Thành lập TP Thủ Đức: Giấy tờ của người dân có bị xáo trộn, mất giá trị?

23/01/2021 13:51

Việc thành lập TP Thủ Đức có làm xáo trộn đời sống của người dân khi toàn bộ các giấy tờ như CMTND, thẻ căn cước, giấy tờ chủ quyền nhà đất… đều đã thay đổi cơ quan quản lý?

Việc thành lập TP Thủ Đức có làm xáo trộn đời sống của người dân khi toàn bộ các giấy tờ như CMTND, thẻ căn cước, giấy tờ chủ quyền nhà đất… đều đã thay đổi cơ quan quản lý?

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin về việc thành lập TP Thủ Đức liệu giấy tờ của người dân có bị xáo trộn, mất giá trị? (Ảnh: Phạm Nguyễn))

Nhiều vướng mắc ở thời điểm giao thoa

Tại cuộc họp báo sáng ngày 22/1/2021 diễn ra ở Trung tâm Báo chí TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói: “Việc thành lập thành phố Thủ Đức đã phải chạy đua với thời gian vì phải tính toán đảm bảo đúng thời gian theo quy định của Luật Bầu cử. Mặc dù biết trước là có rất nhiều khó khăn, nhưng thực tế thì vẫn cứ lúng túng”.

Ông Võ Văn Hoan cho biết: “Chính quyền TP Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày hôm nay 22/1/2021. Sáng nay, đang diễn ra kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức để bầu các chức danh của HĐND, UBND theo đúng quy định của pháp luật”.

Kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức, chính quyền địa phương của TP Thủ Đức chính thức hoạt động; chính quyền địa phương của quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn và chuyển tiếp cho chính quyền địa phương TP Thủ Đức thực hiện. Do đó, kể từ ngày 22/1/2021, tất cả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sẽ do chính quyền TP Thủ Đức thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: “Đối với dân, tất cả đều phải xử lý bình thường, không từ chối bất cứ một nhu cầu nào yêu cầu cơ quan nhà nước phải phục vụ. Trong quá trình chuyển tiếp có thể gặp khó khăn nhưng nhất thiết không để người dân hụt hẫng. Chính quyền địa phương phải tiếp nhận và xử lý mọi yêu cầu của người dân. Trong quá trình xử lý, có khó khăn trong mối quan hệ giữa UBND phường và các phòng của TP Thủ Đức. Vì cơ quan cấp phòng của TP Thủ Đức đang được ghép lại từ 3 phòng của quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Nhưng sẽ hoàn thiện dần từng bước các cấp phòng theo đúng quy định của pháp luật”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin: “UBND TP Thủ Đức có một Chủ tịch và một số Phó Chủ tịch, có thể nhiều hơn quy định thông thường vì đây là thời điểm giao thời, nhưng từng bước sẽ quay trở lại đúng quy định. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức sẽ giao các Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực chuyên môn đồng thời trực tiếp chỉ đạo, điều hành và giải quyết các vấn đề thuộc khu vực mình được phân công, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức”.

“Mục tiêu cuối cùng là có một bộ máy thống nhất, vận hành theo quy định của pháp luật. Như vậy, UBND TP Thủ Đức phải ban hành được quy chế hoạt động để vận hành ngay trong giai đoạn trước mắt về phân công, phân cấp, phân quyền” – ông Hoan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, chính quyền không được từ chối các yêu cầu của người dân (Ảnh: Phạm Nguyễn)[/caption]

Ông Hoan thông tin: “Tính đến ngày hôm nay, UBND TP Thủ Đức, UBND các phường, Văn phòng HĐND TP Thủ Đức đã có con dấu. Trong sáng mai, tất cả các phòng được bổ nhiệm trưởng, phó phòng sẽ có con dấu của phòng để hoạt động. Về nguyên tắc chung, lẽ ra đã có con dấu mới là ngay lập tức phải huỷ con dấu cũ nhưng hiện nay, trong giai đoạn chuyển tiếp vẫn phải dùng song song con dấu cũ để giải quyết các vấn đề còn tồn tại có liên quan đến người dân thuộc các đơn vị cũ. Tránh trường hợp bị lợi dụng, sử dụng một lúc hai con dấu, con dấu cũ được cho phép sử dụng trong 2 ngày là ngày 22 và ngày 23/1”.

