The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền): Đại diện Học viện Hàng không Việt Nam gây bất ngờ với chiến thuật thông minh

Trong tập 8 của The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền), các phi hành đoàn được tiếp cận và hiểu rõ hơn về khái niệm của mô hình kinh doanh ESG – đây cũng là từ khoá chính của chương trình.

Với sự quay trở lại của The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền) trong tập 8, chương trình sẽ tiếp tục tìm ra những gương mặt, chiến binh mạnh và tài năng ở lĩnh vực tài chính cá nhân. Top 3 phi hành đoàn tiếp theo sẽ tham gia vào các thử thách lần này là Trường Đại học Gia Định (Kỷ Minh Lộc, Nguyễn Thị Thanh Lan, Nguyễn Thị Thanh Trang), Học viện Hàng không Việt Nam (Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Nguyễn Phương Uyên, Phan Hồ Thanh Hoài) và Trường Đại học Văn Hiến (Diệp Hy Khang, Hoàng Việt Tùng, Trần Hữu Hoàng).

Ngoài sự tham gia của các bạn sinh viên, Vũ trụ Đồng tiền còn có thêm sự xuất hiện của dàn ban giám khảo dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cá nhân là PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Chuyên gia tài chính cá nhân, Thành viên Hội đồng cố vấn chuyên môn Vũ trụ Đồng tiền; Nhà báo Dương Ngọc Trinh – Giám đốc chiến lược Thời báo VTV, Đài truyền hình Việt Nam; Ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI; TS Nguyễn Xuân Quang – Phó Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV); Ông Hans Nguyễn – Cố vấn Trưởng Dragon Capital Việt Nam. Họ là những người sẽ đồng hành xuyên suốt cùng người chơi trên hành trình tìm kiếm phi hành gia đa tài. Không những vậy, các khán giả có mặt tại trường quay cũng chính là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, những nhà đầu tư thế hệ mới của chương trình.

Chủ đề đầy mới lạ của Vũ trụ Đồng tiền trong tập phát sóng lần này mang tên “Hành tinh sinh đôi”. Theo đó, hành tinh sinh đôi là hành tinh có sự phát triển song hành của số hoá và xanh hóa, tạo nguồn cảm hứng để Vũ trụ Đồng tiền đạt được sự cân bằng và phát triển bền vững.

1731895184-d-n-bgk-1731898506.jpg

Bước vào vòng thi đầu tiên là “Monee Hunter – Săn tiền thưởng”, các phi hành gia cùng nhau giải nghĩa từ khóa xuất hiện tại chương trình này dựa trên 2 tiêu chí: đúng và dễ hiểu. Đội chiến thắng phần diễn giải nhận được số đạn nhiều nhất để bước sang phần chơi thực tế ảo VR (bắn thiên thạch từ khóa dựa theo câu hỏi). Kết thúc phần chơi, đội nào bắn được nhiều nhất sẽ nhận được giải thưởng 100 triệu Monee, đội nhì 95 triệu Monee, đội ba 90 triệu Monee.

Từ khoá được chương trình đưa ra là “ESG”. Sau thời gian bàn bạc, các phi hành gia đã đưa ra những câu trả lời hợp lý và dễ hiểu nhất của mình. Sau khi lắng nghe các phần giải thích đến từ 3 đội chơi, TS Nguyễn Xuân Quang bổ sung thêm: “Thứ nhất E là Environmental (Môi trường), doanh nghiệp sẽ kinh doanh một cách bền vững bằng các phương thức làm giảm tác động đến môi trường hoặc giúp cho môi trường đó được bền vững hơn. S là Social (Xã hội), tức là đánh giá về tác động giữa doanh nghiệp với các bên liên quan như nhân viên, đối tác, khách hàng, đặc biệt là các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động của họ. Và yếu tố thứ ba Governance (Quản trị) là đánh giá về cách quản trị của doanh nghiệp, tức cơ cấu quản trị của họ như thế nào, quản lý rủi ro ra sao, có minh bạch hay không. Đây là một mô hình kinh doanh mà gần đây được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam”.

