Sai phạm đấu giá ở Long An và bài học Đường “Nhuệ”

30/09/2020 10:13

Có 5 người mua hồ sơ và trúng đấu giá 313 lô đất, với 1 mức giá ngang nhau. Họ đều mang đất về cho Cát Tường bán. Có hay không một kịch bản thao túng đấu giá theo kiểu Đường “nhuệ” ở Long An?

Có 5 người mua hồ sơ và trúng đấu giá 313 lô đất, với 1 mức giá ngang nhau. Họ đều mang đất về cho Cát Tường bán. Có hay không một kịch bản thao túng đấu giá theo kiểu Đường “nhuệ” ở Long An?

Mọi con đường đều đến… Cát Tường

Kết luận Thanh tra về việc chấp hành pháp luật về thực hiện đầu tư xây dựng; việc tổ chức bán đấu giá tài sản đất tại UBND thị xã Kiến Tường, của Thanh tra tỉnh Long An, ngày 27/7/2020, đã nêu ra hàng loạt sai phạm. “Những sai sót bao gồm đưa vào đấu giá khi chưa hoàn chỉnh hạ tầng, việc xác định giá đất khởi điểm các lô nền chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, phương pháp định giá đất, đồng thời quy trình xác định giá đất có dấu hiệu “dìm giá” gây thất thoát ngân sách Nhà nước”, Thanh tra tỉnh Long An cho biết.

Trong đó, cụm Khu dân cư Đô thị Sân bay (giai đoạn 1) có 343 lô nền, giá khởi điểm 136,743 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 140,663 tỷ đồng. Như vậy, giá trúng đấu giá chỉ tăng so với giá khởi điểm chưa đến 3%. Cụ thể, có 02 người mua hồ sơ/lô, trả giá 2 lần (1 lần giá khởi điểm, 1 lần trả giá với mức chênh lệch 1 bước giá từ 10 đến 20 triệu đồng) với 343 lô. Trong đó có 313 lô nền có 05 người mua hồ sơ và trúng đấu giá với 1 mức giá ngang nhau gồm ông Nguyễn Quốc Bảo (116 lô), Lê Nguyễn Vũ Linh (35 lô), Nguyễn Quốc Thảo (97 lô), bà Vũ Thị Thu Thảo (29 lô) và Vũ Nguyễn Thị Diễm Thúy (36 lô).

Hàng trăm lô đất sau khi trúng đấu giá được gom về Cát Tường)

Điều đáng nói là sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 02/4/2018, 5 người trúng đấu giá trên đều làm hợp đồng ủy quyền cho Công ty Cổ phần kinh doanh Bất động sản Cát Tường, tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để tư vấn, ký kết, thực hiện giao dịch thu chi và làm thủ tục ký kết hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các lô đất.

Trước đó, ông Võ Thái Thông, nhân viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, cũng là người trúng đấu giá hàng trăm lô đất ở Long An. Các lô đất nền sau khi trúng đấu giá được đưa về cho Cát Tường đặt tên dự án và chào bán với giá cao hơn nhiều lần so với giá ông Thông trúng đấu giá.

Cần điều tra làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm

Thanh tra tỉnh Long An cho rằng, hành vi vi phạm pháp luật của 5 người tham gia đấu giá, Công ty TNHH Dịch vụ Đấu giá và Tư vấn Miền Nam (SASC) và Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Cát Tường nêu trên có dấu hiệu thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá khác để dìm giá gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, vi phạm tại điểm b, khoản 5, Điều 9, Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Tuy nhiên, thay vì chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ thì Thanh tra tỉnh này lại xử lý theo hướng khác. Cụ thể, ngày 07/7/2020, Thanh tra tỉnh tổ chức họp các ngành nội chính để xem xét 10 dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Qua đó, xác định chưa đủ cơ sở, điều kiện để xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ nhận định chưa chứng minh được thông đồng, dìm giá, số tiền gây thiệt hại nên không chuyển hồ sơ đấu giá tài sản đất đối với Khu đô thị Sân bay giai đoạn 1 sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định”, Thông báo kết luận thanh tra nêu.

[caption id="attachment_54287" align="aligncenter" width="512"] Thị xã Kiến Tường - nơi xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến quy trình đấu giá đất cho các cá nhân dính dáng đến Cát Tường Group[/caption]

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, Thanh tra tỉnh Long An dựa vào quyết định nội chính để không chuyển cơ quan điều tra là áp dụng sai căn cứ pháp luật. Luật Thanh tra không có căn cứ đó. Mặt khác, cũng không có quy định nào nói rằng, có dấu hiệu dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng nội chính không đồng ý thì không chuyển cơ quan điều tra. Trong trường hợp thanh tra địa phương làm không đúng quy trình thì Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Gần đây, việc truy tố vợ Đường “Nhuệ”, liên quan đến việc thao túng đấu giá đất, ở Thái Bình, đã làm nóng dư luận cả nước. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cũng đã hoàn tất cáo trạng truy tố 4 cán bộ thuộc Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Thái Bình, do tiếp tay cho Nguyễn Thị Dương (vợ Đường "Nhuệ") thao túng kết quả đấu giá đất.

Theo thông tin từ PLO, ngoài sự tiếp tay của bốn cán bộ thuộc trung tâm đấu giá và trung tâm phát triển quỹ đất mà công an vừa khởi tố, băng nhóm Đường “nhuệ” đã dùng các thủ đoạn uy hiếp người dân để thao túng các cuộc đấu giá đất tại Thái Bình. Chỉ trong hai năm 2019 - 2020, Công ty Đường Dương của Đường “Nhuệ” đã liên tục trúng đấu giá hàng chục lô đất tại các địa phương, hầu hết là các lô đất có vị trí đẹp.

Việc đưa ra ánh sáng vụ Đường “Nhuệ” đã phần nào giải tỏa bức xúc của người dân, giúp củng cố lòng tin và sự công bằng, minh bạch sẽ được lập lại. Còn đối với những vụ đấu giá bất thường ở Long An, theo các luật sư, không có quy định nào, có kết luận thanh tra rồi thì không khởi tố hình sự. Do vậy, câu chuyện khi nào sáng tỏ, vẫn phải chờ những động thái tiếp theo.

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Sai phạm đấu giá ở Long An và bài học Đường “Nhuệ”" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.