Chỉ số S&P 500 ba lần xác lập kỷ lục trong tuần qua

Những diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung là yếu tố chính tác động đến chứng khoán Mỹ trong tuần giao dịch đầy biến động, nhưng chứng kiến nhiều kỷ lục vừa qua.

Những diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung là yếu tố chính tác động đến chứng khoán Mỹ trong tuần giao dịch đầy biến động, nhưng chứng kiến nhiều kỷ lục vừa qua.

Chỉ số S&P 500 ba lần xác lập kỷ lục trong tuần qua. Ảnh: Wall Street Journal

Trong hai phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc, với cả ba chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ kết thúc phiên 4/11 đều ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ tâm lý lạc quan về tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Trong đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones trên Phố Wall ghi nhận hai phiên liên tiếp lập kỷ lục.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một" giữa Bắc Kinh và Washington đã đi đúng hướng.

Hiện Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình ký kết thỏa thuận thương mại trước ngày 15/12 - thời điểm các biện pháp tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như máy tính xách tay, đồ chơi và các thiết bị điện tử sẽ có hiệu lực.

Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch ngày 6/11, Phố Wall lại mất đà do Mỹ và Trung Quốc có thể trì hoãn ký kết thỏa thuận thương mại. Báo cáo ngày 6/11 cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể trì hoãn cuộc gặp để ký thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một", qua đó gây áp lực lên tâm lý của các nhà đầu tư.

Chuyên gia Gregori Volokhine thuộc Meeschaert Financial Services nhận định 80% đà tăng của chứng khoán kể từ tháng Chín dựa trên sự cải thiện trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Do đó, các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng khi cuộc họp giữa Mỹ và Trung Quốc bị đẩy lùi.

Thế nhưng, chỉ số Dow Jones và chỉ số S&P 500 đều chốt phiên 7/11 ở các mức cao kỷ lục, sau khi Trung Quốc cho biết đã nhất trí với Mỹ về việc hủy bỏ kế hoạch áp thuế lên hàng hóa đã thông báo trước đây như một phần của thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Dù không có thời điểm nào được nêu ra, nhưng thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một" được cho là sẽ bao gồm cam kết của Mỹ về việc hủy kế hoạch áp thuế vào ngày 15/12 tới đối với 156 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, trong đó có điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi.

Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết, Trung Quốc cũng đang cân nhắc dỡ bỏ những hạn chế đối với gia cầm nhập khẩu.

Phiên cuối tuần, chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận các mức cao kỷ lục khi giới đầu tư vẫn khá lạc quan về triển vọng của một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dù có nhiều dấu hiệu trái chiều trong vấn đề này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/11 cho biết, ông chưa đồng ý dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một điều kiện cho thỏa thuận thương mại ban đầu mà ông hy vọng có thể ký kết với Bắc Kinh.

Phát ngôn trên của Tổng thống Mỹ trái ngược với một thông báo trước đó của Bộ Thương mại Trung Quốc rằng hai nước đã nhất trí dỡ bỏ các mức thuế hiện hành đối với hàng hóa của nhau theo từng giai đoạn để có thể đi đến thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”.     

Bình luận trên của Tổng thống Trump đã gây sức ép lên Phố Wall trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên này, nhưng thị trường đã dần tiến vào vùng tăng điểm vào cuối phiên, đưa cả ba chỉ số chính của Mỹ lên các mức kỷ lục mới, khi giới đầu tư vẫn tin rằng thỏa thuận “Giai đoạn một” sẽ được ký kết.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 1% lên 27.681,24 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 0,5% lên 8.475,31 điểm. Đáng chú ý, đây là phiên xác lập kỷ lục thứ ba của chỉ số S&P 500 trong tuần này, với mức tăng 0,3% lên 3.093,08 điểm./.

Khánh Ly - Theo bnews.vn

https://bnews.vn/chi-so-s-p-500-ba-lan-xac-lap-ky-luc-trong-tuan-qua/139653.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/chi-so-sp-500-ba-lan-xac-lap-ky-luc-trong-tuan-qua-a8720.html