Sản phẩm SHIOKA: Quảng cáo 'nổ' điều trị khỏi bệnh u xơ, dấu hiệu lừa dối người dùng?

29/01/2021 21:00

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, thư tín của khách hàng quảng cáo quá đà về công dụng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng?

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, thư tín của khách hàng quảng cáo quá đà về công dụng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng?

Quảng cáo quà đà?

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc. Trong đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý phù hợp.

Mặc dù đã có chỉ đạo nghiêm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong quảng cáo bằng hình thức tinh vi hơn.

Cụ thể, sản phẩm Shioka được Cục An toàn thực phẩm -  Bộ Y tế cấp giấy xác nhận quảng cáo số 2475/2020/XNQC-ATTP cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu quốc tế Cúc Anh (số 469 đường Tự Tạo 1, phường 11, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, trên thị trường sản phẩm này đang được quảng cáo trá hình khi sử dụng hình ảnh nhiều người nổi tiếng, thư tín của khách hàng khi nói về công dụng.

Trong rất nhiều quảng cáo trên mạng xã hội, sản phẩm này được giới thiệu với công dụng chính là: Viên sủi tiêu u thảo dược số 1 Việt Nam, ức chế quá trình phát triển và triệt tiêu tế bào u, xóa sổ mầm mống hình thành u mới và tế bào ung thư nhờ hoạt chất Saponin từ Sâm Ngọc Linh, ngăn chặn các loại u từ gốc rễ, giải quyết toàn bộ triệu chứng: Tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu; đau dữ dội vùng bụng – lưng, cân bằng nội tiết tố, điều hòa kinh nguyệt, chống tái phát tận gốc...

Sản phẩm SHIOKA quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật?)

Đặc biệt, sản phẩm Shioka còn có dấu hiệu mạo danh đài truyền hình đưa tin và khẳng định sản phẩm này được các chuyên gia đánh giá là lựa chọn số 1 trong điều trị u sơ, u nang không cần phẫu thuật? Đã thiếu trung thực về tên gọi, nguồn gốc xuất xứ cũng như công dụng đăng ký cấp phép, sản phẩm này còn không ngần ngại gắn cả hình ảnh các bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm.

Rất nhiều tin nhắn, hình ảnh của khách hàng công khai chia sẻ về câu chuyện, kết quả sử dụng sản phẩm cùng chung một mô típ: “Sau khi bị bệnh u xơ đã sử dụng nhiều loại thuốc, phẫu thuật nội soi... nhưng không khỏi, chỉ khi dùng sản phẩm Shioka thì khỏi hẳn, mỗi ngày 2 viên là ổn ngay...”.

TPBVSK SHIOKA sử dụng hình ảnh, thư tín của khách hàng quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật?)

Để có thông tin khách quan, PV đã nhiều lần liên hệ tới số điện thoại trong bản xác nhận quảng cáo của công ty nêu trên nhưng không kết nối được.

Vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật?

Thực chất thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka không điều trị khỏi các bệnh u xơ. Sản phẩm này chỉ có chức năng hỗ trợ, hạn chế sự phát triển bệnh. Đặc biệt, thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đáng nói, hiện sản phẩm đang được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội, cố tình “thêm” nhiều tác dụng so với bản công bố, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Theo Cục ATTP, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh. Không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm.

Hành vi cố ý quảng cáo TPCN có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được phép quảng cáo sản phẩm sai so với tác dụng thực tế. Đối với cá nhân quảng cáo sai sự thật và ở mức nghiêm trọng có thể xử lý hình sự.

Theo các chuyên gia pháp lý, trong trường hợp y, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện người vi phạm ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Để “dẹp loạn” quảng cáo TPCN Shioka đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Nguyễn Hương/VietQ

Bạn đang đọc bài viết "Sản phẩm SHIOKA: Quảng cáo 'nổ' điều trị khỏi bệnh u xơ, dấu hiệu lừa dối người dùng?" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.