Bài 53: Buông lỏng quản lý trật tự xây dựng nhiều nơi ở Bình Chánh

Theo kết luận của thanh tra huyện Bình Chánh, nhiều địa phương trên địa bàn không có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện công tác kiểm tra, phúc tra, theo dõi việc thực hiện nội dung đăng ký sửa chữa nhà ở (ĐKSCNO) của người dân (tạm gọi: công tác hậu kiểm).

Lời tòa soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Mới đây, Thanh tra huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các kết luận thanh tra (KLTT) về công tác quản lý nhà nước về sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ (hồ sơ sửa chữa nhà) đối với UBND một số xã trên địa bàn huyện (thời kỳ thanh tra: từ 1/1/2022 đến 31.12.2023).

Theo đó, tại KLTT số 1198/KL-TTH liên quan đến xã Hưng Long, theo Thanh tra huyện Bình Chánh, trong năm 2022 - 2023, UBND xã Hưng Long tiếp nhận 189 hồ sơ (có 45 trường hợp rút hồ sơ) nhưng có 55/189 hồ sơ có văn bản trả kết quả giải quyết thực hiện không đúng mẫu theo Công văn số 1807/VP; có 10/189 hồ sơ trả kết quả trễ hạn.

bc4e3436c02912774b38-17280172755601794082834-1728348410.jpg

Nhà hàng cơi nới, xây dựng thêm sân thượng để mở rộng không gian kinh doanh

Tương tự, tại UBND xã Đa Phước, UBND xã Hưng Long cũng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện công tác hậu kiểm nội dung đăng ký sửa chữa nhà ở của người dân; không phát hiện và xử lý kịp thời đối với 1 trường hợp sửa chữa không đúng nội dung đã đăng ký.

Trong khi đó, tại xã An Phú Tây (KLTT số 1200/KL-TTH), Thanh tra huyện kiểm tra 21 trường hợp đăng ký sửa chữa có 2 trường hợp sửa chữa không đúng nội dung đăng ký nhưng UBND xã không phát hiện và không lập hồ sơ xử lý. Trong đó, có trường hợp bà Võ Thị Phương (số 510A1/20, Ấp 1) diện tích 14m2 nội dung nâng nền, nâng mái, thay mái, thay vách, nền gạch, cột BTCT… nhưng UBND xã sử dụng biên bản xác minh năm 2020: vách tường, nền gạch, mái tole để chấp thuận cho bà Phương đăng ký sửa chữa năm 2020. Việc này là không đúng về thời gian và không đúng hiện trạng hình ảnh kèm theo hồ sơ xin sửa chữa (hình ảnh: khung kèo sắt, vách tole, mái tole) chủ đầu tư xây dựng mới thay đổi kết cấu chịu lực từ cột sắt, vách tôn, mái tole thành cột gạch, vách tường, mái tole…

Còn tại kết luận thanh tra số 1199/KL-TTH liên quan đến xã Đa Phước, trong thời gian trên, UBND xã tiếp nhận 64 hồ sơ sửa chữa nhà (hiện hữu). Về chủ thể, thành phần hồ sơ đảm bảo nhưng có 6/64 hồ sơ văn bản trả kết quả giải quyết thực hiện không đúng mẫu theo Công văn số 1807/VP ngày 12.8.2019 của Văn phòng HĐND huyện Bình Chánh (Công văn số 1807/VP); có 42/64 hồ sơ trả kết quả trễ hạn.

z461057577538089594e6458cfd56324e59cb8890041ce-17280173251441004307809-1728348410.jpg

Siêu thị Điện Máy Xanh xây dựng thấp hơn chiều cao dãy nhà trên tuyến phố 9A

Về kết quả kiểm tra, phúc tra theo dõi kết quả sửa chữa, cải tạo, kết quả xử lý, KLTT cho biết, qua kết quả kiểm tra xác định: UBND xã Đa Phước không có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện công tác kiểm tra, phúc tra, theo dõi việc thực hiện nội dung đăng ký sửa chữa nhà ở (ĐKSCNO) của người dân (tạm gọi: công tác hậu kiểm).

Bên cạnh đó, UBND xã Đa Phước không thực hiện báo cáo đột xuất, định kỳ (tháng, quý, năm) về tình hình sửa chữa nhà ở riêng lẻ có sẵn về UBND huyện.