Ngay sau đó, ông Hans Nguyễn tiếp lời: “Trong khi cách truyền thống về đầu tư mà tính lợi nhuận là phải tối đa hoá về lợi nhuận. Tuy nhiên, với mô hình ESG, đề nghị mình không nhất thiết phải tối đa hoá lợi nhuận đếm bằng tiền, mà lợi nhuận này có thể có thể hiểu như là trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với môi trường và tuân thủ luật pháp,.. Tất cả những giá trị này đều không tính bằng tiền”.

1731895184-hha-5741-1731898505.jpg

Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Hoài Linh cũng giải thích thêm về lý do vì sao người tiêu dùng và nhà đầu tư cần quan tâm đến mô hình ESG: “Khách hàng và người dân bây giờ nhận thức ngày càng tốt, họ sẽ biết chọn và đến với các doanh nghiệp ngoài có những sản phẩm tốt, doanh nghiệp đó phải bền vững và mang lại giá trị cho cộng đồng. ESG không chỉ liên quan đến doanh nghiệp mà mỗi một cá nhân khi có hành vi đầu tư cũng như hành vi tiêu dùng, họ sẽ lựa chọn doanh nghiệp xanh và có trách nhiệm xã hội cũng như quản trị minh bạch”.

Kết quả sau vòng thi đầu tiên, Học viện Hàng không Việt Nam được ban giám khảo đánh giá cao nhất và giành được vị trí thứ nhất khi trình bày, giải thích đầy đủ ngữ nghĩa của 3 khía cạnh thuộc mô hình ESG. Bên cạnh đó, xếp thứ hai là Trường Đại học Gia Định cũng rất may khi kịp thời bổ sung đầy đủ yếu tố ở phút cuối cùng. Trái lại, Trường Đại học Văn Hiến xếp vị trí cuối cùng khi được nhận xét rằng vì quá tập trung vào 2 yếu tố Môi trường và Xã hội, nên đã thiếu đi mất một yếu tố quan trọng không kém đó là Quản trị.

1731895184-tum-8277-1731898505.jpg

Đại diện của các phi hành đoàn bước tiếp phần chơi thực tế ảo VR “Bắn thiên thạch” để có thể tích lũy những số Monee đầu tiên tại The Moneyverse. Kết thúc trò chơi, Trường Đại học Gia Định về nhất với số tích lũy là 100 triệu Monee, hạng nhì là Trường Đại học Văn Hiến với 95 triệu Monee và cuối cùng là Học viện Hàng không Việt Nam khi tích lũy được 90 triệu Monee.

Vũ trụ Đồng tiền tiếp tục đưa các phi hành gia đến với thử thách tiếp theo có tên gọi “Big Bang – Đầu tư giả lập”. Trước khi bước vào vòng thi, một thông tin quan trọng đó là vật phẩm Ngôi sao trách nhiệm được chương trình công bố. Đây là vật có thể giúp cho các đội chơi chiến thắng ở vòng cuối cùng, nhưng đồng thời cũng có thể lấy đi lợi thế mà mình đang có. Ông Hans Nguyễn đưa ra giao dịch nếu các phi hành gia quyết định chọn ngôi sao trách nhiệm phải đánh đổi 30% tổng giá trị tài sản có trong chương trình để thực hiện trách nhiệm cộng đồng.

Sau khi thảo luận, cả 3 đội chơi đều quyết định bắt tay nhau và cùng nhau chia đều 30% số Monee, mỗi đội 10% để đầu tư vào vật phẩm Ngôi sao trách nhiệm. Giám khảo Hans Nguyễn cũng đồng ý ngay lập tức và chấp nhận thỏa thuận này của cả 3 phi hành đoàn.

