọc các kết quả xét nghiệm, “phán” bệnh cho phóng viên khiến những ai mới nghe đều hãi hùng.

Hơn nữa, những nhân viên lấy máu cũng không hề đeo biển tên, biển hiệu trong quá trình PV tiếp xúc. Mặc dù, theo quy định của Luật khám, chữa bệnh quy định bắt buộc đối với những người hành nghề y tế tại các cơ sở tư nhân, nhà nước thì bắt phải đeo biển tên biển hiệu.

Để dẫn chứng cho việc này: PV đã đến khám lại tại một bệnh viện công lập hàng đầu TP.HCM, tại đây kết quả khám cho ra “một trời, một vực” so với PKĐK Nam học Sài Gòn? Một người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng khi đến PKĐK Nam học Sài Gòn những nhân viên ở đây đã khám và “bắt” PV chữa bệnh với số tiền lên đến cả chục triệu đồng.

Cơ quan điều tra vào cuộc, có thể thu hồi giấy phép của Nam học Sài Gòn

Không thể để tình trạng “vẽ bệnh, moi tiền” tiếp tục diễn biến tại PKĐK Nam học Sài Gòn. PV Thương hiệu và Pháp luật đã nhanh chóng thông tin vấn đề này lên mặt báo, đồng thời liên hệ đến Sở Y tế TP.HCM để cơ quan đầu ngành Y tế TP.HCM vào cuộc.

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã thông tin lại cho PV Thương hiệu và Pháp luật với nội dung: Thanh tra Sở Y tế đã chuyển hồ sơ do PV cung cấp đến Cơ quan Công an điều tra và sẽ có thông tin sớm nhất đến cho Quý báo.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Thương hiệu và Pháp luật rất hoan nghênh hành động của Thanh tra Sở Y tế.

Liên quan vụ việc trên, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Phan Minh thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, vị này cho biết cho biết: nêu nhận định: “Căn cứ vào những thông tin Thương hiệu và Pháp luật phản ánh về PKĐK Nam học Sài Gòn, nếu những thông tin phản ánh được các cơ quan chức năng như Sở Y tế TP.HCM có kết luận là y tá mạo danh bác sỹ để đứng ra khám, chữa bệnh, “vẽ” bệnh cho người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường là biểu hiện cho sai phạm nghiêm trọng đối với luật khám chữa bệnh đã quy định rõ. Hơn nữa, đó là hành vi vô lương tâm, thiếu đạo đức của những người mang danh hành nghề y đức”.

“Trong trường hợp, nếu nhân viên phòng khám mạo danh bác sĩ, bác sĩ đứng ra khám bệnh nhưng không đúng với bằng cấp chuyên môn thì cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, thanh tra, căn cứ vào Luật khám bệnh, chữa bệnh để xử lý cá nhân, đơn vị sai phạm”.

Luật sư Minh dẫn chứng cụ thể: “Tiểu mục B, khoản 1, điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh nếu rõ, đối với phòng khám không đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn thì Giám đốc Sở Y tế có quyền ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 45 của Luật này”.

Tràng Giang - Theo Thương hiệu và Pháp luật

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Thanh tra Sở Y tế và Cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ việc PKĐK Nam học Sài Gòn “vẽ bệnh, moi tiền”" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.