Các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội trên địa bàn, ông Hoan thông tin Toà án nhân dân TP Thủ Đức đã được thành lập; Công an TP Thủ Đức và Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức đang trình. Chúng tôi sẽ cố gắng xin ý kiến, trao đổi với các cấp, để thúc đẩy việc thành lập cơ quan Công an và Viện Kiểm sát.

Cũng vì liên quan đến thời điểm chuẩn bị đón Tết nguyên đán, ông Hoan thông tin, mọi việc liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất sẽ tạm thời dừng lại.

Chính quyền không được từ chối yêu cầu của người dân

“Chúng tôi đã giao chính quyền TP Thủ Đức công khai thông tin tới người dân, phân công người trực tiếp chỉ huy và xử lý những vấn đề của người dân trong thời điểm giao thoa hiện nay” – ông Hoan cho biết.

Thắc mắc về việc giấy tờ của người dân sẽ thay đổi thế nào? Ông Võ Văn Hoan cho biết: “Tất cả các giấy tờ của người dân chưa hết thời hạn sử dụng, như chứng minh thư, thẻ căn cước thì vẫn có hiệu lực bình thường, vẫn còn nguyên giá trị chứ không phải vì thay đổi cơ quan hành chính mà giấy tờ của người dân hết hiệu lực. Việc chuyển đổi là theo nhu cầu của người dân. Chính quyền và cơ quan chức năng phải tiếp nhận, xử lý, tạo điều kiện cho người dân được thay đổi giấy tờ, không thu bất cứ khoản lệ phí nào”.

Về vấn đề các quy hoạch cũ trên địa bàn quận 2, quận 9 đến giờ còn giá trị không? Ông Võ Văn Hoan cho biết: “Trước hết phải khẳng định là quy hoạch là có tính pháp lý để thực hiện. TP Thủ Đức được xây dựng là một đô thị sáng tạo, trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đưa ra ý tưởng thể hiện khu đô thị sáng tạo, tương tác cao”.

“Hiện nay, có hai quan điểm, một là quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức phải có trước rồi mới có quy hoạch chi tiết. Quan điểm thứ 2 thì ngược lại. Về mặt nguyên tắc, chúng ta cần có quy hoạch tổng thể trước rồi sẽ đi vào chi tiết nhưng chúng ta đang xây dựng một đô thị trên nền một quy hoạch chi tiết đô thị đã được xây dựng. Nên nếu chờ đợi như thế, thì TP.HCM cũng phải có quy hoạch tổng thể, nhưng phải 2-3 năm nữa TP.HCM mới có quy hoạch tổng thể, theo đó, nếu chờ đợi thì phải 5-10 năm nữa TP Thủ Đức mới có quy hoạch tổng thể. Như vậy rất chậm, không phù hợp với thực tế. Cho nên chúng tôi đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc điều chỉnh để thực hiện được mục tiêu đô thị sáng tạo, trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện và cập nhật” – ông Hoan nhấn mạnh.

TP Thủ Đức có Chủ tịch 41 tuổi

[caption id="attachment_61919" align="aligncenter" width="351"]

Ông Hoàng Tùng - Ảnh: Tự Trung)

Sáng 22/01/2021, tại cuộc họp HĐND TP Thủ Đức, với đa số phiếu tán thành, HĐND TP Thủ Đức đã bầu ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND huyện Nhà Bè - làm chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Ông Hoàng Tùng sinh năm 1980, quê quán Quảng Ngãi. Trình độ chuyên môn: kiến trúc sư, thạc sĩ quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng, cao cấp lý luận chính trị.

HĐND TP Thủ Đức cũng bầu các ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng (43 tuổi) - phó chủ tịch UBND quận 2, ông Nguyễn Kỳ Phùng (55 tuổi) - phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và ông Nguyễn Hữu Anh Tứ - phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức- giữ chức phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Theo Hòa Bình/Viettime

Bạn đang đọc bài viết "Thành lập TP Thủ Đức: Giấy tờ của người dân có bị xáo trộn, mất giá trị?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.