Còn tại xã Qui Đức (KLTT số 1196/KL-TTH), đơn vị đã tiếp nhận 21 hồ sơ nhưng có 2 hồ sơ trả kết quả trễ hạn. UBND xã Qui Đức cũng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện công tác hậu kiểm… Trong số các trường hợp xin sửa chữa có 1 trường hợp sửa chữa không đúng nội dung đăng ký.

cdf00686d2a700f959b6-1728017382019148853609-1728348410.jpg

Massage Nhạc Dương Lầu để xe của khách lấn chiếm gần hết vỉa hè

Tương tự, tại Tân Nhựt (KLTT số 1197/KL-TTH) đã tiếp nhận 22 hồ sơ nhưng có 7 hồ sơ có văn bản trả kết quả giải quyết thực hiện không đúng mẫu theo Công văn số 1807/VP. UBND xã Tân Nhựt không có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện công tác hậu kiểm… Có 1 trường hợp sửa chữa không đúng nội dung đăng ký nhưng UBND xã không kiểm tra, không phát hiện và xử lý.

Từ những thiếu sót trên, Thanh tra huyện kiến nghị Chủ tịch huyện giao Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các cá nhân là lãnh đạo, công chức các xã nêu trên; kiến nghị Chủ tịch huyện yêu cầu lãnh đạo các xã chấn chỉnh các thiếu sót đã được Thanh tra huyện kết luận.

Hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè, vi phạm về tầng cao, sử dụng đất ở vào mục đích khác... tại khu dân cư Trung Sơn chưa được xử lý

Tại huyện Bình Chánh, hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Điển hình là tại khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, tình trạng công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè, vi phạm về tầng cao, sử dụng đất ở vào mục đích khác... khá phổ biến.

Đơn cử là tình trạng lấn chiếm vỉa hè xảy ra phổ biến tại đường 9A (Karaoke Pattaya, nhà hàng Ô mê ly, Massage Nhạc Dương Lầu, S.TOWN Coffee...); xây dựng cơi nới, sai số tầng (thấp hơn hoặc cao hơn) so với quy hoạch (Khách sạn An Gia Phát số 289 - 291 đường 9A, Khách sạn Enjoy số 166 đường Số 7, Bách Hóa Xanh đường 9A...); xây dựng hợp thửa (Khách sạn La Galerie số 17 - 19 đường số 4; Khách sạn An Gia Phát số 289 -291 đường 9A, Trường mầm non Trung Sơn số 255 - 257 đường 9A...); chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thổ cư sang mục đích khác (Trường Cao đẳng Việt Mỹ đường số 4, Khách sạn La Galerie số 17 - 19 đường số 4...); thay đổi kiến trúc bên ngoài (Tòa nhà Gymaster số 233 - 235 đường 9A, Beer Craft 110 đường 9A...).

Từng được xem là khu phố kiểu mẫu không chỉ của huyện Bình Chánh mà cả khu Nam Sài Gòn, nhưng việc buông lỏng quản lý tại Khu dân cư Trung Sơn đã kéo theo nhiều hệ lụy. Trước thực tế này, ngày 22/8/2023, PV Reatimes đã liên hệ UBND huyện Bình Chánh và UBND phường Bình Hưng Chánh (theo Giấy giới thiệu số 11/GGT-REATIMES cấp ngày 22/8/2023), để tìm hiểu thêm về những vấn đề trên. Tại văn bản này, Reatimes đề nghị UBND huyện Bình Chánh cung cấp cho Tạp chí những thông tin sau:

Thứ nhất, cơ quan chức năng của huyện đã kiểm tra và ghi nhận những vấn đề bất cập nêu trên chưa? Kết quả kiểm tra xử lý như thế nào? Những trường hợp nào đã xử phạt theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP và Nghị định 16/2022/NĐ-CP ?

Thứ hai, từ thực tế đã xảy ra, cơ quan chức năng có những khó khăn gì trong việc xử lý các sai phạm liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng?

Thứ ba, UBND huyện Bình Chánh có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn về việc cấp phép xây dựng, sửa chữa liên quan đến việc xây dựng thấp hơn số tầng, hợp thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất thổ cư sang mục đích khác và việc thay đổi kiến trúc bên ngoài trong dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500?

Đến ngày 6/10/2023, Reatimes có công văn số 157/2023/CV-REATIMES gửi UBND huyện Bình Chánh về việc tuyên truyền, áp dụng quy định pháp luật liên quan bất động sản, gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tại công văn này, Reatimes đặt câu hỏi về việc cơ quan chức năng của huyện đã kiểm tra và ghi nhận những vấn đề bất cập nêu trên tại Khu dân cư Trung Sơn hay chưa ? Kết quả kiểm tra xử lý như thế nào? Việc sửa chữa, thay đổi công năng tại Karaoke Pattaya có được cơ quan chức năng cấp phép hay không?

Mặc dù vậy, đến nay, sau hơn 1 năm trôi qua, Reatimes vẫn chưa nhận được phản hồi từ UBND huyện Bình Chánh và xã Bình Hưng./.

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bai-53-buong-long-quan-ly-trat-tu-xay-dung-nhieu-noi-o-binh-chanh-a75831.html