Thanh tra Sở chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Công ty cổ phần viễn thông FPT chi nhánh Bình Dương

Theo kết luận thanh tra, FPT Bình Dương đã thực hiện cung cấp các kênh chương trình trên hệ thống phát thanh truyền hình IPTV, OTT nằm ngoài danh mục kênh được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chứng nhận.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương mới đây công bố kết luận thanh tra của Thanh tra Sở về việc chấp hành các quy định pháp luật về viễn thông; truyền hình trả tiền; hoạt động thu thập, lưu trữ, khai thác, cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng; an toàn thông tin đối với chi nhánh Bình Dương - Công ty cổ phần viễn thông FPT (gọi tắt là FPT Bình Dương). 

Theo kết luận thanh tra, FPT Bình Dương đã thực hiện cung cấp các kênh chương trình trên hệ thống phát thanh truyền hình IPTV nằm ngoài danh mục kênh được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chứng nhận. Sai phạm quy định tại điểm e, khoản 2, điều 10 Nghị định số 06/2016 ngày 18/1/2016 của Chính Phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình. FPT Bình Dương chỉ truyền dẫn phát tín hiệu truyền hình trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trách nhiệm sai phạm này thuộc về Công ty cổ phần Viễn thông FPT. 

Cụ thể, trên hệ thống truyền hình trả tiền IPTV của FPT Bình Dương hiện đang cung cấp 155 kênh bao gồm 7 kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia; 63 kênh truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị; 55 kênh truyền hình trong nước; 29 kênh truyền hinh nước ngoài; 2 kênh chương trình thực hiện cài đặt tên, logo dịch vụ. Đối chiếu danh mục kênh đang phát thực tế với danh mục kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trong Giấy chứng nhận số 73 cấp ngày 12/5/2023; số 121 cấp ngày 4/8/2023; số 142 cấp ngày 31/8/2023 do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp. Đoàn kiểm tra ghi nhận FPT Bình Dương cung cấp 57 kênh truyền hình trong nước , trong đó 54 kênh đúng theo giấy chứng nhận đăng ký danh mục, và có 4 kênh chưa có giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh nhưng vẫn được FPT Telecom đưa lên hệ thống từ 1/1/2024.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra FPT Bình Dương thực hiện cung cấp các kênh chương trình trên hệ thống phát thanh truyền hình trên mạng Internet (OTT) nằm ngoài danh mục kênh được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chứng nhận. 

screen-shot-2024-09-28-at-212926-1727673439.jpg

Nguồn: Kết luận thanh tra của Thanh tra Sở - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, trên hệ thống truyền hình trả tiền trên mạng Internet (OTT) của FPT Bình Dương hiện đang cung cấp 135 kênh. Đối chiếu danh mục kênh đang phát thực tế trên hệ thống truyền hình trả tiền trên mạng Internet với danh mục kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trong Giấy chứng nhận số 72 cấp ngày 12/5/2023; số 120 cấp ngày 4/8/2023; số 147 cấp ngày 31/8/2023 do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp. Đoàn kiểm tra ghi nhận FPT Bình Dương cung cấp 56 kênh truyền hình trong nước, trong đó có 53 kênh đúng theo giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh, có 3 kênh chưa có giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh nhưng vẫn FPT Telecom đưa lên hệ thống từ 1/1/2024.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng nêu ra FPT Bình Dương triển khai hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông (giai đoạn từ năm 2022, 2023 và 3 tháng đầu năm 2024) trên các địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Tân Uyên, huyện Phú Giáo nhưng không gửi kế hoạch cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã vi phạm quy định tại Thông tư 20/2019 ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia QCVN 33:2019/BTTT lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông. Tuy nhiên, trách nhiệm việc gửi Kế hoạch thuộc về Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), do đó, trách nhiệm này thuộc về Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

Về vấn đề cung cấp các gói cước F-Game-1T, F-Game-7T, F-Game-14T, kết luận thanh tra chỉ rõ FPT Bình Dương đã chưa thực hiện việc đăng ký giá cước với cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 38, Nghị định số 25/2011 ngày 6/4/2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông. Việc triển khai các gói cước thực hiện theo quyết định 540-2023 ngày 22/8/2023 của Công ty cổ phần viễn thông FPT. Do đó, trách nhiệm này thuộc về Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

screen-shot-2024-09-28-at-210024-1727673439.jpg

Nguồn: Kết luận thanh tra của Thanh tra Sở - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương.

Với các sai phạm nêu trên, Thanh tra Sở yêu cầu FPT Bình Dương khắc phục ngay các sai phạm tồn tại do Đoàn thanh tra đã chỉ ra.

Đồng thời, kiến nghị Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông chuyển hồ sơ vụ việc gửi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Thanh tra Sở kiến nghị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử kiểm tra, xử lý theo quy định với Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) do đã thực hiện cung cấp các kênh chương trình trên hệ thống phát thanh truyền hình IPTV và OTT nằm ngoài danh mục kênh được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chứng nhận.

Kiến nghị Cục Viễn thông kiểm tra, xử lý theo quy định đối với Công ty cổ phần Viễn thông FPT do triển khai hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông (giai đoạn từ năm 2022, 2023 và 3 tháng đầu năm 2024) trên các địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Tân Uyên, huyện Phú Giáo nhưng không gửi kế hoạch cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương; chưa thực hiện đăng ký giá cước các gói cước  F-Game-1T, F-Game-7T, F-Game-14T với cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông. 

Tại khoản 4.4, mục 4, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoạ vi viễn thông ban hành kèm thông tư 20/2019 ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định: "Các doanh nghiệp viễn thông khi lắp đặt cáp ngoại vi viễn thông phải gửi kế hoạch cho Sở Thông tin và Truyền thông ịa phương để quản lý, theo dõi".

Chánh Thanh tra cho rằng quy định này chưa quy thời gian báo cáo, nội dung báo cáo chưa được chuẩn hóa bằng form mẫu. Vì vậy, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần quy định rõ nội dung này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp viễn thông thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. 

screen-shot-2024-09-28-at-224154-1727673439.jpg

Về kết quả kinh doanh, FPT Bình Dương ghi nhận khoản tổng doanh thu tăng dần. Cụ thể, năm 2022, tổng doanh thu ghi nhận ở 334,9 tỷ đồng; năm 2023, con số này đạt 360,4 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu đạt 97,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ doanh thu của FPT Bình Dương đều đến từ dịch vụ viễn thông, không ghi nhận tại dịch vụ công nghệ thông tin. 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thanh-tra-so-chi-ra-hang-loat-sai-pham-tai-cong-ty-co-phan-vien-thong-fpt-chi-nhanh-binh-duong-a75781.html