Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Quang Huy đã ký kết luận số 41/KL-TTGSNH7, về việc thanh tra hành chính tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả thanh tra cho thấy, về cơ bản, trong thời kỳ thanh tra, nhà trường đã thực hiện sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, nhằm duy trì hoạt động giảng dạy, sinh hoạt của sinh viên, cán bộ, giảng viên trong nhà trường.
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)
Ngoài ra, việc cho thuê tài sản công đã mang lại nguồn thu cho nhà trường, ngân sách cho nhà nước. Tuy nhiên, việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê trước khi đề án được phê duyệt còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Trường chậm triển khai xây dựng Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê từ ngày 1/1/2018 đến 29/7/2020, là thực hiện không đúng với quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 55 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017, và điểm a khoản 3 Điều 44 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Việc trường ký kết Hợp đồng cho thuê sau ngày 20/7/2009 đối với 7 tài sản không thông qua đấu giá, là thực hiện không đúng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 43 của Nghị định 52/2009/NĐ-CP.
Việc trường không chấm dứt Hợp đồng cho thuê sau ngày 1/1/2018 đối với 7 tài sản là thực hiện không đúng quy định tại khoản 5 Điều 136 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Việc trường thực hiện cho thuê đối với 7 tài sản (1 tài sản tại cơ sở 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1; Căng tin hành lang và 6 tài sản tại cơ sở 56 Hoàng Diệu 2, Thủ Đức gồm: Tiệm giặt ủi sinh viên tại Ký túc xá 9 tầng, Siêu thị mini tại Ký túc xá 9 tầng, Căng tin sinh viên 500m2, Mái nhà giảng đường C – đặt trạm BTS, Sân Tennis, Khu dịch vụ sinh viên), 10 tài sản và các tài sản phòng học, phòng họp, hội trường là thực hiện không đúng với quy định tại khoản 3 điều 55 của Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, và khoản 2 điều 46 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Theo đó, trường chỉ được sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê sau khi Đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc cho thuê tài sản công (sau ngày 1/1/2018) phải được thực hiện bằng hình thức đấu giá, được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 46 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Do đó:
Việc nhà trường thực hiện cho thuê không thông qua đấu giá đối với 4 tài sản (đặt quảng cáo, cửa hàng tiện ích, 2 vị trí đặt máy ATM - PV), 4 tài sản (3 vị trí đặt ATM và 1 tiệm photocopy) là thực hiện không đúng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 46 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Sau khi hết hạn hợp đồng đã ký, trường tiếp tục thực hiện việc ký kết gia hạn hợp đồng đối với một số tài sản là thực hiện không đúng quy định nêu tại điểm a khoản 3 Điều 46 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Chọn mẫu hồ sơ cho thuê tài sản công: Qua chọn mẫu 2 bộ hồ sơ cho thuê tài sản công trong thời kỳ thanh tra, bao gồm 3 tài sản là: Nhà giữ xe sinh viên và một phần giữ xe ô tô ngoài trời trong khuôn viên tại cơ sở 56 Hoàng Diệu 2; căng tin sinh viên (500m2) tại cơ sở 56 Hoàng Diệu, việc cho thuê tài sản là cần thiết đối với hoạt động của trường và đời sống, sinh hoạt của sinh viên, việc sử dụng tài sản cho thuê đúng mục đích, tiền thu được đối với tài sản cho thuê đã được hạch toán và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai cho thuê đối với 3 tài sản công được chọn mẫu còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
Trong giai đoạn trước khi Đề án được phê duyệt đối với hạng mục cho thuê Nhà gửi xe sinh viên:
Nhà trường thực hiện việc cho thuê Nhà gửi xe sinh viên (sau ngày 1/1/2018) khi chưa có Đề án được phê duyệt là thực hiện không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 46 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Theo đó, trường chỉ được cho thuê tài sản công khi có Đề án đã được phê duyệt.
Hội đồng đấu giá cho thuê tài sản không bao gồm đại diện cơ quan tài chính, cơ quan tư pháp cùng cấp là thực hiện không đúng quy định tại khoản 5 Điều 24 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Trường lập Hội đồng đấu giá, không thuê tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá cho thuê Nhà gửi xe sinh viên là thực hiện không đúng quy định tại khoản 4 Điều 24 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Sau khi hết hạn hợp đồng đã ký kết, nhà trường thực hiện việc ký kết gia hạn hợp đồng (gia hạn từ ngày 1/9/2021 đến 31/8/2023) với đơn vị thuê tài sản là thực hiện không đúng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 46 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Theo đó, sau khi hết hạn hợp đồng đã ký kết, trường phải tiếp tục thực hiện đấu giá để cho thuê tài sản.
Trong giai đoạn trước khi Đề án được phê duyệt đối với hạng mục cho thuê Căng tin sinh viên 500m2:
Trường thực hiện việc ký kết hợp đồng vào ngày 1/9/2014 cho thuê Căng tin sinh viên không thông qua đấu giá, là thực hiện không đúng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 43 của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.
Trường không thực hiện việc chấm dứt Hợp đồng cho thuê Căng tin sinh viên và tiếp tục cho thuê (sau khi Nghị định 151/2017/NĐ-CP có hiệu lực) là thực hiện không đúng với quy định tại khoản 5 Điều 136 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Theo đó, trường phải thực hiện việc chấm dứt Hợp đồng cho thuê tài sản sau ngày 1/1/2018, và trường chỉ được cho thuê tài sản sau khi có Đề án được phê duyệt.
Sau khi hết hạn hợp đồng đã ký kết, trường thực hiện việc ký kết gia hạn hợp đồng ngày 16/8/2021 (gia hạn từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/7/2023) với đơn vị thuê tài sản là thực hiện không đúng với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 46 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Theo đó, sau khi hết hạn hợp đồng đã được ký kết, trường phải thực hiện đấu giá cho thuê tài sản.
Trường chưa thực hiện việc nộp tiền thuê đất đối với Nhà gửi xe sinh viên, một phần giữ xe ô tô và Căng tin sinh viên 500m2 là thực hiện không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 42 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Ngày 10/2/2025, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với việc xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trong kết luận thanh tra này cần phải được tiến hành theo quy trình.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cho-thue-tai-san-cong-tai-truong-dh-ngan-hang-tphcm-khong-dung-quy-dinh-ra-sao-a76581.html