Tiếp tục với vòng “Bigbang – Đầu tư giả lập”, chương trình cung cấp một bối cảnh giả định để các đội chơi cùng đánh giá và phân bổ Monee. Bối cảnh được chương trình đưa ra: GDP của hành tinh Sinh đôi đạt 7%, mức cao nhất 7 năm; Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng trên 20%, song đang chậm lại; Kinh tế toàn Vũ trụ Đồng tiền gặp nhiều bất ổn sau xung đột thương mại giữa các vì sao; Các ngân hàng trung ương của nhiều hành tinh bình thường hoá lãi suất sau giai đoạn nới lỏng tiền tệ; Thị trường chứng khoán trong Vũ trụ Đồng tiền hồi phục sau các cú sốc về xung đột thương mại và sự thay đổi của chính sách tiền tệ sang pha thắt chặt.

1731895184-tum-8155-1731898505.jpg

Trường Đại học Gia Định quyết định phân bổ tài sản cho 20% kim loại quý, 30% tiền mặt và 50% cổ phiếu ngân hàng. Đối với Trường Đại học Văn Hiến, các bạn đầu tư 40% cho cổ phiếu bán lẻ, 10% tiền mặt, 20% cổ phiếu ngân hàng và 30% gửi tiết kiệm. Ông Hans Nguyễn tiếp tục đưa ra lời khuyên rằng thị trường tốt có thể đem đến rủi ro nhưng cũng là cơ hội giúp tăng trưởng, nếu thị trường gây ra tâm lý lo lắng là tín hiệu để đầu tư an toàn. Cuối cùng, Học viện Hàng không Việt Nam đã phân bổ các hạng mục đầu tư như 20% cho tiền kỹ thuật số, 30% đất vùng ven, 30% cổ phiếu ngân hàng và 20% gửi tiết kiệm.

Kết quả gọi vốn đầu tư cho thấy, Học viện Hàng không Việt Nam thành công dẫn đầu và giành được vị trí thứ nhất với 100 triệu Monee. Theo sau đó là Trường Đại học Văn Hiến nhận được 95 triệu Monee và Trường Đại học Gia Định ở vị trí cuối cùng với 90 triệu Monee.

Bước tiếp đến hành trình đầu tư giả lập, thị trường sẽ thay đổi dựa trên biến cố mà chương trình đưa ra, cũng như quyết định đầu tư của 100 thành viên còn lại tại trường quay. Kết quả hiển thị cho thấy chỉ có duy nhất Trường Đại học Văn Hiến mang về lợi nhuận tăng 0,33% và xếp vị trí thứ nhất. Học viện Hàng không Việt Nam xếp thứ hai với lợi nhuận âm 6,63% và cuối cùng Trường Đại học Gia Định với lợi nhuận âm 18,54%.

Vòng thi cuối cùng mang tên “Black Hole – Hố Đen Vũ Trụ”, mỗi đội tham gia cần giải mật mã, trả lời cho câu hỏi mà chương trình đưa ra để mở khóa thoát ra khỏi “hố đen”. Trong trường hợp người chơi hết giờ nhưng vẫn không giải được mật mã, chiến thắng sẽ thuộc về người sở hữu nhiều Monee nhất. Các phi hành gia đại diện cho mỗi đội là Kỳ Minh Lộc, Trần Hữu Hoàng, Huỳnh Thị Quỳnh Nga lần lượt đến từ Trường Đại học Gia Định, Trường Đại học Văn Hiến và Học viện Hàng không Việt Nam.

Trước khi đến với thông tin quan trọng, cả 3 đội đều nhận được một dữ kiện quan trọng và là một phần của mật mã trong vòng thi lần này, lần lượt có ký tự “A”, “N” và “H”. Câu hỏi chính được chương trình đưa ra “Một xu hướng phát triển của cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia,…”. Ngay phần đàm phán đầu tiên, tất cả thành đều đồng loạt đồng ý sử dụng 5 triệu Monee để xem ký tự của nhau sau khi nhận được.

