Củ Chi đang trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư

Với chủ trương xây dựng các khu đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm, TP HCM đang dành cho khu Tây Bắc một nguồn lực đáng kể. Đặc biệt, thành phố tập trung ngân sách để đầu tư mạng lưới giao thông kết nối với các quận trung tâm, sẽ giúp cho khu vực này trở thành khu kinh tế trọng điểm của thành phố trong tương lai gần.

Khách hàng không chỉ quan tâm đến nền đất trong dự án mà còn tìm mua các lô đất lẻ của người dân

Với chủ trương xây dựng các khu đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm, TP HCM đang dành cho khu Tây Bắc một nguồn lực đáng kể. Đặc biệt, thành phố tập trung ngân sách để đầu tư mạng lưới giao thông kết nối với các quận trung tâm, sẽ giúp cho khu vực này trở thành khu kinh tế trọng điểm của thành phố trong tương lai gần.

Hạ tầng ngày càng hoàn thiện

Theo quy hoạch của TP HCM huyện Củ Chi sẽ là đô thị vệ tinh trọng điểm của vùng đô thị thành phố với tứ giác gồm Long An, Tây Ninh, Bình Dương. Đây là những khu vực có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, tập trung đông dân cư và các dịch vụ tiện ích đã tương đối đầy đủ.

Hệ thống hạ tầng giao thông đang chuẩn bị đầu tư đã thúc đẩy thị trường BĐS Củ Chi nóng trở lại

Trong đó, Củ Chi được nhận định sẽ là khu vực tiềm năng bậc nhất để phát triển bất động sản (BĐS) bởi nằm giữa TP HCM, Long An, Tây Ninh và Bình Dương. Đồng thời đây là nơi sẽ xây dựng khu đô thị Tây Bắc nhằm mục đích giãn dân, phát triển kinh tế kết nối với khu vực Tây Nam bộ.

Dự án hầm chui tại nút giao thông An Sương trên quốc lộ 22 đi Củ Chi kết nối với tỉnh Tây Ninh đang dần hoàn thiện sẽ giảm tải được áp lực giao thông cho khu vực này. Thêm vào đó, tuyến đường vành đai 3 kết nối bốn tỉnh Long An, Bình Dương, TP HCM và Đồng Nai đang được gấp rút thi công từ tháng 4/2018.

Đặc biệt, mới đây, ngày 26/10, tại TP HCM, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP HCM, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài. Dự án đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài có quy mô chiều dài tuyến 53,5km, mặt cắt ngang 4 làn xe tiêu chuẩn đoạn tuyến từ đường vành đai 3 (TP HCM) đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và 4 làn xe hạn chế đoạn còn lại. Tổng mức đầu tư dự án là 10.688 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Nhu cầu về nhà ở tại Củ Chi ngày càng tăng cao

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, hai địa phương TP HCM và Tây Ninh sẽ chủ động trong công tác phối hợp, bố trí nguồn lực xây dựng kế hoạch thực hiện dự án và kế hoạch khai thác quỹ đất liên quan do hiệu quả của dự án mang lại (mở rộng phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng tại các nút giao giữa đường cao tốc với đường vành đai 3, vành đai 4 và các điểm phù hợp khác để phát triển hệ thống giao thông tĩnh, trạm dịch vụ hậu cần, trung tâm thương mại, dịch vụ,…; nghiên cứu, quy hoạch các khu đô thị gần với khu vực các nút giao với vành đai 3, vành đai 4 để khai thác các quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách).

Cú hích cho bất động sản

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho rằng, động thái này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho khu vực cửa ngõ tây bắc của TP HCM phát triển mạnh trong thời gian tới.

Các dự án dân cư đang thu hút nhiều nhà đầu tư

Ngoài ra, dự án đại lộ ven sông do Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) thực hiện cũng đã được TP HCM kiến nghị Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài. Khi thành hình, tuyến đại lộ này sẽ nối trung tâm thành phố từ bến Bạch Đằng (quận 1) với các quận, huyện phía Tây như Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, Gò Vấp… giúp phá thế độc đạo của quốc lộ 22, tức đường Xuyên Á hiện nay. Đây cũng là cơ hội để khu đô thị Tây Bắc TP HCM rộng 9.000 ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay được thực hiện.

Theo các chuyên gia, dự báo thời gian tới, song song với việc tiến hành thi công dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài, thì hàng loạt các khu đô thị, trung tâm thương mại sẽ phát triển bám theo trục giao thông quan trọng này, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Theo thống kê, tốc độ gia tăng dân số nhanh, cứ bình quân mỗi năm TP HCM gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm khoảng 1 triệu người, dẫn đến những áp lực rất lớn trong công tác quản lý đô thị, đòi hỏi phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề về nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở đó là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng), thiếu nhà ở xã hội, thiếu nhà cho thuê giá thấp.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM, hiện nay, có khoảng 476.000 hộ gia đình chưa có nhà ở, hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình tại TP HCM.

Khách hàng không chỉ quan tâm đến nền đất trong dự án mà còn tìm mua các lô đất lẻ của người dân

Ở góc độ vĩ mô, theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP HCM, các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số như mô hình phát triển các dự án nhà ở trong các khu đô thị vệ tinh, mô hình phát triển các dự án khu dân cư quy mô lớn (mỗi dự án nên có diện tích khoảng trên dưới 50 ha trở lên) tại các quận ven và huyện ngoại thành hay việc hình thành nên các trung tâm mới theo hình thái “đa trung tâm” là giải pháp TP HCM cần hướng tới

Thực tế cho thấy, tại TP HCM, hiện nay, tại các khu vực nội thành, cũng như các quận, huyện cách trung tâm thành phố bán kính 20km, để sở hữu một căn nhà tầm 50m, với giá 2 tỷ đồng cũng rất khó, do giá bất động sản TP HCM trong 5 năm trở lại đây liên tục tăng. Chính vì vậy, đất nền tại các quận, huyện ngoại thành như Củ Chi trong thời gian tới sẽ hấp dẫn giới đầu tư.

 Kim Cường - Theo Doanh nghiệp Hội nhập

http://doanhnghiephoinhap.vn/cu-chi-dang-tro-thanh-diem-den-moi-cua-cac-nha-dau-tu.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cu-chi-dang-tro-thanh-diem-den-moi-cua-cac-nha-dau-tu-a9702.html