Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VIF đạt hơn 1.295 tỷ đồng, giảm 7,4% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 384 tỷ đồng, giảm hơn 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của VIF, sở dĩ lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm nay giảm mạnh là do tình hình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa quý 3/2019 của một số công ty có vốn góp của VIF không thuận lợi, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty này sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, VIF có 19 công ty con, 18 công ty liên kết và 11 công ty liên doanh. Trong đó, Công ty TNHH YAMAHA MOTOR Việt Nam- liên doanh giữa VIF và Tập đoàn Yamaha Motor, hàng năm mang về cho VIF khoản cổ tức đáng kể.
Ông Phí Mạnh Cường-Tổng Giám đốc VIF cho biết, ngoài Yamaha Motor Việt Nam, Công ty MDF Vinafor Gia Lai cũng đang mang lại lợi nhuận rất tốt cho VIF. Một số liên doanh khác đang gặp khó khăn nhưng cơ bản không bị mất vốn, đảm bảo bảo toàn vốn của các cổ đông.
Ngoài ra, ông Cường cho biết các đơn vị 100% vốn của VIF chủ yếu là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Với đặc thù của hoạt động lâm nghiệp thì hiệu quả đầu tư trồng rừng thâm canh cao có được sau 8-10 năm. Trong thời gian tới, VIF tiếp tục đầu tư vào hoạt động lâm nghiệp để mở rộng quỹ đất trồng rừng, tạo vùng nguyên liệu cho hoạt động chế biến sâu của doanh nghiệp.
VIF là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, cổ đông chiến lược T&T nắm 40%, phần vốn Nhà nước chiếm 51% đã được Bộ NN&PTNT chuyển giao về cho Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp.
Ðược biết, theo phương án cổ phần hóa VIF đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì Nhà nước nắm giữ tỷ lệ chi phối 51%. Như vậy, Nhà nước sẽ chưa thoái vốn tại VIF cho đến khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền.
Dù đã lên kế hoạch từ năm 2017 và chốt lịch chuyển lên sàn HNX vào tháng 9/2019, nhưng đến nay kế hoạch này của VIF vẫn chưa được thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đình Thanh- Chuyên viên kiểm toán AVA, thì VIF có cơ cấu nợ vay thấp, hiện tổng nợ của doanh nghiệp hơn 1.196 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 1.163 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu lên tới 5.020 tỷ đồng. Do vậy, rất nhiều nhà đầu tư “ngó nghiêng” VIF, nhưng chưa mạnh dạn xuống tiền bởi cổ phiếu VIF lên xuống thất thường, có phiên tăng gần kịch trần (15%), có phiên lại giảm đến 15% thị giá.
Kết phiên giao dịch ngày 11/11, cổ phiếu VIF tăng lên 20.900 đồng/cp với giao dịch rất nhỏ giọt, chỉ 1.600 đơn vị/phiên. Theo dự báo của một số Công ty chứng khoán, với lợi nhuận giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm nay, cổ phiếu VIF có thể sẽ điều chỉnh, không ngoại trừ khả năng về mức 15.000 đồng/cp trong thời gian tới.
Việc chậm chuyển sàn, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, cổ phiếu giao dịch nhỏ giọt... là những nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư do dự chưa dám xuống tiền với cổ phiếu VIF.