1731895184-v-ng-black-hole-1731898505.jpg

Để lấy được manh mối đầu tiên, các đội phải trải qua cuộc đấu giá với giá khởi điểm là 5 triệu Monee cùng bước giá 1 triệu Monee. Cuộc đấu giá nhanh chóng kết thúc, Trần Hữu Hoàng thành công lấy được manh mối với mức giá 30 triệu Monee. Tiết lộ của manh mối thứ nhất được trích từ câu nói của BTV Ngọc Trinh trong chương trình Net Zero – Gửi Tương Lai: “Kho báu ở đây không chỉ là tiền, mà còn là chuỗi giá trị tạo ra khi mà các quốc gia, các doanh nghiệp, và đặc biệt là các cá nhân thay đổi được thói quen từ nhỏ nhất để hướng đến tương lai xanh và bền vững hơn”.

Cuộc đấu giá cho manh mối thứ hai được diễn ra ngay sau đó với giá khởi điểm là 10 triệu Monee. Thành viên của Học viện Hàng không Việt Nam đã thành công lấy được manh mối là “Phương trình ?=0”. Trần Hữu Hoàng đưa ra một thỏa thuận rằng bạn sẽ là người mở mật mã lần cuối cùng, nếu sai, bạn sẽ chủ động nhường quyền và giúp cho các thành viên còn lại tăng tỷ lệ từ 33,3% lên 50% với điều kiện tất cả phải trao hết mật mã ngược lại cho Hữu Hoàng. Mọi giao kèo đều không được đồng ý và cuộc đàm phán đã thất bại.

Tiếp đến manh mối thứ ba của chương trình, các thành viên trong căn phòng bí mật đều phải trải qua một bài trắc nghiệm. Kết quả cuối cùng cho thấy đại diện Học viện Hàng không Việt Nam xếp vị trí thứ nhất với 374 điểm, thành công mang về manh mối có dữ kiện mang ý nghĩa “Giữ nhiệt độ Trái đất không vượt 1,5 độ C”.

Trong vòng này, vật phẩm Ngôi sao trách nhiệm mà cả 3 đội đầu tư ở vòng trước mang đến cho tất cả người chơi manh mối thứ tư được bật mí với ý nghĩa “Rừng cây xanh mát”.

Những phút cuối cùng trước khi kết thúc vòng thi, Trần Hữu Hoàng liên tục đưa ra thỏa thuận trao đổi nhưng Huỳnh Thị Quỳnh Nga nhất quyết không đổi, chỉ muốn bán để thu về thêm Monee. Sau 30 phút theo quy định của vòng thi, tất cả các thành viên đều không giải được mật mã cuối cùng của căn phòng bí mật. Thêm vào đó, các bạn cũng từ chối mua thêm 5 phút để tiếp tục hành trình tìm ra mật mã.

Như vậy, mật mã cuối cùng được chương trình tiết lộ cho câu “Một xu hướng phát triển của cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia,…” đó chính là từ khoá “xanh hoá”. Kết thúc vòng thi Hố Đen Vũ Trụ, đại diện của Học viện Hàng không Việt Nam – Huỳnh Thị Quỳnh Nga là người sở hữu nhiều Monee nhất và giành chiến thắng tiếp tục bước vào vòng Bán kết sắp tới.

Giải đấu The Moneyverse – dành riêng cho các phi hành gia tài năng của các trường Đại học trên cả nước, có kiến thức về 5 hành tinh: Kiếm – Tiêu – Tích lũy – Đầu tư – Bảo toàn, với sự tự tin thể hiện bản sắc cá nhân. Các “phi hành gia” tham gia sẽ có cơ hội chinh phục 1 tỷ đồng đầu tiên của Giải đấu, cơ hội làm việc tại các định chế tài chính hàng. Theo đó, BIDV và SSI là 2 đối tác chiến lược đồng hành xuyên suốt chương trình.

Vũ trụ Đồng tiền  phát sóng truyền hình VTV3 vào lúc 14h00 Chủ nhật hàng tuần và trên YouTube The Moneyverse lúc 15h cùng ngày.

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/the-moneyverse-vu-tru-dong-tien-dai-dien-hoc-vien-hang-khong-viet-nam-gay-bat-ngo-voi-chien-thuat-thong-minh-a76141.html