Theo các chuyên gia, đầu tư “lướt sóng” chung cư đã thoái trào
Giảm mạnh nguồn cung
Anh Nguyễn Thành Minh (ngụ quận 1, TP HCM) - một nhà đầu tư thứ cấp tại TP HCM cho biết, giai đoạn 2013 - 2017 phân khúc chung cư là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư thứ cấp. Giai đoạn này, khách hàng có khi phải xếp hàng bốc thăm đặt cọc để mua căn hộ. Giá trị căn hộ sau đó sẽ tăng lên từng ngày, thanh khoản nhanh. Những người đầu tư “lướt sóng” giai đoạn này không cần bỏ quá nhiều vốn nhưng lợi nhuận thu lại rất nhanh nên đây là kênh đầu tư “hốt bạc”.
Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng cuối năm 2017, thị trường có dấu hiệu chững lại thì “lướt sóng” chung cư cũng… hết thời. Anh Minh chia sẻ: “Thời gian đó, nhiều dự án lớn bung hàng và ngân hàng cũng siết chặt tín dụng dần nên khi đầu tư rất khó ra hàng. Bởi lẽ lượng hàng của chủ đầu tư vẫn còn thì dân đầu tư thứ cấp không thể lướt với giá tốt được”. Anh Minh cũng cho biết mình từng phải bán “cắt lỗ” vài căn để tránh bị giam vốn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM thông tin, trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản TP HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai. Vì thế, kênh để các nhà đầu tư thứ cấp chuyển từ “lướt sóng” căn hộ chung cư sang đầu tư các loại hình bất động sản khác.
Theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giao dịch bất động sản thành công ở Hà Nội chủ yếu vẫn là khách hàng có nhu cầu thực, chỉ một số ít trong đó là từ các nhà đầu tư. Đáng chú ý, đầu tư “lướt sóng” kiếm lãi nhanh từ bất động sản giảm mạnh và đầu tư kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ kém hiệu quả hơn so với giai đoạn trước.
Tránh sốt ảo
Sau sự kiện cháy một chung cư lớn ở (quận 7, TP HCM) vào năm 2018, cộng với việc thị trường bất động sản Hà Nội, TP HCM bị chững lại vì nhiều lý do thì các nhà đầu tư chuyển qua đầu tư và “lướt sóng” đất nền ở vùng ven Hà Nội và TP HCM.
Chị Hồ Thu Nguyệt (ngụ quận 7, TP HCM) từng “lướt sóng” khá thành công nhiều căn chung cư 2 năm gần đây cũng đã chuyển qua đất nền tại Đồng Nai và Long An. Chị Nguyệt cho biết, ban đầu vì không am hiểu thị trường nên chị chọn những môi giới tin tưởng sau đó các môi giới này nắm tình hình và tìm các sản phẩm đầu tư cho chị. Tại những khu vực bất động sản đang có xu hướng “nóng” lên, nếu lướt nhanh thì khoảng 1-2 tháng với 1 lô đất chị lãi từ 100-150 triệu đồng. Với nhiều lô đất tiềm năng, chị Nguyệt cho biết, chị lại để hơn 1 năm số tiền chênh lên hiện đã lên tới 700 triệu đồng và dự tính vẫn còn tăng nữa.
Nhiều chuyên gia nhận định, đất nền khu vực tỉnh lẻ, giáp ranh TP HCM vẫn là kênh lựa chọn của giới đầu tư. Theo họ, mức độ sinh lời đất nền có mức chênh tốt hơn, chưa kể, đối với việc “lướt sóng”, so với phân khúc khác đất nền dễ “lướt sóng”, phù hợp với đối tượng nhà đầu tư không dày vốn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm thị trường hiện nay không phải là cơ hội cho đầu tư “lướt sóng” mặc dù các nhà đầu tư “lướt sóng” tham gia phần nào thúc đẩy thanh khoản thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM lưu ý, điểm mấu chốt khi đầu tư tỉnh lẻ là nhà đầu tư cần hiểu rõ khu vực dự định đầu tư. Dù diện tích đất đai của các tỉnh rộng lớn nhưng số lượng nhà, đất có tính thanh khoản cao không nhiều. Nhà đầu tư chỉ nên chọn tỉnh ở những địa phương có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì bất động sản có thanh khoản tốt.
Những tỉnh có nền công nghiệp phát triển, hay đứng đầu về thu hút FDI, có các cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ… Nhà đầu tư cần tránh những khu vực có tình trạng cò, môi giới tạo sốt ảo hoặc khu vực có tính thanh khoản không cao, nếu đầu tư vào khu vực không phù hợp thì rất khó bán lại dù là bán lỗ.