Đầu tư vào các cụm công nghiệp còn hạn chế |
Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho Chương trình hỗ trợ hạ tầng CCN với 410,770 tỷ đồng, triển khai 25 dự án. Trong đó, Quảng Nam và Quảng Trị được hỗ trợ nhiều nhất với 3 dự án/tỉnh, tiếp đến là Nghệ An và Thanh Hóa 2 dự án/ tỉnh, số dự án còn lại được phân bố đồng đều mỗi tỉnh 1 dự án. Tuy nhiên, do khả năng cân đối ngân sách gặp khó khăn, số vốn thực chi cho hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN trên cả nước giai đoạn 2016 - 2019 chỉ đạt 65,6% kế hoạch với 269,389 tỷ đồng. Số vốn được giao cũng giảm đều theo từng năm, từ 155 tỷ đồng (năm 2016) giảm xuống còn 32,2 tỷ đồng (năm 2019).
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, một số tỉnh, thành phố cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ vốn cho phát triển CCN từ ngân sách địa phương. Số liệu thống kê cho thấy, tổng ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2019 hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cho khoảng 139 CCN, kinh phí dự kiến 2.435 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 18 địa phương bố trí được vốn này với kinh phí thực hiện 1.221,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% so với kế hoạch của cả giai đoạn.
Theo đánh giá từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), do "dồi dào" hơn, nguồn vốn ngân sách trung ương chủ yếu đầu tư các hạng mục công trình lớn như: Đường giao thông nội bộ, hạ tầng điện, hệ thống xử lý nước thải, đường trục chính vào CCN. Nguồn ngân sách địa phương đầu tư các hạng mục thiết yếu để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp như: Quy hoạch chi tiết, san lấp mặt bằng, cấp - thoát nước, phòng cháy, chữa cháy, di dời vào CCN.
Dù vậy, so với tổng nhu cầu vốn của địa phương, việc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cũng chỉ đáp ứng được khoảng 7% tổng nhu cầu và bằng 8% tổng vốn hỗ trợ tối đa cho các địa phương theo quy định tại Quyết định số 351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Định mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho mỗi CCN cũng rất thấp, trong khi đó, phạm vi các công trình, hạng mục CCN được sử dụng nguồn vốn hỗ trợ rất rộng, dẫn đến bố trí vốn chưa tập trung, đầu tư manh mún và hiệu quả thấp. Tương tự, nguồn ngân sách của các địa phương hạn chế dẫn tới số vốn đầu tư cho CCN thấp, thậm chí không đủ kinh phí để triển khai chính sách hỗ trợ phát triển CCN đã ban hành.
Có thể thấy, vốn là "nút thắt" trong phát triển CCN hiện nay, từ cấp trung ương tới địa phương. Trong khi việc đầu tư hạ tầng CCN để thu hút đầu tư thứ cấp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách, thiếu vốn tiếp tục là bài toán nan giải trong phát triển hạ tầng CCN. Để giải quyết vấn đề này, căn cứ pháp luật đầu tư công, khả năng cân đối ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ Chương trình/chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách trung ương. Dự kiến, đối với CCN phục vụ di dời doanh nghiệp, mức hỗ trợ không quá 30 tỷ đồng/cụm và tối đa 1 cụm/địa phương; đối với CCN đang hoạt động mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/cụm và tối đa 3 cụm/địa phương.
Với các địa phương, đại diện Bộ Công Thương đề nghị: Huy động tổng các nguồn lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng CCN, theo thứ tự ưu tiên: Hoàn thành đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư các CCN có khả năng và lợi thế trong việc thu hút đầu tư thứ cấp. Đồng thời, sửa đổi hoặc xây dựng mới các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng ngân sách địa phương.
Cả nước hiện có 683 CCN đang hoạt động, thu hút 10.139 dự án, doanh nghiệp và đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký 229.194 tỷ đồng. |
https://congthuong.vn/hoan-thien-ha-tang-cum-cong-nghiep-nan-giai-chuyen-von-127701.html
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/hoan-thien-ha-tang-cum-cong-nghiep-nan-giai-chuyen-von-a7727.html